Nhộn nhịp chợ bò Mèo Vạc

23:19, 15/06/2024

BHG - Như thường lệ, vào sáng Chủ nhật hàng tuần, tại khu vực trung tâm thị trấn Mèo Vạc (Mèo Vạc) lại diễn ra phiên chợ bò. Mỗi phiên chợ có hàng trăm con bò được người dân đưa đến chợ để trao đổi, mua, bán, tạo nên không khí nhộn nhịp, sôi động, thu hút đông đảo người dân, thương lái và du khách đến mua, bán, tham quan, trải nghiệm.

Vừa qua, chúng tôi có chuyến công tác tại huyện Mèo Vạc đúng ngày diễn ra phiên chợ bò. Ngay từ sáng sớm đã có rất đông người dân đưa bò xuống chợ để bán. Không khí nhộn nhịp, tấp nập mỗi lúc một đông khi người dân và các thương lái tiếp tục đổ về chợ. Dắt theo một con bò xuống chợ để bán, anh Ly Mí Sò, xã Tả Lủng chia sẻ: “Hiện nay, gia đình tôi đang nuôi 5 con bò sinh sản. Mỗi khi có bò con được sinh ra, tôi tập trung chăm sóc, nuôi dưỡng để chúng nhanh lớn, khỏe mạnh. Sau khi bò được 1 – 2 năm tuổi tôi lại dắt bò ra chợ bán. Từ nguồn tiền bán bò, tôi tiếp tục tái đầu tư sản xuất và chăm lo cho con cái ăn học”.

Người dân mua, bán bò tại chợ bò huyện Mèo Vạc.
Người dân mua, bán bò tại chợ bò huyện Mèo Vạc. Ảnh: Sơn Hà

Là một trong những thương lái quen thuộc tại chợ bò Mèo Vạc, ông Lê Hồng Quang đến từ tỉnh Tuyên Quang cho biết: “Tôi thường mua bò tại chợ bò Mèo Vạc về cung cấp cho các chợ đầu mối và nhà hàng dưới xuôi. Giống bò ở Mèo Vạc có chất lượng thịt thơm, ngon nên được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng. Mỗi phiên chợ tôi thường mua từ 3 – 5 con bò. Vào ngày chợ có nhiều người đem bò đến bán nên việc lựa chọn mua bò khá thuận lợi, dễ dàng”.

Mèo Vạc là huyện vùng cao núi đá, tỷ lệ dân tộc thiểu số chiếm hơn 95%, trong đó trên 78% là đồng bào dân tộc Mông. Từ lâu, chăn nuôi bò đã trở thành nghề truyền thống và là nguồn thu nhập quan trọng của đồng bào. Sinh tồn trong môi trường khắc nghiệt, nơi thừa đá, thiếu đất đã tạo cho giống bò ở Mèo Vạc có được sức đề kháng tốt, chất lượng thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Xác định chăn nuôi bò là nghề đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo, những năm qua, huyện Mèo Vạc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân phát triển chăn nuôi bò theo hướng hàng hóa; triển khai, nhân rộng các mô hình chăn nuôi bò sinh sản, vỗ béo; thực hiện chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cỏ tạo thức ăn cho bò; chú trọng công tác thụ tinh nhân tạo và phòng, chống dịch bệnh trên đàn bò.

Không khí nhộn nhịp, sôi động, thu hút đông đảo người dân, thương lái và du khách đến mua, bán trao đổi bò
Không khí nhộn nhịp, sôi động, thu hút đông đảo người dân, thương lái và du khách đến mua, bán trao đổi bò. Ảnh: PV

Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tổng đàn bò của huyện Mèo Vạc không ngừng tăng qua các năm. Để tạo thuận lợi cho người dân có nơi trao đổi, mua, bán bò, từ nhiều năm trước, huyện Mèo Vạc đã dành quỹ đất hơn 1.300 m2 tại trung tâm thị trấn Mèo Vạc để làm chợ bò. Bình quân mỗi phiên chợ bò có từ 200 – 300 con bò được người dân đem đến bán. Ngoài các thương lái ở huyện, phiên chợ cũng thu hút nhiều thương lái ở các tỉnh dưới xuôi đến mua bò như: Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc. Tại mỗi phiên chợ, mặc dù có rất đông người mua, bán, song hiếm thấy có hiện tượng chèo kéo, ép giá, xô đẩy. Theo quan niệm của đồng bào ở Mèo Vạc, con bò là tài sản lớn gắn liền với đời sống lao động sản xuất của họ, do vậy, nếu bán bò không được giá nhất định họ sẽ không bán mà để đến phiên chợ lần sau.

Ngoài khu vực chợ bò, du khách đến huyện Mèo Vạc vào ngày Chủ nhật hàng tuần còn được khám phá, trải nghiệm chợ phiên vùng cao. Khu vực chợ phiên được bố trí gần khu vực chợ bò nên khá thuận lợi cho du khách tham quan. Xuống chợ, đồng bào nơi đây mặc trên mình bộ quần áo mới nhất, đẹp nhất với đa dạng kiểu dáng, màu sắc. Nổi bật là trang phục của các cô gái người Mông, Lô Lô, Dao, Giáy với những bộ váy được may thủ công, tỉ mỉ, toát lên vẻ đẹp của người thiếu nữ miền sơn cước.

Các phiên chợ được tổ chức không chỉ là nơi mua, bán, trao đổi hàng hóa, thúc đẩy thương mại, kinh tế phát triển mà còn là nơi để người dân giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn và những câu chuyện trong cuộc sống. Sau mỗi phiên chợ, người dân lại trở về với cuộc sống thường ngày, tích cực tăng gia, sản xuất, chăn nuôi bò, lợn để có cuộc sống ngày một ấm no, hạnh phúc.

TRẦN KẾ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tin dự báo mưa lớn trên địa bàn tỉnh Hà Giang
BHG - Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hà GIang dự báo diễn biến mưa lớn trong 24 đến 48 giờ tới: Từ chiều tối và đêm 14/6 đến đêm 15/6, trên khu vực tỉnh có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến từ 30 100mm/đợt, có nơi trên 150mm/đợt (thời gian mưa vừa, mưa to tập trung chủ yếu vào đêm và sáng). Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
15/06/2024
Hoàng Su Phì chủ động phòng, chống thiên tai
BHG - Chỉ từ tháng 4.2024 đến nay, qua tổng hợp tại huyện Hoàng Su Phì có 3 đợt dông lốc, sấm sét, mỗi đợt lên đến 5 - 7 ngày, đã làm hàng trăm nhà dân bị ảnh hưởng và tốc mái; một số công trình phúc lợi bị ảnh hưởng; hàng chục con gia súc bị sét đánh chết và khoảng 30 ha diện tích hoa màu bị ảnh hưởng. Ước thiệt hại từ đầu năm nay do thiên tai hàng tỷ đồng.
15/06/2024
Xín Mần nỗ lực xóa bỏ điểm trường, lớp ghép
BHG - Từng bước nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn, ngay từ đầu năm UBND huyện Xín Mần đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về giáo dục và đào tạo năm 2024. Trong đó, sáp nhập trường, điểm trường, chuyển học sinh về trường chính học và xóa bỏ lớp ghép là một trong những mục tiêu quan trọng được huyện chỉ đạo thực hiện.
15/06/2024
Chủ tịch nước tặng Huân chương Dũng cảm cho 4 cán bộ kiểm lâm Hà Giang trong lúc chữa cháy rừng
BHG - Chủ tịch nước Tô Lâm vừa ký Quyết định số 504/QĐ-CTN và Quyết định số 505/QĐ-CTN về việc Truy tặng và tặng thưởng Huân chương Dũng cảm cho 4 cán bộ kiểm lâm tỉnh Hà Giang trong khi làm nhiệm vụ chữa cháy rừng trên đỉnh Tây Côn Lĩnh diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua.
15/06/2024