Hành trình đến với nạn nhân chất độc da cam/Dioxin

16:49, 09/08/2013

HGĐT- Hàng năm cứ đến ngày 10.8, Ngày “Vì nạn nhân chất độc màu da cam” làm nỗi đau lại dấy lên trong lòng mỗi người dân khi gợi lại vết thương chưa thể lành do chất độc da cam của quân đội Mỹ rải trên đất Việt Nam . Khuôn mặt của những người cha, người mẹ nay là những ông, bà đầu bạc phơ vẫn sầu muộn vì nỗi đau kéo dài đeo đẳng lên thế hệ con, cháu của họ.


Nước mắt chưa ngừng rơi

Chiến tranh đã kết thúc gần 40 năm, nhưng nỗi đau để lại vẫn âm ỉ như ngọn lửa không tàn. Nhân Ngày vì nạn nhân chất độc màu da cam (10.8), chúng tôi theo chân đoàn Hội Nạn nhân chất độc da cam/đioxin (Hội NNCDDC/DIOXIN) tỉnh đến các thôn, bản của 2 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên để khảo sát các gia đình nạn nhân chưa được hưởng chế độ, chính sách. Được biết, riêng huyện Bắc Quang có 739 người bị nhiễm trực tiếp chất độc da cam; hiện 419 người chưa được hưởng chế độ, thế hệ con là 268 người, cháu là 85. Ông Triệu Xuân Mếm, Chủ tịch Hội NNCDDC/DIOXIN xã Tiên Kiều cho biết: “Xã có nhiều nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam (CĐDC), trong đó có những trường hợp rất thương tâm. Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là gia đình các nạn nhân cố gắng vượt qua nỗi đau để phát triển kinh tế và ổn định cuộc sống”.

 


Em Đỗ Minh Trang là thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng di truyền chất độc da cam, bị liệt phải nằm một chỗ.


Tới thăm gia đình thương binh Phạm Kim Tiền, dân tộc Tày, xã Tiên Kiều. Ông Tiền đã mất, gia đình chỉ còn lại vợ và 2 con trai đang sống trong căn nhà tình nghĩa. Được biết: Ông Tiền đã từng chiến đấu ở chiến trường miền Nam vàCampuchia... được phong tặng Danh hiệu Chiến sỹ Vẻ vang. Do sức khỏe yếu ông được về nhà, không còn sức lao động nên mọi công việc gia đình đều do một tay bà cáng đáng. Tưởng thế là yên ổn, tai họa lại ập xuống,lần lượt 6 đứa con trai, gái của bà sinh ra đều bị dị dạng, sống được vài tháng hoặc vài năm là mất. Đau đến xé lòng, nhưng hy vọng có một đứa con lành lặn để giúp đỡ bố mẹ nên ông bà tiếp tục sinh được thêm 2 người con trai là Phan Văn Tính và Phan Văn Tào; dù sinh ra bình thường, nhưng đứa con lớn của bà phải mất 7 năm mới đi được. Hỏi nguyên nhân không được hưởng chế độ, bà Va vợ ông Tiền cho biết: “Trước kia đi khám, bác sĩ bảo không đủ tiêu chuẩn, chồng lại đau yếu liên miên, tôi chẳng đọc thông, viết thạo nên chẳng làm thủ tục, giấy tờ gì nữa”.

 

Trái ngược với hoàn cảnh của ông Tiền, ông Hà Phúc Tuyền ở thôn Dưới, xã Việt Lâm (Vị Xuyên) có đông đủ con, cháu nhưng cả 2 thế hệ đều có người bị ảnh hưởng CĐDC. Năm nay đã 69 tuổi, bị mất 81 phần trăm sức khỏe, ông Tuyền nói chuyện bằng giọng run rẩy, ngắt quãng. Trên gương mặt người cha khắc khổ hằn lên nỗi đau, mỗi lần nhớ về đứa con gái của mình. Ông sinh được 6 người con, trong đó có một con gái thần kinh không bình thường. Cứ tưởng bệnh nhẹ thôi nên không đưa đi khám, khi con gái lớn lên và đi lấy chồng bệnh phát nặng hơn; sau khi sinh được 2 đứa con thì bị chồng bỏ, rồi chị bỏ nhà đi lang thang, đến nay vẫn không có tin tức gì. Ông còn một cháu trai cũng bị ảnh hưởng, suốt ngày cứ đau ốm liên miên; do bị mất hết giấy tờ nên đến nay gia đình ông cũng chưa được hưởng chế độ.

Có thể nói, hầu hết các gia đình nạn nhân đều sống trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn vì sức khoẻ yếu, con cái sinh ra không khoẻ mạnh; nếu có sự hỗ trợ của Nhà nước, sẽ giúp đỡ được phần nào cho họ. Tuy nhiên, đến nay có người đã chết mà vẫn chưa được hưởng chế độ CĐDC hoặc các chế độ khác.

