Đẩy nhanh tiến độ xây dựng hồ chứa nước

07:37, 23/12/2008

HGĐT- Năm 2008, có 10/30 hồ chứa nước sinh hoạt tại 4 huyện vùng cao phía Bắc được triển khai xây dựng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng. Đến nay, 5/10 hồ đã hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng. Đây là sự nỗ lực rất lớn của các cấp, các ngành, chủ đầu tư, đơn vị thi công trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều khó khăn.


 

 Hồ treo ở Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Ảnh: Huy Toán


Trên vùng cao Hà Giang, giờ đang là mùa khô. Hơn tháng nay, người dân luôn phải sống trong cảnh thừa rét, thiếu nước sinh hoạt. Khi những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về cũng là lúc các lu, bể chứa nước sinh hoạt của mỗi gia đình đang cạn trơ đáy. Những giọt nước trong bể chứa mi - ni đang trở nên hiếm hoi, con đường tìm nước của người dân càng trở nên khó khăn hơn. Những khe nước trong núi, những dòng suối đang cạn kiệt, người dân đã phải đi hàng giờ đồng hồ, đặt can nhựa cả ngày để hứng từng giọt nước toát ra từ đá núi. Càng đi sâu vào mùa khô, nước càng trở nên khan hiếm. Chính vì vậy, giải pháp xây dựng các hồ chứa nước có dung tích hàng nghìn m3, tích nước trong mùa mưa dùng cho mấy tháng mùa khô đang phát huy hiệu quả rõ rệt.


Đến với người dân các xã Lũng Chinh, Sủng Trà, Sủng Máng (Mèo Vạc), Thài Phìn Tủng, Lũng Phìn (Đồng Văn) những ngày này ta sẽ thấy tác dụng to lớn của hồ chứa nước. Đầu năm nay, đồng loạt 10 hồ chứa nước được triển khai xây dựng trên địa bàn 2 huyện Mèo Vạc, Đồng Văn, đến nay có 5 hồ đã chứa được nước. Mỗi hồ có dung tích chứa hàng nghìn m3 sẽ giải quyết được khó khăn về nước cho người dân khi mùa khô đến. Có mặt trong những ngày chủ đầu tư, đơn vị thi công bàn giao các hồ chứa nước cho địa phương quản lý, vận hành, chúng tôi cảm nhận được niềm vui khôn xiết của người dân. Có 5 hồ chứa với dung tích từ 5-10 nghìn m3 nước, được đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành giữa mùa mưa nên kịp thời tích đầy nước.


Việc triển khai xây dựng hồ chứa nước trên vùng cao nhằm giải quyết một phần khó khăn về nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô có ý nghĩa rất lớn, thể hiện sự quan tâm, chia sẻ khó khăn của Đảng, Nhà nước với người dân vùng cao Hà Giang. Tuy nhiên, thời gian đầu triển khai gặp rất nhiều khó khăn do biến động của giá nguyên liệu, đặc biệt là sắt, xi- măng, nguồn vốn giải ngân chậm… Nhưng với quyết tâm của các cơ quan chức năng, chủ đầu tư, đơn vị thi công nên nhiều hồ đã hoàn thành trước kế hoạch từ 2-3 tháng. Hồ chứa nước Sủng Nhì B, xã Sủng Máng (Mèo Vạc) do Công ty TNHH 307 thi công, thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn do phải điều chỉnh thiết kế. Việc điều chỉnh thiết kế đã ngốn mất rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ thi công hồ. Nhưng sau đó, Công ty đã huy động tổng lực, làm việc 3 ca trên công trường, đến nay đã chuẩn bị bàn giao. Trong quá trình thi công, Công ty xác định đẩy nhanh tiến độ xây lắp phần tường, đáy hồ, hệ thống đường ống thu nước, bể lọc nên đã đón được nước của những đợt mưa cuối mùa. Hiện, trong hồ đã có hàng nghìn m3 nước phục vụ cho người dân xã Sủng Máng và các vùng lân cận. Trong số các đơn vị trúng thầu thi công 10 hồ của kế hoạch năm 2008, Công ty TNHH Minh Đăng, Hà Nam, Hoa Cương hoàn thành sớm nhất. Ngay khi trúng thầu thi công, các công ty đã tập trung nhân lực, phương tiện máy móc vừa đẩy nhanh tiến độ, vừa đảm bảo chất lượng, mỹ thuật.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh An, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi, Phó BQL Dự án hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao, cho biết: Ngoài 5 hồ đã bàn giao, đưa vào sử dụng, còn 5 hồ gồm Giàng Chu Phìn, Khau Vai (Mèo Vạc), Tả Lủng, Hố Quáng Phìn, Sủng Trái (Đồng Văn)đang được các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành chứa nước ngay đầu mùa mưa năm tới. Khi mùa khô về, việc thi công hồ rất khó khăn do không có nước, các đơn vị thi công phải mua nước hoặc dùng xe chở nước từ nơi khác về, chi phí vận chuyển rất lớn.


