Bệnh dại và biện pháp phòng ngừa
BHG - Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, bệnh dại có xu hướng gia tăng với 22 người tử vong, số người điều trị dự phòng bệnh dại lên tới gần 70.000 người, tăng 11%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu do động vật nghi dại cắn không được tiêm phòng vắc xin hoặc không được tiêm đúng theo quy định.
Tại tỉnh ta, từ đầu năm 2024 đến nay đã có 358 trường hợp bị súc vật nghi dại cắn đến tiêm vắc xin và 106 trường hợp tiêm huyết thanh phòng dại tại các đơn vị y tế, hiện không có trường hợp tử vong.
Tiêm vắc xin và huyết thanh phòng dại tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: CTV |
Bệnh dại là bệnh viêm não tủy cấp tính xảy ra ở động vật có vú, tác nhân gây bệnh là vi rút trong họ Rhabdovidae. Ở Việt Nam vi rút dại lưu hành chủ yếu ở chó nhà, hiếm thấy hơn ở mèo. Vi rút xuất hiện trong nước dãi của chó hoặc mèo khoảng từ 3 - 5 ngày trước khi con vật có triệu chứng lâm sàng đầu tiên và trong suốt thời gian bị bệnh. Sau khi người bị con vật nhiễm vi rút dại cắn sẽ trải qua thời gian ủ bệnh từ 2 - 8 tuần, cũng có thể ngắn khoảng 10 ngày hoặc dài đến 1 năm hoặc lâu hơn. Thời gian ủ bệnh dài hay ngắn phụ thuộc vào tình trạng vết cắn gần thần kinh trung ương hoặc số lượng vi rút xâm nhập vào cơ thể qua vết cắn. Tất cả các bệnh nhân khi đã lên cơn dại đều bị tử vong.
Biểu hiện của bệnh
Người bị súc vật dại cắn từ 2 - 4 ngày trước khi phát hiện, bệnh nhân thấy đau nhức, sưng tấy tại vết cắn có thể quan sát được. Những dấu hiệu này lan rộng dọc theo hệ thống thần kinh và hệ thống hạch bạch huyết. Đồng thời với các triệu chứng trên còn có một số triệu chứng khác kèm theo như: Bồn chồn, thổn thức, la hét, chán nản vô cớ.
Cần xử trí vết thương khi bị chó, mèo cắn
Khi bị chó, mèo cắn cần rửa ngay vết thương dưới vòi nước chảy trong khoảng 15 phút, có thể dùng thêm xà phòng để rửa vết thương, phải lấy hết dị vật và mô dập nát (nếu có).
Sát trùng vết thương bằng cồn 70 độ hoặc dung dịch iode, không nên khâu kín da. Nếu buộc phải khâu da, thì phải tiêm huyết thanh kháng dại vào vết thương và trì hoãn việc khâu vết thương ít nhất vài giờ.
Nếu vết thương xuyên thấu, chảy máu, vị trí ở đầu, mặt, cổ và bộ phận sinh dục, thì phải dùng huyết thanh kháng dại tiêm sâu bên trong và xung quanh vết thương. Ngoài ra, cần tiêm phòng bệnh uốn ván và dùng kháng sinh dự phòng nhiễm trùng vết thương (nếu có chỉ định).
Xử lý vết cắn tại chỗ:
- Khi bị súc vật cắn cần rửa ngay thật kỹ vết cắn bằng nước xà phòng đặc dưới vòi nước chảy, sau đó rửa bằng nước muối, bôi các chất sát khuẩn như: Cồn 70 độ, cồn iốt đậm đặc hay betadine, nhằm làm giảm tới mức tối thiểu lượng vi rút xâm nhập qua vết cắn.
Trong trường hợp cần thiết phải cắt lọc, nhưng không khâu ngay (đề phòng vi rút tản phát), chỉ khâu trong trường hợp vết cắn đã quá 5 ngày. Chú ý: Không làm giập nát vết thương.
Toàn thân
Bảo vệ bằng miễn dịch đặc hiệu: Dùng vắc xin dại tế bào hoặc dùng cả vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại để điều trị dự phòng tùy theo tình trạng súc vật, tình trạng vết thương, tình hình bệnh dại ở trong vùng.
Việc khám bệnh nhân bị súc vật cắn hoặc tiếp xúc để có quyết định điều trị dự phòng bằng vắc xin dại hoặc vắc xin kết hợp với huyết thanh kháng dại phải thực hiện càng sớm càng tốt. Hiệu quả điều trị dự phòng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Loại vắc xin dại, kỹ thuật tiêm, bảo quản sinh phẩm, đáp ứng miễn dịch của người bệnh.
Phòng bệnh
Để phòng bệnh dại hiệu quả mọi người phải chấp hành, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan thú y khi nuôi chó, mèo ở trong nhà. Chó nuôi không được thả rông ra đường, khi thả chó ra đường phải đeo rọ mõm và nhất thiết phải tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo nuôi.
Khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại cần phải tiêm đủ liều theo chỉ định của nhân viên y tế, tiêm đúng liều lượng, đúng kỹ thuật. Trong thời gian tiêm, không được uống rượu, bia và không dùng các chất kích thích khác, không sử dụng các thuốc kháng viêm thuốc làm giảm miễn dịch trong khi tiêm và 6 tháng sau khi tiêm vắc xin phòng bệnh dại.
Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh dại, đến nay chưa có thuốc đặc hiệu chữa bệnh dại lên cơn. Do đó tiêm kháng huyết thanh và vắc xin dại là cách duy nhất cấp cứu có hiệu quả cho người bị súc vật nghi dại cắn.
Thu Ngân (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật)
Ý kiến bạn đọc