Ngành GTVT với công tác đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ sắp tới

17:41, 08/06/2011

HGĐT- Với chức năng quản lý Nhà nước về lĩnh vực giao thông vận tải (GTVT) ở một tỉnh đặc biệt khó khăn về địa hình, thời tiết thường diễn biến phức tạp, nhất là về mùa mưa, Sở GTVT hiện trực tiếp quản lý, sửa chữa, đảm bảo giao thông 14 tuyến đường trong tỉnh với tổng chiều dài 811km. Địa hình, thời tiết là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến cho nhiệm vụ của những người làm công tác đảm bảo giao thông cho những tuyến đường ở Hà Giang thường rất khó khăn, đặc biệt là thách thức trong mùa mưa lũ.


 

 Một cung đường Quốc lộ 4C tại khu vực Bác Sum (Vị Xuyên - Quản Bạ).


Xác định được những khó khăn, để chủ động trong công tác phòng, chống bão lũ và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do bão lũ có thể gây nên, hàng năm, Sở GTVT đều chú trọng xây dựng kế hoạch phòng, chống và khắc phục hậu quả bão lũ. Qua đó, ngành chú trọng kiện toàn Ban chỉ huy phòng, chống bão lũ và phân công cụ thể trách nhiệm cho từng thành viên trực tiếp phụ trách, chỉ đạo, phối hợp với các đơn vị chức năng giải quyết, khắc phục hậu quả tại các tuyến đường cụ thể. Sở GTVT cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ngành phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chuẩn bị chu đáo về phương tiện, thiết bị, dụng cụ vật tư và phân công từng cá nhân, tập thể tham gia phòng, chống bão lũ, đảm bảo giao thông...


Trước mùa mưa lũ năm nay, ngành GTVT tập trung chỉ đạo các đơn vị kiểm tra tu sửa nhà ở, kho tàng, bến bãi, đường xá, cầu cống trong phạm vi đơn vị quản lý. Khi bước vào mùa mưa lũ, bộ phận thường trực nhận thông tin được thiết lập 24/24h mỗi ngày để nhận thông tin về tình hình lũ bão, các sự cố trên các tuyến giao thông. Các đơn vị như Đoạn quản lý đường bộ I, Đoạn Quản lý đường bộ II, Ban Quản lý Dự án công trình giao thông và các Ban quản lý khác được ngành chỉ đạo chuẩn bị các khâu về máy móc, nhân lực, vật tư dự phòng tại các điểm xung yếu; chủ động tăng cường tuần tra trong những ngày có mưa lũ. Chỉ đạo các nhà thầu thi công xây dựng dứt điểm từng hạng mục công trình trên các đoạn đường đang làm công tác xây dựng cơ bản hoặc đang sửa chữa đường bộ, cố gắng để vừa phải đảm bảo giao thông thông suốt, vừa đảm bảo chất lượng công trình.


Trên cơ sở đó, khi có tình huống xảy ra, nhân lực, máy móc của 2 Đoạn Quản lý đường bộ được phân bổ tại 18 Hạt quản lý đường bộ dọc trên các tuyến Quốc lộ và tỉnh lộ sẽ kịp thời tham gia khắc phục sự cố. Và trong trường hợp khối lượng quá lớn, sẽ huy động lực lượng của các nhà thầu, phối hợp với các địa phương để huy động sự hỗ trợ của lao động địa phương, đảm bảo thông xe một cách nhanh nhất. Cùng với đó, ngành GTVT cũng xây dựng phương án phân luồng khi ách tắc giao thông xảy ra và sự cố đang trong quá trình khắc phục.


