Lạm dụng thuốc, thận lâm nguy

08:02, 26/06/2012

Dùng thuốc chữa bệnh là việc “cực chẳng đã” phải đưa vào cơ thể người một lượng hoạt chất ngoại lai mà nhiều khi “mặt trái” của chúng rất nguy hại cho các cơ quan nội tạng, đặc biệt là gan và thận. Chính vì vậy, nếu dùng thuốc thiếu hiểu biết, lạm dụng thuốc thường xuyên sẽ dẫn đến những nguy cơ chết người do các cơ quan này bị nhiễm độc và mắc những căn bệnh trầm trọng.


Suy thận cấp do thuốc

Suy thận cấp do thuốc là hội chứng xuất hiện khi chức năng của thận bị suy sụp do dùng thuốc kéo dài, làm giảm hoặc mất hoàn toàn mức lọc cầu thận. Bệnh nhân có biểu hiện tiểu ít, vô niệu, rối loạn nước, điện giải… và sẽ chết do nguyên nhân kali máu tăng, phù phổi cấp, hội chứng urê máu cao… Suy thận cấp có nhiều nguyên nhân do bệnh tại thận hoặc do các yếu tố ngoại lai. Các nguyên nhân do ngộ độc thuốc kháng sinh, thuốc chống ung thư, thuốc giảm viêm, giảm đau, nghiện heroin, lạm dụng thuốc chống động kinh, uống mật cá trắm cũng gây suy thận cấp rất khó điều trị.

Các loại thuốc có thể gây độc trực tiếp trên thận bằng cách gây viêm hoặc phá hủy các cấu trúc giải phẫu của thận hoặc gây độc gián tiếp bằng cách làm thay đổi lưu lượng máu đến thận hoặc tạo ra các chất độc nội sinh đối với thận. Hiện nay, mặc dù đã có nhiều phương tiện hồi sức tích cực (như lọc máu ngoài thận), nhưng tỷ lệ tử vong do suy thận cấp vẫn còn rất cao. Tuy vậy, nếu được điều trị kịp thời và chính xác, nhiều trường hợp vẫn có thể phục hồi hoàn toàn hoặc gần hoàn toàn chức năng thận, bệnh nhân có thể trở lại cuộc sống bình thường.

 Thuốc gây hại đối với thận (thận phải bị tổn thương).

Các thuốc nguy cơ cao gây độc cho thận

Nhiễm độc thận do thuốc xảy ra rất phổ biến trên lâm sàng, đây là nguyên nhân của gần 20% các trường hợp suy thận cấp phải nhập viện theo nghiên cứu của ngành y tế. Rất nhiều loại thuốc khác nhau được biết có thể gây độc cho thận, thường gặp nhất là các loại kháng sinh, thuốc đông dược, thuốc cản quang, thuốc ức chế men chuyển và đặc biệt là các nhóm thuốc có tác dụng chống viêm giảm đau. Rất nhiều loại thuốc thông thường, bán không cần đơn, dùng để điều trị các triệu chứng viêm, đau đều có thể gây độc cho thận.
 
Một số loại thuốc như thuốc gây ngủ, thuốc hạ sốt cũng gây ra những nguy hiểm chết người do suy thận nếu sử dụng quá liều… Một nghiên cứu của Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai (Hà Nội) cho thấy, tình trạng ngộ độc thuốc paracetamol đứng hàng thứ hai (sau ngộ độc thuốc ngủ và thuốc an thần) trong số các trường hợp ngộ độc thuốc phải điều trị.

Thuốc hạ sốt paracetamol (còn có tên khác là acetaminophen) có trong rất nhiều tên thuốc khác nhau thường được người dân tự ý mua khi cảm sốt, đau đầu. Vì thiếu hiểu biết nên nhiều người đã vô tình dùng cùng lúc hai, ba loại thuốc đều có hoạt chất paracetamol hoặc tự ý tăng liều khi thấy chưa hạ sốt sẽ dẫn đến quá liều và ngộ độc thuốc. Ngoài paracetamol, các thuốc chống viêm giảm đau khác cũng gây hại cho thận chiếm tỉ lệ khá cao trong các trường hợp tai biến do dùng thuốc. Các loại thuốc hạ sốt giảm đau như aspirin và ibuprofen đơn chất hoặc phối hợp với caffein, codein thường dùng cho người mắc các chứng đau mạn tính như đau đầu, đau khớp, đau lưng. Người trên 50 tuổi, sau một thời gian dài lạm dụng các loại thuốc này thường bị các bệnh về thận, thậm chí suy thận rất nguy hiểm. 

