Chúng tôi xuất bản báo “Hà Giang cực Bắc”

11:12, 11/04/2024

BHG - Thực ra cái Măng sét tôi chưa ưng ý lắm, lúc đầu định đặt “Hà Giang vùng cao” nhưng có người bảo, mình phát hành cả vùng thấp… Cuối cùng đành lấy tên chung chung mang tính địa lý miền cao phía Bắc “Hà Giang cực Bắc”. Thời ấy xin giấy phép không khó, chỉ cần báo cáo và Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương là chúng tôi triển khai, mọi việc đều thuận lợi.

Hà Giang có diện tích tự nhiên 7.884,37 km2, dân số 854.679 người (theo thống kê 2019). Đây là nơi cư trú của 19 dân tộc anh em, ngoài 3 dân tộc chiếm số đông: Mông, Tày, Dao còn các dân tộc ít người như Hoa, La Chí, Lô Lô, Cờ Lao, Pà Thẻn, Bố Y, Phù Lá, Pu Péo... Nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, vận động quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thông qua các hoạt động báo chí, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của cộng đồng trong việc chấp hành và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật nhà nước, đồng thời tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc trên địa bàn giữ vững an ninh trật tự, nên chúng tôi quyết định xuất bản thêm một ấn phẩm mới với cách tiếp cận khác.

Nếu như ở vùng thấp, báo chí đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong sinh hoạt hàng ngày của người dân, đọc báo, nghe đài, xem truyền hình trở thành thói quen, thì ở miền núi, vùng cao, nhu cầu này mới đang được tạo lập. Một thời, có người tưởng rằng, cứ đầu tư in báo thật nhiều rồi phát không cho bà con thì sẽ xóa được tình trạng đói thông tin ở vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Song sự thật hoàn toàn khác, nếu không giải quyết được nạn mù chữ thì tờ báo nội dung hay, hình thức đẹp đến mấy cũng không có giá trị gì hơn một tờ giấy trắng mà người dân vẫn chỉ dùng gói muối, cá khô và thuốc lào!

Ấn phẩm Báo Hà Giang cực Bắc được đông đảo bạn đọc đón nhận. 
						     Ảnh: CTV
Ấn phẩm Báo Hà Giang cực Bắc được đông đảo bạn đọc đón nhận. Ảnh: CTV

Nhận làm Tổng Biên tập tờ báo của Đảng bộ tỉnh, tôi cũng trăn trở lắm, làm báo cho bà con dân tộc vùng cao không dễ dàng. Trước hết, tờ báo phát triển được hay không phải tùy thuộc vào kết quả giáo dục tiểu học - xóa mù chữ. Người dân mới học chữ, biết đọc, biết viết, họ đang háo hức. Lấy gì để “ôn luyện kiến thức” cho họ, bảo đảm họ không tái mù? Lúc này là lúc cần tờ báo dễ đọc, dễ hiểu. Nhưng không phải là thứ báo thông thường như đang làm làm; đây phải là loại báo với co chữ to, nhiều hình ảnh, thông tin ngắn gọn, ngôn ngữ dân dã, đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày, để người dân đọc được, dịch ra tiếng dân tộc mình hiểu và làm theo được.

Nội dung của tờ báo phải thiết thực, gắn liền với đời sống, trả lời những câu hỏi mà người dân cần biết, ví dụ như: Xóa đói giảm nghèo bắt đầu từ đâu? Mùa này, tháng này, đất này trồng cây gì, trồng như thế nào thì tốt? Nuôi con gì thì nhanh lớn, không dịch bệnh, bán được nhiều tiền? Ăn ở thế nào là sạch sẽ, không bị ốm đau, không mất tiền mua thuốc. Tập quán phong tục nào cần giữ gìn, cái gì lạc hậu cần phải bỏ đi; làm thế nào để giữ được rừng, giữ được nguồn nước, không bị lũ ống, lũ quét, không bị núi sập, đất lở...; tại sao không nên tảo hôn? Hôn nhân cận huyết có hại thế nào? Làm sao nuôi con khỏe, dạy con ngoan? Làm cách nào để mọi dân tộc đoàn kết bên nhau, yêu thương nhau, cùng chung sống xây dựng làng bản ngày càng giàu đẹp… Tuy nhiên, mới triển khai được một thời gian, chưa kịp lên lịch theo chuyên đề tôi đã chuyển vùng, mừng khi thấy người kế nhiệm vẫn duy trì tờ báo, buồn khi mình chưa đi đến tận cùng ý tưởng.