Trao đổi với lãnh đạo Sở GTVT về những khó khăn của ngành trong công tác triển khai các phương án phòng, chống bão lũ trong năm nay, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Phó Giám đốc Sở cho biết, công tác đối phó với mùa mưa lũ năm nay so với mọi năm sẽ khó khăn hơn nhiều. Đoạn Quản lý đường bộ I và II đã có quyết định của tỉnh về việc chuyển đổi thành mô hình doanh nghiệp Nhà nước 1 thành viên, cùng với đó khi chúng ta đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về cắt giảm đầu tư công bước đầu sẽ tạo những khó khăn nhất định cho ngành trong việc chủ động chỉ đạo, triển khai các phương án phòng, chống và xử lý các tình huống thiên tai. Bên cạnh đó, tiền vốn nợ của công tác đảm bảo giao thông còn khoảng gần 6 tỷ đồng vẫn chưa được thanh toán dứt điểm là những khó khăn khiến cho việc chỉ đạo triển khai các phương án đảm bảo giao thông phần nào gặp khó khăn. Tuy nhiên, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh khẳng định, dù khó khăn đến đâu, ngành vẫn chủ động để đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ mà tỉnh giao, đảm bảo giao thông trong mùa mưa lũ...

Cùng với những khó khăn trên, có thể nói trong quá trình đẩy mạnh phát triển KT – XH hiện nay, chỗ nào chúng ta cũng có thể bắt gặp những công trình xây dựng, khai khoáng, kinh doanh, vận tải... Mật độ đi lại của các phương tiện vận tải, trong đó đặc biệt là các phương tiện có tải trọng lớn ngày càng gia tăng. Từ đó, gánh nặng ngày càng đè lên rất nhiều tuyến đường đã và đang già quá tuổi thọ. Trong khi đó, sự tham gia của các doanh nghiệp đóng góp vào sửa chữa, nâng cấp các tuyến đường dường như không có. Vì thế, có không ít những tuyến đường đã và đang xuống cấp mạnh nhưng thiếu vốn đầu tư nâng cấp. Với khả năng của địa phương, ngành GTVT cũng chỉ có thể vá lấp để duy trì hoạt động giao thông. Trong lộ trình tiếp theo, ngành GTVT tỉnh nhà cũng đang tham mưu tỉnh đề xuất Trung ương đầu tư xây dựng và nâng cấp nhiều tuyến đường. Cùng với đó là việc xây dựng quy định để doanh nghiệp khai thác các tuyến đường phải tham gia đóng góp xây dựng, đồng thời xử lý nghiêm những phương tiện vận tải quá khổ, quá tải để đảm bảo tuổi thọ cho những con đường.


HUY BA

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Khát vọng làm giàu
Thay đổi cuộc sống của mình cũng như của địa phương là khát vọng của nhiều bạn trẻ trong số 300 thanh niên được lựa chọn tham dự Đại hội Thanh niên tiên tiến học tập làm theo lời Bác diễn ra đầu tháng 6 tại TPHCM.
31/05/2011
Hội thảo về đào tạo công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã
HGĐT- Ngày 27.5.2011, Bộ Tư pháp phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức Hội thảo về đào tạo công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã.
30/05/2011
Nhà Thiếu nhi tỉnh tổ chức nhiều họat động hè bổ ích cho thiếu nhi trong dịp hè
HGĐT- Để thu hút các em thiếu nhi tham gia các hoạt động lành mạnh, an toàn trong dịp hè; đặc biệt, nhằm phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu cho trẻ, Nhà Thiếu nhi tỉnh đã đưa vào nhiều hoạt động có ý nghĩa để đáp ứng nhu cầu học tập cho các em.
08/06/2011
Nỗ lực thúc đẩy các hoạt động của Chương trình Chia sẻ
HGĐT- Trong 6 tháng đầu năm 2011, Chương trình Chia sẻ giai đoạn II thực hiện trên địa bàn các xã của huyện Hoàng Su Phì đều tuân thủ đúng những quy định tại Hiệp định và văn kiện dự án đó là: Quán triệt nguyên tắc phân cấp trao quyền, phát huy sự tham gia của người dân trong quá trình thực hiện, qua đó giúp tăng cường năng lực của các cấp chính quyền, của cán bộ và người
08/06/2011