Nối tiếp hành trình tự hào Báo Hà Tuyên!

10:25, 08/04/2024

BHG - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển (13.4.1964 – 2024), Báo Hà Giang luôn xứng đáng với vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, là kênh thông tin quan trọng và tin cậy của các tầng lớp nhân dân. Trong chặng đường vẻ vang ấy, có một thời kỳ 16 năm lịch sử đầy vất vả nhưng cũng đầy dấu ấn gắn với công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc trên tuyến đầu Hà Tuyên anh hùng. Đó là thời kỳ 1976 – 1991, thời kỳ 2 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang sáp nhập thành tỉnh Hà Tuyên và 2 tờ báo Hà Giang và Tuyên Quang cũng vậỵ.

Cái tên Báo Hà Tuyên chắc hẳn sẽ làm rất nhiều người nhớ đến những tờ báo thân thuộc năm nào, cung cấp rất nhiều thông tin về một thời kỳ chiến đấu anh hùng nơi mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Trong phần lớn thời gian sáp nhập là những năm diễn ra của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, nhưng tờ Báo Hà Tuyên vẫn giữ liền mạch xuất bản, phục vụ nhu cầu tuyên truyền, cổ vũ các nhiệm vụ thi đua sản xuất, chiến đấu của quân và dân Hà Tuyên; đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đến với người dân, đặc biệt là đưa công cuộc đổi mới của Đảng thấm sâu vào đời sống.

Cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang cùng nhau xem lại một ấn phẩm của Báo Hà Tuyên.
Cán bộ, phóng viên Báo Hà Giang cùng nhau xem lại một ấn phẩm của Báo Hà Tuyên.

Là thế hệ đi sau, chúng tôi luôn được nghe thế hệ một thời công tác ở Tòa soạn Báo Hà Tuyên kể lại những câu chuyện nghề, câu chuyện cuộc sống, sự gian khó, vất vả của thời kỳ làm báo Hà Tuyên. Có những phóng viên mặt trận tác nghiệp như những chiến sỹ xung trận. Chính năm tháng ấy, lịch sử kiên cường của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc đã góp phần tôi luyện lứa phóng viên “chất lừ” cho tờ Báo Hà Tuyên. Và trong số những tờ báo Đảng địa phương của cả nước, cõ lẽ Báo Hà Tuyên là tờ báo phải đương đầu với nhiều khó khăn nhất, bởi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới kéo dài từ 1979 – 1989, hoạt động trên một địa bàn thuộc diện khó khăn nhất cả nước.

Báo Hà Tuyên năm 1976 có khoảng 30 cán bộ, phóng viên, biên tập viên và nhân viên. Những người làm báo dù lương thấp, một phóng viên như Việt Thanh (sau này là Phó tổng biên tập Báo Hà Tuyên) như ông kể lại lương chỉ có 46 đồng. Vì thế, những bữa cơm của anh em cán bộ Tòa soạn khi đó còn độn cả sắn, ngô, hạt bo bo. Nhìn lại ảnh của cán bộ, phóng viên thời ấy, ai cũng… gầy gò. Nhưng có một điều rất đáng trân trọng, mặc dù đối mặt với khó khăn, nhưng không có ai bỏ nghề báo, tờ báo vẫn giữ chân và trở thành điểm tựa của những cây viết kỳ cựu. Đặc biệt là tinh thần đoàn kết trong cả tòa soạn là thứ để làm nhên những tờ báo đều đặn đến với tay bạn đọc như một “pháp lệnh”. Dù khó khăn về đường xá, địa hình của 2 vùng cao, thấp, sự khó khăn trong việc chuyển tải thông tin, hình ảnh… cũng không cản được việc đảm bảo xuất bản các số báo.

Tập thể Phòng Báo Hà Giang điện tử.
Tập thể Phòng Báo Hà Giang điện tử.

Nhà báo Lại Cao Khải bắt đầu vào làm tại Báo Hà Tuyên từ năm 1983. Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến bảo vệ biên giới, sức trẻ, sự nhiệt huyết đã đưa ông trở thành một trong những phóng viên mặt trận của Báo Hà Tuyên. Năm tháng tuổi trẻ ấy, rất nhiều bài viết, những tấm ảnh chiến trường của ông và đồng nghiệp đã được gửi từ tuyến đầu về hậu phương (Tuyên Quang) để đăng tải trên Báo Hà Tuyên, trong đó đặc biệt có ấn phẩm Hà Tuyên Mặt trận. Qua đó cổ vũ cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân nơi tuyến đầu Hà Tuyên. Kể lại chuyện vất vả đi tác nghiệp, nhà báo Lại Cao Khải tâm sự: Báo Hà Tuyên thường kỳ thời đó ra 1 số/ tuần với khoảng 1 ngàn tờ/số. Nhưng để làm ra một số báo ngày ấy vô cùng khó khăn, từ tin tức đến việc in ấn, phát hành. Những phóng viên đi cơ sở phải rất khéo léo, linh hoạt trong việc gửi tin, bài, phim chụp qua những kênh như xe ca, xe tải, nhờ cán bộ các địa phương đi công tác để gửi tin, phim về Tòa soạn ở thị xã Tuyên Quang.