Những câu hỏi tưởng rất dễ trả lời, nhưng ngược lại. Người miền núi thời ấy ít đi xa, giao tiếp nhiều khi bó hẹp nơi làng bản, người dân cần những điều trông thấy, nghe thấy, sờ thấy và làm theo được. Vậy là phải lấy ngay những hình ảnh gần gũi nhất, ngay trong thôn, bản, trong xã của họ. Còn nếu chúng ta chụp ảnh, viết bài ở những nơi xa xôi thì họ cũng chỉ quan niệm “Ở đấy người ta làm được như thế, còn ta làm sao theo được”, “Cái này không phải của bà con ta”.v.v... Ngoài chuyện xin Tỉnh ủy tài trợ phát báo đến Đồn Biên phòng, Trưởng thôn, cô giáo cắm bản bản… chúng tôi tiếp tục cải tiến nội dung, hình thức và cách phát hành để báo chí có thể đến được với đồng bào. Dù chưa trọn vẹn nhưng cũng rút ra được những bài học:

Một là, tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị đối với công tác truyền thông, quán triệt, triển khai và phương pháp thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với vùng khó khăn. Việc tuyên truyền các chủ trương, chính sách sát với nhu cầu đời sống, sản xuất của đồng bào, phù hợp với từng đối tượng thì chủ trương, chính sách đó mới đi vào cuộc sống một cách thiết thực; phát huy thế mạnh đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền, chuyên trách và cộng tác viên; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để có phương pháp tuyên truyền hiệu quả nhất.

Hai là, phát huy vai trò người có uy tín, các vị chức sắc, già làng, trưởng bản, thậm chí thầy mo, thầy cúng… Có thể khẳng định rằng, họ chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là người tích cực, gương mẫu đi đầu trong tuyên truyền, thực hiện và vận động đồng bào hưởng ứng các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; phòng, chống các âm mưu chống phá đất nước của các thế lực thù địch, góp phần tích cực trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Ba là, nâng cao chất lượng đội ngũ phóng viên, biên tập viên, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, huyện, xã. Trong đó, chú trọng nội dung, cách thức tuyên truyền đối với từng vùng, từng đối tượng theo hướng ngắn, gọn, dễ hiểu, dễ làm; lựa chọn những vấn đề sát với đời sống, sản xuất và giải quyết các vấn đề đồng bào quan tâm. Bên cạnh đó, tham mưu cho chính quyền quan tâm đầu tư về phương tiện, thiết bị phục vụ công tác tuyên truyền gắn với chính sách khen thưởng, động viên, chia sẻ đối với các lực lượng làm công tác tuyên truyền ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bốn là, tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức, khơi dậy tính tự lực, tự cường của đồng bào trong việc phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo; hỗ trợ xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, hợp tác, trang trại nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; xây dựng, nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt là tôn trọng sự thật, không nói quá, không nói sai.

Năm là, góp phần quan tâm xây dựng hệ thống chính trị ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, xứng đáng là chỗ dựa tin cậy của đồng bào, có khả năng làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của đồng bào. Từ đó, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh.

