Duyệt thêm 53 tuyến xe khách kết nối 28 tỉnh, thành
Với việc bổ sung thêm 53 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh, kết nối với 28 tỉnh thành phố, nâng tổng số tuyến vận tải khách cố định trên cả nước lên con số hơn 9.350 tuyến.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ban hành quyết định bổ sung 53 tuyến vận tải khách cố định mới vào Danh mục mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc, trên cơ sở đề xuất của Sở GTVT các địa phương.
Các tuyến vận tải khách cố định mới bổ sung sẽ kết nối với 28 địa phương, gồm: Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre, Tây Ninh, Cà Mau, Đồng Tháp, Cần Thơ và TP.HCM.
Hiện cả nước có hơn 9.300 tuyến vận tải khách cố định liên tỉnh được ban hành danh mục để doanh nghiệp vận tải đăng ký khai thác |
Với việc bổ sung thêm 53 tuyến xe khách cố định, hiện cả nước đã có trên 9.350 tuyến xe khách cố định liên tỉnh được công bố. Đây là cơ sở để các doanh nghiệp vận tải khách cố định đăng ký khai thác.
Bộ GTVT đề nghị Sở GTVT các địa phương cập nhật biểu đồ chạy xe tuyến cố định liên tỉnh vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến với tuyến địa phương mình quản lý, công bố công khai chi tiết các tuyến để doanh nghiệp nắm bắt và thực hiện đăng ký khai thác.
Cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tới cuối năm 2022, cả nước có khoảng 18.401 tuyến vận tải khách cố định (cả nội tỉnh và liên tỉnh), với hơn 1.262 đơn vị vận tải đang khai thác; cả nước có khoảng 664 bến xe ô tô khách.
Cục Đường bộ nhìn nhận, thời gian gần đây, tình trạng xe khách tuyến cố định trên cả nước bỏ bến xe ra ngoài “chạy dù”, chạy vòng vo tìm khách, gom khách đang có dấu hiệu gia tăng, đặc biệt tại TPHCM, Hà Nội và một số đô thị lớn. Nhiều nhà xe tìm cách xin giảm tần suất hoạt động từ 20 - 40% lưu lượng/ tháng… Dẫn tới lượng xe khách vào các bến xe giảm mạnh, cùng đó khách vào bến cũng giảm 50-80% so với trước đây, nhiều bến xe rơi vào tình trạng khó khăn, nguy cơ phá sản.
Cũng có nhiều xe khách bỏ bến xe ra thành lập văn phòng đại diện hoạt động để đặt chỗ, gom khách hoạt động liên tục đi các tỉnh, thành phố như tuyến cố định, gây mất trật tự an toàn giao thông và trật tự đô thị.
Tình trạng trên dẫn tới xe khách chạy tuyến cố định bị cạnh tranh khốc liệt về khách, đặc biệt với các xe hợp đồng trá hình; số lượng khách đi xe tuyến cố định giảm, không thu hút hành khách đi.
Theo Tiền Phong
Ý kiến bạn đọc