Cùng với chủ đầu tư đi kiểm tra tiến độ các hồ đang xây dựng, chúng tôi mới thấy hết những khó khăn của các đơn vị thi công. Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế thuỷ lợi II đang thi công hồ Lùng Thàng, xã Hố Quáng Phìn (Đồng Văn), hồ chứa có dung tích gần 4,7 nghìn m3, tổng mức đầu tư trên 3,5 tỷ đồng. Sau 7 tháng thi công đã đạt 70% khối lượng nhưng thi công trong mùa khô, những tác động của ngoại cảnh đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Ngoài sự khan hiếm về nguồn nước để thi công, khi hồ hoàn thành, việc vận chuyển nước để bảo dưỡng hồ cũng là vấn đề nan giải. Trong số 5 hồ đang thi công, hồ Giàng Chu Phìn (Mèo Vạc) do Công ty liên doanh Hà Nam - An Giang thi công có dung tích lớn nhất, trên 10,4 nghìn m3. Theo ông Đặng Văn Giang, Giám đốc Công ty TNHH An Giang, sau 5 tháng thi công, Công ty mới hoàn thành công đoạn tạo mặt bằng xây dựng hồ. Bởi vị trí thi công hồ có khối lượng đá chìm rất lớn, việc khoan, phá đá tạo mặt bằng rất khó khăn.


Theo đánh giá của chủ đầu tư, kết quả triển khai xây dựng các hồ chứa nước đã khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của tỉnh. Năm 2008 có 10 hồ được triển khai xây dựng với tổng giá trị phê duyệt trên 51 tỷ đồng, năm 2009 sẽ đồng loạt khởi công tiếp 20 hồ còn lại. Theo tính toán, tổng nhu cầu vốn xây dựng 30 hồ chứa khoảng 200 tỷ đồng, nhưng nguồn vốn bố trí cho cả 2 năm theo thông báo mới được 65 tỷ đồng, khoảng 30% nhu cầu vốn.


Ngoài 10 hồ chứa nước do BQL Dự án hồ chứa nước sinh hoạt 4 huyện vùng cao (Sở NN-PTNT) làm chủ đầu tư đã, đang triển khai xây dựng, 20 hồ còn lại do các huyện làm chủ đầu tư cũng đã hoàn thiện các thủ tục cần thiết, một số hồ bắt đầu tiến hành giải phóng mặt bằng, tập kết vật liệu chuẩn bị xây dựng. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Đế, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, Trưởng BQL Dự án hồ chứa nước 4 huyện vùng cao, khẳng định: Với quyết tâm cao, sự phối hợp nhịp nhàng giữa chủ đầu tư, đơn vị thi công với các ban, ngành của huyện và người dân địa phương, việc triển khai xây dựng hồ diễn ra rất thuận lợi. 5/10 hồ đã tích được hàng chục nghìn m3 nước để dùng trong mấy tháng mùa khô thực sự là niềm vui, niềm hạnh phúc đối với người dân vùng cao Hà Giang. Niềm vui đó cũng là động lực để chúng ta tiếp tục triển khai tốt các hồ còn lại trong thời gian tới. Hy vọng mùa mưa sang năm, khi có thêm nhiều hồ được hoàn thành sẽ tích được hàng trăm nghìn m3 nước dùng giải “cơn khát” khi mùa khô tới.


Thiên Thanh

Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Lũng Hồ quyết tâm xây dựng thị tứ đổi mới
HGĐT- Cách trung tâm huyện Yên Minh 43 km về phía Nam, xã Lũng Hồ có tổng diện tích đất trồng ngô là 663 ha; diện tích lúa nước là 15 ha; là một trong những xã có diện tích rừng tự nhiên khá lớn, trên 800 ha và gần 70 ha rừng trồng.
22/12/2008
Tình quân dân nơi cực Bắc
HGĐT- Những ngày gần cuối tháng 12, lên với Hà Giang, mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, cái rét vẫn như cào vào da thịt. Nhưng ở đây, chúng tôi được chứng kiến một không khí thi đua lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc thật sôi động, từ cơ quan, xí nghiệp đến đồng ruộng, nương rẫy đang vào vụ Đông - xuân, tất cả đang dồn sức để phấn đấu hoàn thành vượt mức các
19/12/2008
Tình quân dân nơi cực Bắc
HGĐT- Những ngày gần cuối tháng 12, lên với Hà Giang, mảnh đất biên cương cực Bắc của Tổ quốc, cái rét vẫn như cào vào da thịt. Nhưng ở đây, chúng tôi được chứng kiến một không khí thi đua lao động sản xuất của nhân dân các dân tộc thật sôi động, từ cơ quan, xí nghiệp đến đồng ruộng, nương rẫy đang vào vụ Đông - xuân, tất cả đang dồn sức để phấn đấu hoàn thành vượt mức các
19/12/2008
“Cán bộ nào, phong trào ấy”
Những năm gần đây, tổ chức Đoàn từ T.Ư xuống các cơ sở đẩy mạnh việc xã hội hóa công tác Đoàn khá toàn diện các mặt, trong đó phải kể đến phát huy nguồn lực vật chất giúp Đoàn tổ chức những phong trào, hoạt động có chiều sâu hơn.
18/12/2008