Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước trên Cao nguyên đá
HGĐT- Từ nay đến 2015, sẽ có thêm 305 hồ chứa nước với tổng dung tích gần 1,86 triêu m3, tổng vốn đầu tư khoảng 3.710 tỷ đồng được triển khai xây dựng tại 4 huyên vùng cao núi đá phía Bắc.
Các hồ này được khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ nâng tổng số hồ chứa nước vùng cao lên 399 chiếc, đây là sự quan tâm rất lớn của Đảng, nhà nước nhằm giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô cho người dân sống trên cao nguyên đá.
Nhiều hồ chứa nước đang tiếp tục được triển khai xây dựng tại huyện vùng cao núi đá phía Bắc.
|
KIÊN TRÌ GIẢI “CƠN KHÁT”
Với điều kiện địa hình phức tạp, độ dốc lớn, chia cắt mạnh, khí hậu khắc nghiệt nên 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc từ lâu đã nổi tiếng là “miền đất khát”. Mùa khô trên Cao nguyên đá kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau khiến các khe suối bắt nguồn từ những dãy núi cao trở lên khô kiệt. Để có nước sinh hoạt, người dân phải đi bộ nhiều giờ và phải hứng nửa ngày mới đủ nước dùng trong một tuần. Câu chuyện dùng nước của người dân vùng cao cũng chẳng giống ở đâu, trong mùa khô, một chậu nước được dùng tuần hoàn nhiều lần, khởi đầu là rửa mặt, vo gạo, rửa rau, giặt quần áo...rồi lại tưới rau. Việc tắm, giặt trong mùa khô là thú chơi rất xa xỉ đối với người dân nơi đây, các cán bộ xã, giáo viên thường nhịn tắm, tập hợp quần áo đến cuối tuần ra phố huyện xin tắm, giặt nhờ nhà người thân. Nước dành cho sinh hoạt hàng ngày của con người rất khó khăn, nước để sản xuất, nuôi sống gia súc, gia cầm lại càng khan hiếm hơn. Bao nhiêu năm, bao kiếp người vùng cao vẫn luôn đau đáu nỗi niềm hóa giải “cơn khát” trong mùa khô.
Nhằm giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân, Đảng, Nhà nước đã đầu tư nhiều công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch, từ năm 1996-2005, nguồn vốn ngân sách đã đầu tư khoảng 165 tỷ đồng để xây 139 hệ thống cấp nước tự chảy, 23.895 bể chứa nước công cộng, gia đình. Năm 2002, Viện Địa chất tiến hành nghiên cứu, xây dựng thí điểm công trình hồ chứa nước Xà Phìn (Đồng Văn) với dung tích 3 nghìn m3, dùng để tích nước từ các mạch phát lộ trong mùa mưa xung quanh khu vực hồ. Qua theo dõi cho thấy, hồ phát huy tốt khả năng trữ nước, góp phần cung cấp nước ổn định cho người dân quanh khu vực trong mùa khô. Nối tiếp hồ Xà Phìn, năm 2006, hồ chứa nước sinh hoạt Tả Lủng (Mèo Vạc) được xây dựng với quy mô lớn hơn, từ 2 mô hình ban đầu đã khẳng định việc xây dựng các hồ chứa nước tại 4 huyện vùng cao núi đá rất cần thiết và là đáp án cho bài toán giải “cơn khát” nước khi mùa khô về. Hành trình giải “cơn khát” cho người dân được tiếp thêm sức mạnh khi Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư cho Hà Giang 30 hồ chứa nước với tổng kinh phí 137 tỷ đồng. Các hồ chứa như Ha Bua Đa, xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn) có dung tích chứa 10 nghìn m3 nước; Sủng Nhì B, xã Sủng Máng (Mèo Vạc), dung tích chứa gần 9 nghìn m3; Sủng Là, xã Sủng Thài (Yên Minh), dung tích gần 10 nghìn m3; Sủa Cán Tỷ, xã Cán Tỷ (Quản Bạ) với sức chứa trên 7 nghìn m3...nhanh chóng được xây dựng, kịp thời tích nước trong mùa mưa và giải được “cơn khát” cho hàng nghìn người dân.
Từ những mô hình xây hồ chứa nước đầu tiên, đến nay trên Cao nguyên đá có 91 hồ đã, đang, chuẩn bị đầu tư xây dựng với tổng vốn đầu tư gần 1 nghìn tỷ đồng, tổng dung tích chứa trên 516 nghìn m3, cung cấp nước cho trên 55,6 nghìn người (ngoài ra còn 2 hồ do Viện địa chất và 1 hồ do Sở NN-PTNT xây dựng từ trước). Hiện nay, có 37 công trình hoàn thành, 40 công trình đang thi công, 14 công trình chuẩn bị đầu tư. Trong đó, huyện Quản Bạ có 18 hồ, 2 hồ đã hoàn thành, 10 hồ đang thi công, 6 hồ chuẩn bị đầu tư với tổng kinh phí trên 271 tỷ đồng; huyện Yên Minh có 24 hồ, 10 hồ đã hoàn thành, 7 hồ đang thi công và 7 hồ chuẩn bị đầu tư, tổng kinh phí trên 231 tỷ đồng; Đồng Văn có 33 hồ, 15 hồ đã hoàn thành, 18 hồ đang thi công, tổng mức đầu tư trên 332 tỷ đồng; Mèo Vạc có 16 hồ, 13 hồ đã hoàn thành, 2 hồ đang thi công, 1 hồ chuẩn bị đầu tư, tổng mức đầu tư trên 155 tỷ đồng.
