IFAD và những dự án đầu tư tại Việt Nam
HGĐT- Hà Giang là một trong những tỉnh ở Việt Nam được hưởng lợi từ các chương trình, dự án do Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) tài trợ.Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn bức tranh tổng thể về mục tiêu, nội dung, chiến lược hoạt động của nhà tài trợ cho các Chương trình, dự án, chúng tôi xin trình bày tóm tắt một số thông tin cơ bản về Quỹ qua bản Báo cáo tổng kết năm 2007 của IFAD.
IFAD là một tổ chức tài chính đặc biệt của Liên hợp quốc, được thành lập năm 1977 theo đề xuất của Hội nghị thượngđỉnh về lương thực thế giới năm 1974. IFAD trung thành với mục tiêu xoá đói giảm nghèo ở các nước đang phát triển nơi có 720 triệu người dân đang sống và tìm kế sinh nhai dựa vào nông nghiệp và nông thôn.
Tháng 12 năm 2006, Hội đồng quản trị của Quỹ đã phê duyệt khung chiến lược cho giai đoạn 2007-2010 là tập trung đóng góp cho việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ (MDG), đặc biệt nhằm đạt được Mục tiêu số 1 là xoá đói giảm nghèo. Những điểm chính của chiến lược này bao gồm: IFAD sẽ đảm bảo giúp cho người nghèo ở các vùng nông thôn có cơ hội tiếp cận, có kỹ năng và có được những tổ chức đại diện để quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên đặc biệt là tài nguyên đất và nước; cải tiến kỹ thuật nông nghiệp và các dịch vụ hỗ trợ được tốt hơn; đa dạng hơn về dịch vụ tài chính; đảm bảo cung cấp các dịch vụ đầu vào một cách công khai minh bạch theo cơ chế thị trường; tạo nhiều cơ hội để người dân nông thôn có việc làm và thúc đẩy tiến trình cải cách hành chính nói chung. Những người gặp nhiều khó khăn và nghèo nhất là đối tượng chính được IFAD quan tâm hỗ trợ. IFAD quan tâm đến vấn đề giới và đặc biệt xem xét giải quyết các yêu cầu của phụ nữ, của các dân tộc thiểu số ở các nước thuộc khu vực châu á và châu Mỹ La tinh. Về vấn đề tăng cường quyền lực, IFAD quan tâm đến việc giúp cả phụ nữ và đàn ông nông thôn, làm sao giúp họ có thu nhập cao hơn, đảm bảo an ninh lương thực tốt hơn, giúp họ xây dựng năng lực và củng cố hệ thống tổ chức cũng như cộng đồng nơi họ sinh sống. Về vấn đề đổi mới, IFAD quan tâm đến những đề xuất có tính sáng tạo, thử nghiệm các phương pháp mới và sẵn sàng làm việc với các cơ quan đại diện Chính phủ cũng như các đối tác để nhân rộng và phát triển các mô hình thành công. Để đảm bảo tính bền vững của các chương trình, Dự án IFAD quan tâm đến vấn đề chất lượng cũng nhưhiệu quả của các hoạt động ngay từ khi thiết kế và trong quá trình quản lý, đảm bảo nguyên tắc nhất quán đồng thuận với các chiến lược, chính sách của các quốc gia. Đảm bảo quyền làm chủ và quyền lãnh đạo của các cơ quan chính phủ cũng như của người nghèo.
Hơn 30 năm qua, kể từ lúc bắt đầu hoạt động năm 1978 đến năm 2007, IFAD đã đầu tư cho 788chương trình, dự án vay với số tiền trên 10 tỷ US$. Ngoài ra IFAD còn cung cấp 610,4 triệu US$ cho 2057 khoản viện trợ không hoàn lại cho các tổ chức và chương trình, dự án. Nếu tính cả phần vốn đồng tài trợ của các tổ chức đa phương, song phương, NGO, vốn đối ứng của các chính phủ và các hình thức khác thì IFAD đã phê duyệt đầu tư cho các chương trình dự án vay26 tỷ 839triệu US$.Đến năm 2007, số nước tham gia và trở thành thành viên của IFAD là 115 quốc gia. Theo qui định các nước thành viên có trách nhiệm đóng góp vốn lần đầu và bổ sung thường kỳ cho IFAD. Tổng cộng đến hết kỳ vận động quyên góp vốn lần thứ 6Mỹ là quốc gia đóng góp nhiều nhất, xấp xỉ 648 triệu US$; tiếp đến là ảrập Saudi xấp xỉ 400 triệu US$; Nhật Bản 325 triệu US$; Đức 300 triệu US$;Hà Lan 225 triệu US$; Italy 224 triệu US$; Pháp207 triệu US$; Thụy Điển 165 triệu US$...;Việt Nam 1,1 triệu US$; và ít nhất là Iceland và Kiribati 5.000 US$. Số các quốc gia, vùng lãnh thổ được hưởng lợi đến năm 2007 là 80 nước và một vùng lãnh thổ. Như đã nêu trên, trong tổng số 788 dự án và chương trình được Quỹ tài trợ đến hết năm 2007 có 525 chương trình, dự án đã kết thúc, 197 chương trình, dự án đang triển khai, 58 dự án mới được phê duyệt và 29 đang thiết kế. Nay IFAD đang vận động cho kỳ quyên góp vốn lần thứ 7 bắt đầu từ năm 2007 và kết thúc vào 31 tháng 12 năm 2009 với kỳ vọng sẽ thu được thêm 720 triệu US$, lớn nhất trong các kỳ vận động kể từ lần đầu tiên kết thúc năm 1981.