Làm báo cho người vùng cao rất kỵ “ngây ngô hóa” những phát ngôn của người dân nào a lúi, cái mày, cái tao… Cần nâng cao dần kiến thức của họ, cũng chính là nâng cao sự hiểu biết của mình, không viết kiểu văn chương, bay bướm, những từ ngữ không có trong vốn từ vựng của họ. Người vùng cao vốn tư duy trực giác, nói gọn, cụ thể. Đưa báo lên vùng cao mà viết bài dài chẳng khác nào đánh đố họ. Bởi họ còn phải đi nương, ra ruộng. Ở đây, chúng ta đang đề cập làm tờ báo cho đồng bào vùng cao Hà Giang. Vì vậy, ta phải kiên trì, phát triển tờ báo cùng với sự nghiệp giáo dục, văn hóa của đồng bào, luôn lắng nghe để cải tiến tờ báo làm sao ấn phẩm có chỗ đứng trong lòng đồng bào và nó sẽ trở thành phương tiện thu nạp kiến thức của người dân. Ma két báo cũng phải thay đổi luôn để tránh nhàm chán. Các chuyên đề như “Phong tục hay, tập quán đẹp”, “Người tốt, việc tốt”, “lá lành đùm lá rách”… thì phải cố định để bà con dễ theo dõi.

Hơn 30 năm duy trì tờ báo ảnh cho đồng bào các dân tộc vùng cao Hà Giang là công của các đồng nghiệp, tôi coi như đây là một bước đi đúng trong phát triển sự nghiệp truyền thông của Đảng. Một vài kinh nghiệm nêu trên chỉ là những điều chúng tôi rút ra trong hoạt động thực tiễn để đồng nghiệp tham khảo. Và tôi nghĩ, các thế hệ kế tiếp chúng tôi vẫn sẽ kiên trì và sáng tạo có được ấn phẩm chất lượng hơn, thiết thực hơn trên con đường đưa ánh sáng đến vùng cao đầy vất vả nhưng cũng rất vinh dự, tự hào ấy.

Nguyễn Văn Tông (Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Giang)


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Từng bước xây dựng tòa soạn theo hướng hiện đại
BHG - Hòa chung vào dòng chảy phát triển của báo chí cả nước, những năm qua Tòa soạn Báo Hà Giang đã không ngừng trao đổi, học tập kinh nghiệm, ứng dụng công nghệ, đổi mới phương pháp làm báo, hướng tới việc xây dựng tòa soạn ngày càng hiện đại. Những nỗ lực đổi mới cách làm báo trong thời đại số đã góp phần thực hiện công cuộc chuyển đổi số của tỉnh nhà.
11/04/2024
60 năm vượt khó, làm tròn sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng
BHG - Ngày 13.4.2024 ghi dấu chặng đường vẻ vang của Báo Hà Giang tròn 60 năm xây dựng, trưởng thành và cống hiến. Xuyên suốt hành trình ấy, Báo Hà Giang không ngừng vượt khó, đổi mới, sáng tạo để tiếp nối sứ mệnh vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam “Phấn đấu vì một nền báo chí Cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại; luôn gắn bó máu thịt, phấn đấu hết mình cho lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”.
11/04/2024
Nhà báo Biện Luân “Lửa nghề” rọi bước thành công
BHG - Là người con của quê hương xứ Nghệ nhưng duyên nghề đã gắn kết nhà báo Biện Luân với mảnh đất, con người Hà Giang và Báo Hà Giang. Hòa nhập môi trường sống, làm việc mới với lòng nhiệt huyết, “lửa nghề” rực cháy trong tim đã đưa nhà báo Biện Luân trở thành “cây bút” sáng của Báo Hà Giang.
11/04/2024
Công ty Điện lực Hà Giang sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý I, năm 2024
BHG - Ngày 10.4 tại huyện Đồng Văn, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức hội nghị sơ kết thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh quý I, triển khai phương hướng nhiệm vụ quý II, năm 2024. Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra đối với đơn vị trong thời gian tới là giảm thiểu sự cố, đảm bảo cấp điện trong mùa nắng nóng.
11/04/2024