Nỗ lực chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân
HGĐT- Xã vùng cao Bát Đại Sơn (Quản Bạ) có 9 thôn bản với địa hình phức tạp, một số nơi còn chưa có điện lưới quốc gia phục vụ sinh hoạt; đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, giao thông đi lại còn khó khăn, số hộ nghèo chiếm tỷ lệ cao, phong tục tập quán lạc hậu... Mặc dù vậy, nhưng xã vẫn nỗ lực cố gắng khắc phục khó khăn để vươn lên trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực y tế.
Cán bộ Trạm y tế xã Bát Đại Sơn khám, chữa bệnh cho người dân.
Tuy còn khó khăn về cơ sở vật chất, nhưng đội ngũ cán bộ y tế xã Bát Đại Sơn đã có nhiều cố gắng để đảm bảo tốt cống tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho nhân dân, góp phần làm giảm tải số bệnh nhân tuyến trên và trở thành địa chỉ tin cậy của nhân dân trong xã.
Với đặc điểm là địa bàn rộng, địa hình chia cắt, ảnh hưởng nhất định đến vấn đề CSSK ban đầu cho nhân dân. Khi triển khai các chiến dịch khám sức khỏe, Trạm y tế phải tổ chức nhiều ngày tại các thôn bản, đến từng ngõ, xóm tuyền truyền cho bà con về ăn ở hợp vệ sinh, chăm sóc sức khỏe hàng ngày, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em, vận động hướng dẫn các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn. Do đó, nhận thức của người dân về CSSK ngày càng được cải thiện, người dân khi đau ốm đã đưa đến Trạm y tế để các y bác sĩ khám bệnh và cấp thuốc. Trạm y tế xã hiện có 5 cán bộ, trong đó có 4 y sĩ và 1 nữ hộ sinh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn, Trạm đã lập kế hoạch hoạt động từng tháng, từng quý, phân công công việc cụ thể cho từng cán bộ theo đúng chuyên môn. Ngoài ra nhân viên y tế thôn bản, cộng tác viên dân số có ở các thôn bản đã tuyên truyền và nắm bắt tình hình chung trên mỗi địa bàn. Từ đầu năm đến nay, Trạm đã khám, chữa bệnh cho trên 1.070 lượt bệnh nhân trong đó có 73bệnh nhân phải chuyển tuyến để điều trị và 618 người được điều trị ngoại trú. Ngoài công tác khám, chữa bệnh, Trạm cũng chú trọng đến các chương trình mục tiêu quốc gia, thực hiện tốt công tác dự phòng, khám sàng lọc đầy đủ, đúng quy định; theo dõi, giám sát tốt phản ứng sau tiêm chủng... Trong thời gian này đã có 71 cháu được tiêm đầy đủ các mũi phòng bệnh truyền nhiễm, tổ chức cho 100% trẻ trong độ tuổi uống vitamin A, bà mẹ mang thai được quản lý thai nghén, khám thai ít nhất 3 lần trở lên trong thời kỳ thai nghén, 100% bà mẹ sinh con tại trạm y tế. Chương trình phòng, chống sốt rét; phòng, chống bướu cổ; đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng, chống lao, vệ sinh môi trường, y tế học đường... luôn được trạm quan tâm, chú trọng. Cùng với cán bộ Trung tâm y tế huyện, cán bộ trạm và nhân viên y tế thôn bản đã tích cực tuyên truyền, kiểm tra các quán ăn, chợ, cách phòng ngộ độc nấm và bánh ngô, tổ chức tốt Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; thường xuyên phối hợp kiểm tra y tế học đường, khám sức khoẻ định kỳ cho các cháu học sinh trường mầm non; tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường, sử dụng 3 công trình hợp vệ sinh, xử lý chất thải sinh hoạt... từ đó đảm bảo môi trường sạch sẽ. Trạm luôn đảm bảo các đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, người nghèo, chính sách, trẻ em dưới 6 tuổi đều được khám, chữa bệnh theo đúng quy định của Nhà nước. Tuy nhiên, trang thiết bị về khám, chữa bệnh cho người dân còn thiếu thốn rất nhiều. Đây cũng là những vấn đề khó khăn nhất mà Trạm y tế xã đang từng bước khắc phục. Chị Hoàng Thị Minh, Trưởng trạm y tế xã trăn trở: Là xã cách xa trung tâm huyện, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, giao thông của 9 thôn đều là đường đất, hộ nghèo chiếm trên 70%, người dân đã có những chuyển biến trong ý thức về công tác vệ sinh môi trường sống song do đời sống còn nghèo nên chưa có điều kiện để xây dựng các công trình phụ, đưa chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm ra xa nhà. Điều này không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.
Để nâng cao chất lượng vệ sinh môi trường nông thôn, ngoài sự tuyên truyền của cán bộ y, bác sĩ cùng sự tận tình của đội ngũ cán bộ y tế thôn bản trong việc nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho người dân trong xã cần phải huy động nhiều nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ môi trường, giúp nhân dân được sống trong một môi trường trong lành và sạch sẽ, phòng, chống dịch bệnh, nâng cao sức khoẻ.
Ý kiến bạn đọc