Các thuốc chống viêm giảm đau không steroid (một số tài liệu viết tắt là nhóm thuốc NSAID) như indomethacin, meloxicam, diclofenac… đều có tác dụng phụ trên thận như gây suy thận cấp, hội chứng thận hư, tăng huyết áp, tăng kali máu, viêm thận kẽ hoặc bệnh thận mạn tính.

Nhóm ức chế chọn lọc men cyclooxygenase-2 (COX-2) như celecoxib, rofecoxib, nimesulid…cũng có nguy cơ cao đối với thận. Nhiễm độc thận do các thuốc này có thể xảy ra cấp tính ngay sau khi dùng thuốc hoặc mạn tính sau một quá trình dùng thuốc kéo dài hoặc lạm dụng thuốc.

Nhóm kháng sinh gây độc thận có khá nhiều loại. Một số kháng sinh rất độc với thận hiện nay ít dùng neomycin thường chỉ dùng dưới dạng phối hợp trong các dung dịch hay thuốc mỡ (nhỏ mắt, dùng ngoài). Streptomycin cũng có độc tính với thận nhưng chỉ dùng trong phác đồ điều trị lao ngắn ngày với liều, thời gian xác định. Thuốc kháng sinh hiện nay hay dùng là gentamycin có tới 70% bài tiết qua thận dưới dạng nguyên chất. Nó tích lũy lại ở thận có thể gây ra ngộ độc thận. Nguy cơ ngộ độc thận thường xảy ra hơn ở người huyết áp thấp hoặc người có bệnh về gan hoặc ở nữ giới.

Nhóm kháng sinh cephalosporin thế hệ 1 như cephalexin, cefalothin, cephazolin, cephadroxil… gây độc cho thận khi bài tiết qua đường thận dưới dạng không đổi. Cephalexin là kháng sinh dạng uống, dễ dùng nên thường bị lạm dụng nhiều và do đó cũng có nguy cơ cao gây độc cho thận.

Các sulfamid kết tủa trong ống thận gây tắc thận nhất là khi dùng liều cao và uống ít nước. Vì vậy, khi dùng thuốc như biseptol, cotrimoxazol nên uống nhiều nước để giúp hòa tan nhanh thuốc và thải trừ dễ dàng hơn, tránh kết tủa.

Hầu hết các dạng thuốc uống, thuốc tiêm sau khi vào cơ thể nếu có thải trừ qua thận dưới dạng biến đổi hay không biến đổi, ở liều bình thường và người có chức năng thận bình thường cũng đã có nguy cơ gây nhiễm độc cho thận. Nguy cơ này càng tăng cao ở những người mà khả năng thanh thải của thận giảm. Do đó khi dùng thuốc cần phải làm các xét nghiệm đo độ thanh thải creatinin để chọn và điều chỉnh liều thích hợp.


suckhoedoisong.vn

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Hội thảo đồng thuận tuyến tỉnh về can thiệp giảm tác hại bao gồm tiếp thị BCS cho nhóm chị em
HGĐT - Sáng ngày 30.5, tại Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, Sở y tế, Ban Quản lý Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS tổ chức hội thảo đồng thuận tuyến tỉnh về can thiệp giảm tác hại bao gồm tiếp thị bao cao su (BCS) cho nhóm chị em. Dự hội nghị có lãnh đạo Sở y tế, Trung tâm phòng chống HIV/AIDS, các đại biểu đại diện cho các ban, ngành, thành viên Ban chỉ đạo phòng chống
30/05/2012
Một số biện pháp tăng cường hoạt động tinh thần ở người cao tuổi
Cuộc sống tinh thần ở người cao tuổi (NCT) có tính chất nền tảng, quyết định điều khiến nhịp độ lão hóa. Ngược lại, mục đích cơ bản của việc làm chậm sự lão hóa, kéo dài tuổi thọ là nhằm kéo dài thời gian lao động có ích và ước vọng sống lâu, khỏe mạnh.
22/06/2012
Quản Bạ: Trên 1.180 lượt người được chăm sóc SKSS đợt 1
HGĐT - Sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch tăng cường truyền thông, vận động lồng ghép đưa dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản - kế hoạch hoá gia đình (CSSKSS- KHHGĐ) đến vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn đợt 1 năm 2012 tại 7 xã của huyện Quản Bạ là: Quyết Tiến, Thanh Vân, Cao Mã Pờ, Tả Ván, Cán Tỷ, Thái An, Lùng Tám.
21/05/2012
Nhận biết và xử trí bệnh sốt xuất huyết
Hàng năm ở nước ta vào các tháng mùa hè, có mưa nhiều, bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng phát, bệnh không khu trú ở một vùng nào của đất nước. Có 2 loại bệnh sốt xuất huyết, đó là bệnh sốt Dengue và bệnh sốt xuất huyết Dengue cùng chung một loại virus Dengue gây bệnh nên được gọi là bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXHD).
19/06/2012