Ngộ độc bánh ngô bị mốc – sự nguy hiểm chết người đang hiện hữu
(HGĐT)- Những vụ ngộ độc do ăn bánh ngô mốc được các phương tiện thông tin đưa liên tiếp trong những ngày vừa qua, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của loại thực phẩm này khi đã bị hỏng.
Có lẽ không ở đâu, chuyện ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc lại xảy ra nhiều như ở Hà Giang. Bởi vì với người dân vùng cao Hà Giang thì ngô là nguồn lương thực chính của đồng bào. Việc ăn bánh ngô của đồng bào vùng cao cũng giống như ăn các loại bánh bằng gạo của người dân đồng bằng, tức là có từ rất lâu đời. Nhất là vào dịp này, hầu như gia đình nào cũng làm bánh bột ngô để ăn phụ vào bữa chính. Người ta làm bánh ngô bằng cách xay ngô hạt vỡ ra làm 3, 4 mảnh rồi sàng sảy mày ngô và bột nhỏ đi, rồi đem ngâm. Sau khi ngâm, ngô được xay cùng nước rồi cho vàotúi vải, treo ở những nơi thoáng gió cho ráo nước rồi mới làm bánh. Số bột đó có thể được gói bằng lá chuối để đồ hoặc để nặn bánh trôi nấu với đường phên… Bánh ngô mới ăn rất thơm ngon, có vị chua nhẹ. Tuy nhiên do không có nhiều thời gian nên mỗi lần xay ngô làm bánh người ta thường xay nhiều để ăn dần. Chính vì để lâu nên bột ngô hay bánh ngô mới bị hỏng (nấm mốc). Đây là nguyên nhân khiến người ăn bị ngộ độc, nhẹ thì nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng… nặng thì dẫn tới tử vong.
Chỉ cần điểm qua những vụ ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc những ngày gần đây cho thấy tính chất nguy hiểm của loại thực phẩm này. Từ đầu năm đến nay đã có 5 vụ ngộ độc do ăn bánh ngô mốc: Vụ đầu tiên xảy ra ngày 19.3.2008, tại Xà Phìn (Đồng Văn) làm 7 người bị ngộ độc nhưng rất may không xảy ra tử vong; đến ngày 31.3.2008, tại xã Thượng Phùng (Mèo Vạc) có 2 người ngộ độc thì tử vong cả 2; ngày 12.4, tại Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) làm 17 người ngộ độc, trong đó tử vong 3 người; ngày 13.4, tại Lũng Táo (Đồng Văn) có 2 người ngộ độc nhưng không gây tử vong và gần đây nhất là vụ ngộ độc gây chết cả 3 bố con tại xã Lũng Chinh (Mèo Vạc) ngày 13.4.
Thực tế thì đại bộ phận người dân cũng nhận thức được việc ăn bánh ngô đã bị mốc là nguy hiểm nhưng do sự chủ quan của người dân, dẫn đến không ít vụ việc đau lòng mà chúng ta đã biết. Anh Giàng Pái Cấu, có vợ và 2 con trai vừa bị tử vong trong vụ ngộ độc hôm 12.4 tại Thài Phìn Tủng (Đồng Văn), bản thân anh và đứa con út 3 tuổi cũng phải điều trị tại Bệnh viện tỉnh do bữa bánh trôi oan nghiệt kia cho hay: Biết là bột ngô bị mốc ăn vào nguy hiểm nên trước khi nặn bánh, gia đình anh đã véo bỏ phần bột bị mốc vứt đi, vậy mà khi nấu lên, ăn vào vẫn bị ngộ độc. Các con anh, có đứa chỉ ăn chút nước vậy mà cũng bỏ mạng. Điều đó cho thấy sự cực kỳ nguy hiểm của loại nấm mốc này. Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, hầu như các trường hợp ăn bánh ngô bị mốc đều không có biểu hiện gì ngay sau khi ăn mà thường mấy giờ sau mới có những biểu hiện ngộ độc. Khi đó, các độc tố đã ngấm nên rất khó cứu chữa.
Để ngăn chặn tình trạng ngộ độc do ăn bánh ngô bị mốc, chỉ có một cách duy nhất là tuyên truyền cho người dân thấy rõ nguy cơ, tác hại của loại thực phẩm này khi đã bị hỏng: Tuyệt đối không sử dụng bột ngô làm bánh khi phát hiện thấy mùi lạ, màu lạ (các đốm nấm mốc màu xanh, vàng, nâu…). Tốt nhất là sau khi xay ngô thành bột, chỉ nên sử dụng số bột trên làm bánh trong vòng 2 đến 3 ngày. Bởi với điều kiện thời tiết khí hậu nóng lạnh thất thường như hiện nay, rất dễ làm các loại thực phấm bị mốc nhất là bột ngô để ướt. Ngô dùng để xay bột cần nhặt bỏ hạt mốc, hạt thối. Trong quá trình ngâm ngô cần thay nước thường xuyên…
Với Hà Giang, việc ngộ độc do ăn bánh ngô đã mốc không phải là mới. Đặc biệt trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc do ăn phải bánh ngô bị mốc không ngừng gia tăng và gây tỷ lệ tử vong cao. Nếu như năm 2006, cả tỉnh chỉ có 1 vụ ngộ độc do ăn phải bánh ngô mốc thì năm 2007 là 4 vụ và chỉ trong 4 tháng đầu năm 2008, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 5 vụ. Bởi vậy, trong những năm qua, ngành chức năng cũng như các địa phương, nhất là các huyện vùng cao của tỉnh đã rất nỗ lực trong việc tuyên truyền, giúp bà con thấy rõ mức độ nguy hiểm của việc ăn bánh ngô đã bị mốc. Tuy nhiên, còn không ít bà con vẫn có suy nghĩ đó là việc ở nơi khác chứ mình ăn mãi có sao đâu. Mốc một tí thì cấu bỏ chỗ mốc đi là xong, vứt đi làm gì cho phí… Chính những suy nghĩ kiểu này nên dù chúng ta đã rất nỗ lực trong công tác tuyên truyền mà các vụ ngộ độc vẫn tiếp tục xảy ra.
Trước thực tế đó, vừa qua, BCĐ VSATTP của tỉnh đã họp bàn các giải pháp nhằm hạn chế tình trạng ngộ độc thực phẩm trong thời gian tới, đặc biệt là ngộ độc bánh ngô mốc như: Đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền tới đồng bào vùng sâu, vùng xa về tác hại của các loại thực phẩm hỏng (cụ thể là bánh ngô đã bị mốc), thực phẩm quá hạn sử dụng... Tuy nhiên, tuyên truyền thế nào cho hiệu quả là cả một vấn đề. Bởi với đồng bào vùng cao nhất là ở vùng sâu, vùng xa thì việc nghe và tiếp thu những kiến thức mà cán bộ tuyên truyền không phải là dễ vì chủ yếu là tuyên truyền bằng tiếng phổ thông. Chính vì vậy, việc tổ chức họp thôn bản, tuyên truyền bằng tiếng địa phương với những vụ việc ngộ độc cụ thể cho người dân biết… có thể cũng là một cách làm hiệu quả nhất trong thời điểm này, bởi vì không ai dám chắc sẽ không có tiếp những vụ ngộ độc bánh ngô mốc xảy ra khi mùa làm nương đang đến, người ta thường tập trung đổi công cho nhau, ăn uống ở một nhà và có thể lắm chứ, người ta mời nhau ăn một bát bánh trôi ngô sau buổi làm nương vất vả…
Ý kiến bạn đọc