Chú Khải tâm sự thêm, đời sống của cán bộ, phóng viên, biên tập viên Báo Hà Tuyên cũng rất giản dị, như chú Khải là phóng viên trẻ được vài chục đồng/tháng. Ngày ấy, Tòa soạn khuyến khích phóng viên đi cơ sở, trú tại cơ sở, không khuyến khích về Tòa soạn. Thế nên bước chân của chú Lại Cao Khải cùng nhiều phóng viên Báo Hà Tuyên đã quen thuộc trên suốt dải biên giới Hà Giang với 12 đồn biên phòng, 2 trung đoàn bộ đội và các tiểu đoàn quân sự địa phương. Những phóng viên Báo Hà Tuyên đi đâu cũng được bà con, cán bộ, chiến sỹ, các cơ quan, đơn vị quý mến, tạo điều kiện tác nghiệp, hoàn thành nhiệm vụ.

Nhà báo Đặng Quang Vượng, nguyên Phó tổng Biên tập Báo Hà Giang, chia sẻ, những năm tháng ở ngôi nhà Báo Hà Tuyên đáng nhớ nhất của cuộc đời làm báo. Nhà báo Đặng Quang Vượng đã có năm tháng không quên khi là một trong những phóng viên chiến trường có rất nhiều bài viết về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới trên tuyến đầu. Có thời điểm từ 1984 – 1985, khi cuộc chiến đấu vẫn còn diễn ra ác liệt, nhà báo Đặng Quang Vượng có chuyến công tác đã nằm vùng đến 3 tháng ở vùng cao phía Bắc để phản ánh về chiến sự và đời sống ở tuyến đầu. Dù đồng lương ít, chế độ nhuận bút cũng chẳng đáng là bao, phóng viên hay phải xa nhà, cuộc sống vợ con cũng như bao gia đình khác vẫn còn bữa cơm độn ngô. Nhưng những năm tháng khó khăn ấy, anh em cán bộ, phóng viên Báo Hà Tuyên vẫn yêu nghề, sẵn sàng nhận những nhiệm vụ khó khăn.

Nhà báo Hoàng Kiệm, nguyên Tổng biên tập Báo Hà Giang, một trong những người đã gắn bó những năm tháng khó khăn của thời Báo Hà Tuyên chia sẻ: Thực hiện công cuộc đổi mới, từ khoảng 1986 Báo Hà Tuyên bắt đầu khoán tin, bài cho phóng viên. Tùy theo phóng viên các bậc, mức khoán sẽ cao thấp khác nhau. Như nhà báo Hoàng Kiệm thời điểm 1986 là phóng viên bậc 3, mức khoán 3 bài 2 tin. Ngoài khoán tin, bài, phóng viên còn được giao theo dõi các mảng, địa bàn.

Mặc dù trong điều kiện khó khăn, với nghề báo lại càng có nhiều khó khăn đặc thù. Nhưng trao đổi với những cán bộ, phóng viên, nhân viên một thời của Báo Hà Tuyên, ai cũng khẳng định lòng yêu nghề và những năm tháng được sống trong mái nhà Báo Hà Tuyên là những năm tháng đáng nhớ nhất trong cuộc đời mỗi người.

Tại Tòa soạn Báo Hà Giang hiện vẫn còn một hiện vật là chiếc gương soi lớn. Được biết, đây là món quà được Báo Hà Tuyên trao trong thời điểm đặc biệt, khi Báo Hà Tuyên chia tách trở lại thành Báo Tuyên Quang và Báo Hà Giang, chiếc gương soi trao cho những người được phân công lên xây dựng Báo Hà Giang từ năm 1991. Sau hơn 30 năm, chiếc gương hiện vẫn còn chắc và vẫn được nhiều anh chị em của Báo Hà Giang soi mỗi ngày. Nó như một lời nhắc với những thế hệ làm báo tiếp theo nối tiếp hành trình của một thời Báo Hà Tuyên đầy tự hào.

Bài, ảnh: Huy Toán


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Nâng cao kỹ năng sản xuất chương trình Podcast

BHG - Trong 2 ngày 29 – 30.3, tại Hà Nội, Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức lớp bồi dưỡng “Kỹ năng làm Podcast nâng cao” cho 29 học viên là các cán bộ, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên đến từ 12 cơ quan báo chí trung ương và địa phương.

31/03/2024
Điểm trường Tả Phìn những ngày “mùa khô, nước hiếm”

BHG - Xã Tả Phìn là xã nội địa đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn. Khí hậu khắc nghiệt, địa hình phức tạp và bị chia cắt mạnh. Không sông, không suối, mỗi khi mùa khô đến mang theo "nỗi ám ảnh" không có nước sử dụng. Đầu tháng 3 năm nay, hồ treo Tả Phìn B là nguồn cung cấp nước chính cho bà con xã Tả Phìn đã cạn đáy. Thiếu nước sinh hoạt cho học sinh trở thành áp lực đối với thầy và trò tại điểm trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tả Phìn.

31/03/2024
Đoàn trường THPT Chuyên Hà Giang tổ chức Hội thi "Khi tôi 18"

BHG - Chiều 30.3, Đoàn trường THPT Chuyên Hà Giang tổ chức Hội thi "Khi tôi 18" với chủ đề Sắc màu văn hoá. Đây là một trong những hoạt động hoạt động giáo dục trải nghiệm ngoài giờ lên lớp thường niên của Trường THPT Chuyên Hà Giang.

31/03/2024
Đại hội Đoàn Thanh niên Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ tỉnh Hà Giang

BHG - Chiều 29.3, Đoàn Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ (KT&CN) tỉnh tổ chức Đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2024 – 2027. Tham dự có đại diện Đoàn khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh; lãnh đạo Trường Cao đẳng KT&CN…

29/03/2024