Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh: Nơi “chắp cánh” những ước mơ
HGĐT- Với nhiệm vụ quản lý, giáo dục, nuôi dưỡng và dạy nghề cho những người có hoàn cảnh khó khăn không nơi nương tựa trong toàn tỉnh, những năm qua, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh là một địa chỉ tin cậy, một mái ấm luôn dang rộng vòng tay tiếp nhận những mảnh đời không may mắn ấy, để mang lại niềm vui, hạnh phúc cho hàng ngàn cảnh đời, thổi lên ngọn lửa ấm áp, góp phần quan trọng xây dựng xã hội ngày càng tươi sáng.
Hiện tại, Trung tâm đang là mái ấm của 49 người, trong đó có 38 trẻ em (lớn nhất là 15 tuổi) và 11 người già neo đơn (cụ cao tuổi nhất là 93 tuổi). Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong công tác chăm sóc, quản lý, giáo dục vì đa phần các em, các cụ khi được tiếp nhận vào Trung tâm đều có hoàn cảnh rất đặc biệt, nên bước đầu việc hoà nhập gặp rất nhiều trở ngại. Nhưng nhờ có đội ngũ cán bộ trong Trung tâm luôn thấu hiểu, cảm thông và đặc biệt luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp của tỉnh bằng những hành động thiết thực đã phần nào giảm bớt những khó khăn đó. Như trong việc thực hiện Nghị định số 67 của Chính phủ – tỉnh đã nhanh chóng tăng mức hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng ngày cho mỗi cá nhân thêm 200.000 đ/người (tăng tổng mức chi tiêu từ 320.000đ lên 520.000đ/ người). Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm và có trách nhiệm với những em trong độ tuổi đến trường cả trong giai đoạn đi học cũng như việc làm sau này, chỉ cần các em có khả năng học tập, tỉnh sẽ tiếp tục giúp đỡ và tạo điều kiện đến mức tốt nhất cho các em trong việc học nghề, tạo việc làm sau này. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vương Đức Thiết – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Bên cạnh việc quan tâm thiết thực của tỉnh, Trung tâm còn nhận được rất nhiều sự ủng hộ đặc biệt của các tổ chức, cá nhân, đoàn thể trong tỉnh và cả nước như: Công ty Ba Đình (TP. Hà Nội); doanh nghiệp Bảo Sơn; Công ty Tiến Đạt (huyện Hoàng Su Phì), trong tất cả các hoạt động kỳ cuộc của Trung tâm đều có mặt động viên thăm hỏi về tinh thần các cụ, các em cũng như quyên góp, giúp đỡ; Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam phối hợp cùng Quỹ trẻ em tỉnh tài trợ cho khu vui chơi giải trí liên hoàn với trang thiết bị tương đối khép kín, hiện đại đáp ứng đủ nhu cầu vui chơi, giải trí cho các em như: Đu quay, cầu trượt… làm đời sống của những con người nơi đây nâng lên rất nhiều cả về tinh thần và vật chất”.
Trong năm học 2008 – 2009, tỷ lệ học sinh khá, giỏi, Cháu ngoan Bác Hồ đạt 28%, 100% các em được lên lớp. Bên cạnh việc học tập, Trung tâm luôn tổ chức cho các em vui chơi, tham gia các phong trào văn hoá - văn nghệ, thể dục - thể thao, thường xuyên duy trì tổ chức sinh hoạt đoàn, đội, qua đó lồng ghép với việc tuyên truyền pháp luật - phòng, chống tệ nạn xã hội, qua đó tạo cho các em có niềm tin và vươn lên trong cuộc sống. Ngoài thời gian học tập, vui chơi, Trung tâm còn tổ chức cho các em tăng gia, chăn nuôi để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống sinh hoạt hàng ngày như: Tăng gia trồng rau xanh, hoa màu các loại thu được 3.170 kg, trị giá gần 8 triệu đồng; chăm sóc đàn bò, bê với 11 con; thu từ chăn nuôi đàn gà, vịt, lợn với tổng trị giá trên 12 triệu đồng…
Hiện tại, Trung tâm chỉ có hơn 20 cán bộ công nhân viên, nhưng với nhiều năm kinh nghiệm, thường xuyên được học hỏi nâng cao kỹ năng chăm sóc, tâm lý cũng như tích cực tham quan học hỏi các đơn vị bạn nâng cao trình độ kiến thức. Vì thế họ không chỉ tích luỹ nhiều kinh nghiệm về quản lý, chăm sóc mà còn có tấm lòng tình thương, trách nhiệm đối với mỗi cảnh đời và số phận nơi đây. “Không có tâm thì khó mà trụ lại với công việc này”, Giám đốc Vương Đức Thiết đã tâm sự như vậy khi trao đổi với chúng tôi về nghề, về những băn khoăn, trăn trở không nguôi của ông trong công việc mà mình đang đảm trách. Nuôi dưỡng và chăm sóc y tế cũng là một nhiệm vụ được Ban lãnh đạo Trung tâm quan tâm và chỉ đạo sát sao. Quan trọng hơn, việc chăm sóc các cụ già, đòi hỏi các nhân viên phục vụ phải cảm thông, chăm sóc chu đáo hơn từ chế độ ăn (thường xuyên kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm) đến uống thuốc, đồng cảm, coi việc chăm sóc các cụ như người nhà, người thân trong gia đình mình luôn được các chị phục vụ nơi đây thực hiện tốt. Trung tâm quy định cứ cụ nào vượt ngưỡng độ tuổi 70 sẽ tổ chức làm lễ thượng thọ và sắm cho bộ quần áo đỏ như để động viên các cụ sống lâu hơn, vui hơn, khoẻ hơn với con cháu, cộng đồng và xã hội…
Phát huy tốt những việc làm từ quản lý đến chăm sóc, Trung tâm còn trực tiếp tham mưu với tỉnh về vấn đề tiếp nhận một số đối tượng phụ nữ và trẻ em bị buôn bán sang nước ngoài, sau khi được trở về chưa ổn định chỗ ở, hoặc một số em khi bị bắt tuổi còn quá nhỏ không nhớ rõ lai lịch quê quán… .Vì thế trong vòng 2 năm trở lại đây, Trung tâm đã tiếp nhận hơn 60 đối tượng được đưa về qua cửa khẩu sau một thời gian ổn định tại Trung tâm hầu hết các đối tượng đều trở về quê quán của mình. Chính nhờ những thành tích và các hoạt động như vậy mà Trung tâm đã luôn vinh dự được Sở LĐ -TBXHcông nhận là Tập thể lao động xuất sắc trong nhiều năm liền, luôn được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, các đoàn thể trong nước và quốc tế đến thăm hỏi và động viên vì những nỗ lực được giao phó.
Mùa Xuân đang đến, không khí nô nức chuẩn bị cho những ngày Xuân tại Trung tâm như bừng lên một sức sống mới và nó đầy ý nghĩa hơn khi chúng tôi được nghe giai điệu của bài hát “Đứa bé” (nhạc sĩMinh Khang) đang được chính các em nơi đây hát để chuẩn bị cho buổi văn nghệ sắp tới: “Hãy nâng niu cuộc đời em bằng tình thương, lòng nhân ái của con người. Và hãy lau khô giọt nước mắt trong lòng em bằng tất cả trái tim con người Việt Nam…”
Ý kiến bạn đọc