 

Ước mơ của con

Tìm gặp các thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng CĐDC, tại xã Vô Điếm (Bắc Quang). Cách đường cái vài km đi bộ, chúng tôi tới thăm em Đỗ Minh Trang; vừa bước chân vào nhà đã nghe thấy tiếng la hét, mẹ Trang phải tới ôm, vỗ về mãi mà em vẫn chưa hết sợ. Chị Mồng Thì Trường, mẹ em Trang tâm sự: “Cứ mỗi lần thấy người lạ vào là nó gồng người lên la hét, cứng hết tay, chân chẳng ai dỗ được. Cuộc sống của Trang suốt 19 năm qua là nằm trong nhà, chân tay em queo quắt không thể ngồi dậy được. Dù đã 19 tuổi, nhưng Trang chẳng khác nào đứa trẻ 10 tuổi vì chỉ nặng có 20kg. Chị Trường cho biết, bố chị đi chiến đấu ở miền Nam về thì bị ảnh hưởng CĐDC, cả 4 anh em sinh ra đều bình thường nhưng đến đời con chị lại bị dị tật. Vừa cố gắng ôm con gái đang rẫy đạp vừa nói chuyện làm chị không giấu được xúc động. Khi được hỏi mong muốn của gia đình, chị Trường nói chỉ mong có 1 chiếc xe lăn cho con ngồi, để cháu nằm lâu ngày, một bên đầu cọ xuống sàn tóc không mọc được.

 

Còn với em Mai Trọng Công, sinh 1990 ở thôn Đi, xã Liên Hiệp (Bắc Quang) thì có ước muốn duy nhất là được đi học. Bị ảnh hưởng di truyền từ ông nội, Công bị bại liệt, tay trái co quắp, chân trái bị kheo khiến em đi lại, vận động khó khăn. Mẹ em kể, Công học được hết lớp 6 là bỏ vì không tiếp thu được, từ đấy cháu ở nhà, giúp mẹ làm việc như: cho gà ăn, thái chuối lợn... may mắn hơn các nạn nhân khác là Công có thể làm được một vài công việc bình thường. Tuy nhiên, Công chia sẻ: “có những lúc khó quá, không thái được chuối cũng thấy tức”. Vì trí nhớ không tốt nên khi hỏi ước muốn của em là gì? Mỗi lần trả lời, em lại muốn làm một nghề khác. Dù hoàn cảnh thực tế khó khăn, các bậc cha, mẹ vẫn không ngừng hy vọng vào điều tốt đẹp sẽ đến với con của mình; thiết nghĩ làm được việc này thì cần có sự vào cuộc giúp đỡ của cả xã hội để nâng cánh ước mơ cho các em bị thiệt thòi do ảnh hưởng CĐDC.

 

Đề cập đến vấn đề hỗ trợ cho các nạn nhân, ông Triệu Đức Thanh, Chủ tịch Hội NNCĐDC/DIOXIN cho biết: “Toàn tỉnh có 2.327 người bị ảnh hưởng bởi chất CĐDC; 1.449 người chưa được hưởng chế độ, thế hệ con là 830 người, thế hệ cháu là 331. Hội đang tiến hành rà soát và hoàn thành hồ sơ, thủ tục cho các đối tượng chưa được hưởng chế độ. Đối với các cháu bị ảnh hưởng CĐDC mà vẫn còn khả năng lao động, chúng tôi sẽ đưa các cháu đi học nghề để có thể tự nuôi sống bản thân. Tuy nhiên, để làm được việc này cần có sự giúp đỡ từ xã hội.”.

 

Hành trình đến với huyện Vị Xuyên và Bắc Quang đã cho chúng tôi đượcchứng kiến, gặp gỡ với những con người cụ thể đang mang trên mình di chứng CĐDC. Đó là những cảnh đời không may mắn cần được sự chung tay giúp sức của toàn xã hội, giúp họ xoa dịu nỗi đau vươn lên trong cuộc sống.


LÊ HẢI

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Ký kết biên bản thỏa thuận giao lưu kết nghĩa
HGĐT- Nhân dịp kỷ niệm Ngày thương binh liệt sỹ 27.7, ngày 8.8 Hội Cựu chiến binh Agribank Hà Giang đã ký kết Văn bản thỏa thuận giao lưu kết nghĩa với Hội Cựu chiến binh phường Trần Phú (TPHG).
09/08/2013
Việt Lâm chủ động khắc phục thiên tai
HGĐT- Sau trận lũ đầu tháng 7, trên địa bàn xã Việt Lâm (Vị Xuyên), nhiều hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, nhà cửa và hoa màu bị hư hại. Nhiều tiêu chí về xây dựng Nông thôn mới đứng trước nguy cơ giảm tiêu chí...
09/08/2013
Toạ đàm kỷ niệm 52 năm thảm hoạ da cam
HGĐT- Ngày 9.8, Hội Nạn nhân chất độc da cam/diôxin (CDDC/DIOXIN) tỉnh tổ chức toạ đàm kỷ niệm 52 năm thảm hoạ da cam (10.8.1961–2013). Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh.
09/08/2013
Hỏa hoạn gây thiệt hại nặng nề tại Mèo Vạc
HGĐT- Khoảng 20h15 tối ngày 7.8, tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học xã Niêm Tòng (huyện Mèo Vạc) đã xảy ra hỏa hoạn gây thiệt hại nặng về tài sản, cơ sở vật chất.
08/08/2013