Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại
Máu là một sản phẩm vô giá và đóng vai trò quan trọng quyết định sự sống còn của con người. Nếu những giọt máu được sẻ chia thì sẽ có biết bao người được cứu sống…
Năm 2004, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế, Hiệp hội Truyền máu Thế giới và Liên đoàn những người hiến máu tình nguyện thế giới thống nhất lấy ngày 14/6 hằng năm là “Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu”. Từ năm 2005 đến nay, vào dịp 14/6, hầu hết các quốc gia đều tổ chức sự kiện đặc biệt này.
Theo ông Võ Đình Vinh, Chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện, ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 2007, chúng ta hưởng ứng ngày 14/6 hàng năm bằng các hoạt động tôn vinh người hiến máu tiêu biểu ở 2 cấp Trung ương và cấp tỉnh, thành. Từ ngày 1 đến 30/6/2011, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước diễn ra các hoạt động tôn vinh người hiến máu. Tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện tổ chức “Lễ tôn vinh 100 người hiến máu tiêu biểu toàn quốc năm 2011” vào ngày 12/6/2011, tại Nhà khách La Thành, 218 Đội Cấn. Mục đích của ngày này là nhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc trong hiến máu và vận động hiến máu tình nguyện. Qua đó, nâng cao lòng tự hào về nghĩa cử cao đẹp hiến máu cứu người của các tấm gương tiêu biểu nhằm động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia hiến máu, khắc phục tình trạng thiếu máu trong dịp hè 2011. Thông điệp của ngày 14/6 năm nay là “Hiến máu cứu người vì một cộng đồng khoẻ mạnh” và “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”.
Máu cần và cần bao nhiêu là đủ?
Theo PGS.TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, năm nay cả nước phải tiếp nhận được 760.000 đơn vị máu mới có thể chấm dứt được tình trạng thiếu máu. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ, đến ngày 9/6, cả nước chỉ nhận được một nửa lượng máu trên và vẫn còn thiếu gần 400.000 đơn vị máu nữa. Ông Nguyễn Anh Trí cho biết, tình trạng thiếu máu tại Viện năm nay đã được cải thiện hơn so với các năm trước và lượng máu dự trữ thường xuyên tại Viện Huyết học đã tăng lên đáng kể, với hơn 3.000 đơn vị máu.
Ông Nguyễn Anh Trí giải thích có được kết quả như vậy là do chúng ta đã tổ chức thành công nhiều hoạt động, sự kiện lớn, trong đó có Lễ hội Xuân hồng diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã góp phần khắc phục tình trạng khan hiếm máu trầm trọng. Hiện tại chúng ta đang còn phải đối mặt với tình trạng khan hiến máu ngay đầu mùa hè. Chỉ tính riêng tại Viện Huyết học Truyền máu - Trung ương trung bình mỗi ngày cần phát ra khoảng 500 đơn vị máu. Tuy nhiên, nhưng bước vào hè đã phải phát cầm chừng, đáp ứng khoảng 80% nhu cầu máu.
Năm 2010, cả nước tiếp nhận được 675.438 đơn vị máu, đáng chú ý là lượng máu tình nguyện tăng 27% so với năm 2009, nhờ đó tổng số đơn vị máu thu được tăng 12,3% so với năm 2009 và tăng 5 lần so với năm 1994, gấp gần 3 lần so với năm 2000. Phần lớn, lượng máu thu được chủ yếu vẫn tập trung ở các tỉnh/thành phố lớn, nơi có đông dân cư. TP HCM là nơi có nhiều cá nhân tiêu biểu đã có những thành tích đáng khâm phục nhiều lần hiến máu như ông Lương Đình Chiêu (63 lần), ông Phạm Huỳnh Trung (52 lần), bà Phạm Thị Thu Hằng (51 lần). Lượng máu thu được từ 10 tỉnh/thành phố lớn là 349.725 đơn vị máu, chiếm 52% tổng lượng máu cả nước. Năm 2010 tỷ lệ hiến máu đạt 0,78% so với dân số cả nước. Tỷ lệ này còn thấp so với mức tối thiểu đảm bảo an toàn cho điều trị (2% dân số). Tuy nhiên, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lượng máu tiếp nhận được ở Việt Nam mới đạt được 40% so với nhu cầu. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh hoạt động hiến máu để có nhiều người hiến máu tình nguyện hơn nữa.
Mỗi lần hiến máu, 3 người bệnh được cứu
Máu của chúng ta là một thực phẩm vô giá, chưa có một thứ thuốc nào thay thế được cũng như chưa nơi nào chế tạo được, không có máu cấp cứu và điều trị người bệnh sẽ tử vong. PGS.TS Nguyễn Anh Trí cho rằng, máu góp phần để cải thiện nền kinh tế nước nhà. Vì vậy, chúng ta hãy chung tay góp sức vì cộng đồng, vì người bệnh, hãy dành quan tâm, ủng hộ việc hiến máu là mỗi người có thể mang cơ hội sống cho người bệnh cần máu. Có nhiều người bệnh mà giữa sự sống và cái chết đang được đếm từng ngày, từng giờ rất cần sự chia sẻ của chúng ta. Một người khoẻ mạnh cứ mỗi lần hiến máu là có thể cứu được ít nhất 3 người bệnh. Sự tôn vinh người hiến máu nhân dịp 14/6 vừa thể hiện sự trân trọng của động đồng, xã hội dành cho người hiến máu, vừa kêu gọi các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia hiến máu vì sức khoẻ của chính mình và người bệnh cần truyền máu. Đúng như thông điệp của thế giới đưa ra “Mỗi giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại”.
Chị H.L, Long Biên, Hà Nội tâm sự: “Con gái của tôi bị căn bệnh hiểm nghèo đang nằm điều trị ở Bệnh viện Bạch Mai. Nhìn con hàng ngày phải chịu những cơn đau hành hạ mà lòng tôi quặn thắt… Năm nay, cháu học lên lớp 11 và học rất khá môn văn. Cháu ước muốn sau nay trở thành cô giáo dạy văn. Dù không đến lớp nhưng cháu vẫn nhờ tôi mượn vở của các bạn để cho chép lại bài. Tôi rất cần những trái tim nhân hậu và tấm lòng sẻ chia để cho con gái của tôi nhanh chóng khỏi bệnh và được cắp sách tới trường…”.
Ông Trần Ngọc Tăng, Chủ tịch Hội chữ thập Đỏ Việt Nam cứ nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: Hiến máu, nhất là hiến máu nhắc lại nhiều lần không có hại mà còn có lợi cho sức khoẻ của bản thân người hiến máu. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 93 triệu người hiến máu thì có hơn 50% là người hiến máu nhắc lại. Máu chỉ có thể lấy được từ những người khỏe mạnh và an toàn.
Hiến máu tình nguyện là nghĩa cử cao đẹp, một việc làm mang đậm tính nhân đạo và được xã hội tôn vinh. Hy vọng rằng phong trào hiến máu tình nguyện sẽ được nhân rộng khắp nơi.
Ý kiến bạn đọc