Trụ sở chính của IFAD được xây dựng tại một khu vực ở thủ đô Rome, Italia. Thành viên của IFAD bao gồm đại diện của các nước tham gia Liên hợp quốc hoặc các tổ chức đại diện của LHQ. Cơ quan có quyền lực cao nhất của Quỹ là Hội đồng quản trị. Hội đồng gồm có 165 người đại diện cho các nước, tổ chức thành viên. Hội đồng quản trị họp mỗi năm 1 lần. Ban lãnh đạo Quỹ gồm 18 thành viên chính và 18 phó đại diện là những người chịu trách nhiệm chính trong việc phê duyệt các khoản vay cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại. Chủ tịch Quỹ IFAD với nhiệm kỳ 4 năm bầu lại 1 lần, là người chịu trách nhiệm chính trong Ban lãnh đạo. Hiện nay chủ tịch Quỹ IFAD là ông Lennart Bage, quốc tịch Thuỵ Điển, người được tái cử nhiệm kỳ II kể từ năm 2005. Ông Trần Xuân Hà, Thứ trưởng Bộ Tài chính, là người đại diện của Việt Nam tại IFAD; ông Nguyễn Thành Đô -Vụ trưởng và bà Nguyễn Thị Hồng Yến, Phó vụ trưởng - Vụ Tài chính đối ngoại của Bộ Tài chính, là những người phó đại diện cho Việt Nam tại IFAD. Tại mỗi quốc gia hoặc khu vực có chương trình dự án, IFAD đều cử một vị cán bộ Quỹ làm Quản đốc quốc gia gọi tắt là CPM. Hiện nay chị Atsuko Toda là CPM của Việt Nam, Lào và Campuchia.Từ năm 2006, IFAD có chủ trương thành lập các văn phòng đại diện (thí điểm) tại nước sở tại. Hiện nay IFAD đang chuẩn bị công bố Văn phòng đại diện của Quỹ tại Việt Nam.
Lịch sử hoạt động và phát triển của các Chương trình dự án IFAD tại Việt Nam diễn biến cụ thể như sau:
1.Dự án Phát triển nguồn tỉnh Tuyên Quang được IFAD phê duyệt ngày 6/4/1993. Tổng vốn dự án là 21,1 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 18,3 triệu US$. Dự án kết thúc năm 1999-2000.
2.Dự án Bảo tồn nguồn tài nguyên nông nghiệp tỉnh Quảng Bình được IFAD phê duyệt ngày 4/12/1996. Tổng vốn dự án là 17,9 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 14,4 triệu US$. Dự án kết thúc năm 2003.
3.Dự án Hỗ trợ các dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang được IFAD phê duyệt ngày 4/12/1997. Tổng vốn dự án là 18,4 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 12,5 triệu US$. Dự án chính thức kết thúc năm 2004.
4.Dự án Phát triển nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh được IFAD phê duyệt ngày 29/4/1999. Tổng vốn dự án là 19,1 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 15,4 triệu US$. Dự án kết thúc năm 2005.
5.Dự án Đa dạng thu nhập tỉnh Tuyên Quang (RIDP) được IFAD phê duyệt ngày 16/12/2001. Tổng vốn dự án là 30.4 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 20.9 triệu US$. Dự án sẽ kết thúc năm 2009.
6. Chương trình Phân cấp giảm nghèo tỉnh Hà Giang và Quảng Bình (DPPR) được IFAD phê duyệt ngày 02/12/2004. Tổng vốn chương trình là 38.8 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 24,1 triệu US$. Tiểu dự án DPPR- Hà Giang được phân bổ số vốn vay là 16,4 triệu US$. Chương trình dự kiến sẽ kết thúc năm 2011-2012.
7.Chương trình cải thiện sự tham gia thị trường cho người nghèo tỉnh Hà Tĩnh và Trà Vinh được IFAD phê duyệt ngày 14/6/2006. Tổng vốn dự án là 37,3 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 26,0 triệu US$.
8. Chương trình Phát triển kinh doanh với người nghèo nông thôn tỉnh Cao Bằng và Bến Tre được IFAD phê duyệt ngày 13/12/2007. Tổng vốn dự án là 50,3 triệu US$, trong đó vốn vay của IFAD là 35,0 triệu US$.
9. Hiện tại IFAD cùng các cơ quan Trung ương đang triển khai thiết kế xây dựng một dự án mới cho tỉnh Bắc Kạn, dự kiến ký Hiệp định vay vốn vào tháng 12 năm 2008 với tổng kinh phí là 21 triệu US$.
Tóm lại, đến hết năm 2007 IFAD đã phê duyệt cho các chương trình, dự án ở Việt Nam với tổng kinh phí là 237,3 triệu US$, trong đó vốn vay với lãi suất ưu đãi xấp xỉ 167 triệu US$.Nếu bạn muốn tìm hiểu thêm thông tin về Quỹ IFAD xin mời tới thăm trang Webhttp://www.ifad.org/.Đặc biệt, nếu bạn muốn tìm hiểu về IFAD nói chung và IFAD tại Việt Nam xin mời tới thăm địa chỉ http://www.enrapvn.org/
Ý kiến bạn đọc