Sau 5 năm thực hiện phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập
BHG - Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sau 5 năm thực hiện Kết luận số 49-KL/TW, ngày 10.5.2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” trên địa bàn tỉnh Hà Giang đạt được nhiều kết quả tích cực.
Hội Khuyến học được xây dựng và phát triển rộng khắp từ tỉnh, huyện, xã đến xóm, thôn, bản; cơ quan, đơn vị, dòng họ, hội đồng hương… Tính đến tháng 5.2024, 100% các huyện, thành phố, xã, thị trấn, cơ quan đơn vị có Hội Khuyến học; toàn tỉnh có 4.052 hội, chi hội, ban Khuyến học, trong đó 209 Hội (cấp tỉnh 1; cấp huyện 11; cấp xã 193; 4 Hội cấp trường) và 2.957 chi hội; tổng số hội viên 330.909 người, chiếm 35,36% dân số. Các cấp Hội thực hiện tốt việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài, xã hội học tập và gắn với xây dựng mô hình công dân học tập, gia đình học tập, đơn vị học tập, dòng họ học tập. Tích cực vận động, quyên góp xây dựng quỹ khuyến học, trong 5 năm các cấp Hội đã vận động được trên 55 tỷ đồng, chi trên 37 tỷ đồng với trên 25.000 suất học bổng cho học sinh nghèo vượt khó học giỏi, học sinh thi đỗ các trường đại học; khen thưởng trên 80.800 học sinh, 5.860 giáo viên.
Lãnh đạo Hội Khuyến học tỉnh tặng quà học sinh huyện Yên Minh. Ảnh: TL |
Có nhiều cách làm mới trong xây dựng phong trào khuyến học, nhất là công tác xã hội hóa hoạt động khuyến học, khuyến tài như: Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông” với 3.734 nhóm, 15.639 hội viên tham gia; chương trình “Con nuôi đồn biên phòng”; huyện Mèo Vạc vận động, kêu gọi giáo viên Trường Marie Curie Hà Nội, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng hỗ trợ dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh tiểu học… Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và tổ chức Hội các cấp thường xuyên vận động sự hỗ trợ của Quỹ Khuyến học Việt Nam, các doanh nghiệp, các hội nhóm tư nhân, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh quyên góp xây dựng quỹ khuyến học, hỗ trợ vật chất cho các cơ sở giáo dục, động viên “học sinh hiếu học” ở các vùng khó khăn, góp phần cổ vũ cho phong trào khuyến học trên địa bàn, giúp nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục đến trường.
Triển khai đồng bộ phong trào xây dựng các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập”, “Công dân học tập” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh” và phong trào “Xóa đói, giảm nghèo”. Kết quả, đến nay đã có 110.172 công dân học tập (không tính học sinh đang học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo); 125.071 gia đình đạt Gia đình học tập, chiếm 66,6% số gia đình trong toàn tỉnh; 1.406 dòng họ đạt Dòng họ học tập; 1.484 cộng đồng học tập; 821 đơn vị học tập.
Tiếp tục nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục và xóa mù chữ, các cơ quan chuyên môn làm tốt việc vận động người dân tham gia các lớp xóa mù chữ; thường xuyên động viên, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, đặc biệt đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy vai trò của Trung tâm học tập cộng đồng, các thiết chế văn hóa ở cơ sở trong công tác xóa mù chữ. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã đạt chuẩn xóa mù chữ, trong đó 24 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 1 và 169 đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 2; 4 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 và 7 huyện đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Những kết quả đó cho thấy, công tác khuyến học, khuyến tài đã có nhiều chuyển biến rõ nét, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, hiệu quả, góp phần phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư và hội nhập quốc tế; đưa phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập thay đổi về chất.
Lương Nghĩa (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Ý kiến bạn đọc