HẠN CHẾ CẦN KHẮC PHỤC
Theo đánh giá của cơ quan quản lý Nhà nước và người dân, Dự án xây dựng hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc mang lại hiệu quả to lớn về kinh tế và xã hội, giải quyết một phần tình trạng thiếu nước sinh hoạt bao đời nay của người dân, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế, ổn định chính trị vùng biên giới; thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân vùng sâu vùng xa. Theo tính toán của cơ quan chức năng, khi 91 hồ hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt cho khoảng 1/3 dân số sống trên Cao nguyên đá.
Tuy nhiên, đây là dự án lớn, lần đầu tiên được triển khai, địa bàn thực hiện trải rộng tại 4 huyện vùng cao nên bước đầu còn thiếu kinh nghiệm trong lựa chọn địa điểm, thiết kế, thẩm định, đặc biệt công tác GPMB có nhiều vướng mắc nên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai các hồ chứa nước. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch chưa được tiến hành dẫn đến quá trình thực hiện thiếu đồng bộ, mạnh đâu triển khai đó; chưa sắp xếp theo thứ tự ưu tiên đầu tư; việc triển khai chưa được chỉ đạo thống nhất về địa điểm đầu tư, phải thay đổi nhiều, có nơi chưa thực sự phù hợp, thiếu sự quan tâm ủng hộ của người hưởng lợi từ khâu GPMB, giám sát xây dựng, quản lý vận hành sau đầu tư. Do các hồ sử dụng tích nước mưa nên chưa đảm bảo vệ sinh, nhiều hồ độ tích tụ bùn đất lớn, nhiều rêu tảo...ảnh hưởng đến chất lượng nước nhưng chưa có giải pháp tháo gỡ. Theo báo cáo của UBND các huyện, các xã có công trình đều cử người quản lý, bảo vệ nhưng còn nhiều hạn chế do chưa xây dựng được quy chế quản lý, vận hành cụ thể, chưa thu được phí sử dụng nước.
Những mùa khô gần đây, người dân xã Sủng Trà (Mèo Vạc) đã vơi đi “cơn khát” nhờ có nguồn nước từ hồ chứa Hạ Pống Cáy. |
CAO NGUYÊN ĐÁ SẼ HẾT “KHÁT”
Từ những hiệu quả to lớn do các hồ chứa nước mang lại, quan điểm của tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng hồ chứa nước để cơ bản giải quyết đủ nước sinh hoạt và phát triển chăn nuôi, gắn với phát triển du lịch Cao nguyên đá. Ông Nguyễn Mạnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết: Nhằm triển khai hiệu quả việc xây dựng hồ chứa nước, Sở NN-PTNT Hà Giang đã xây dựng Đề án “Đầu tư xây dựng hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao núi đá”. Theo đó, từ nay đến năm 2015, trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá sẽ được đầu tư thêm 305 hồ chứa với tổng dung tích 1.856.435 m3, cấp nước sinh hoạt cho trên 127 nghìn người, tổng vốn đầu tư trên 3,7 nghìn tỷ đồng. Ngay năm 2011, sẽ tiến hành xây dựng 62 hồ với tổng vốn đầu tư khoảng 640 tỷ đồng, từ năm 2012-2014, mỗi năm xây thêm 61 hồ, tổng kinh phí khoảng 750 tỷ đồng/năm và năm 2015 xây dựng 60 hồ, tổng vốn đầu tư khoảng 820 tỷ đồng. Khi các hồ chứa được khởi công, hoàn thành, đưa vào sử dụng, sẽ nâng tổng số hồ chứa nước trên địa bàn 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc lên 399 hồ, giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt cho người dân.
Quá trình triển khai xây dựng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên, nơi nào thiếu nước nhiều đầu tư trước và phải tuân thủ đúng quy hoạch. Việc lựa chọn địa điểm đầu tư phải có sự thống nhất của người dân hưởng lợi, gắn với cam kết của nhân dân thông qua công tác GPMB, hỗ trợ vận chuyển vật liệu, giám sát thi công, cam kết quản lý và sử dụng sau đầu tư. 100% hồ chứa phải thành lập tổ quản lý nước, thực hiện xã hội hóa việc quản lý sử dụng hồ chứa thông qua đóng góp của nhân dân hưởng lợi và hỗ trợ một phần của Nhà nước, việc đóng góp của người dân phải đa dạng, phù hợp điều kiện thực tế từng địa phương, đảm bảo việc sử dụng nước không gây mất vệ sinh và tiết kiệm trong sử dụng.
Nhằm nâng cao hiệu quả việc triển khai xây dựng các hồ chứa nước, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Minh Tiến vừa ký Công văn giao nhiệm vụ xây dựng quy hoạch chi tiết và đề án đầu tư hệ thống hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao núi đá. Công văn nêu rõ: Để đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, trong thời gian các huyện chưa kiện toàn cơ quan được giao nhiệm vụ thẩm định hồ chứa nước đủ các điều kiện, UBND tỉnh giao Sở NN-PTNT (cơ quan chuyên ngành đủ điều kiện) có trách nhiệm thẩm định thiết kế kỹ thuật các công trình hồ chứa; Sở NN-PTNT phải thực hiện nghiêm việc cải cách thủ tục hành chính, giải quyết khâu thẩm định không quá 7 ngày làm việc kể từ khi tiếp nhận hồ sơ hợp lệ.
Ý kiến bạn đọc