60 năm vượt khó, làm tròn sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng
BHG - Ngày 13.4.2024 ghi dấu chặng đường vẻ vang của Báo Hà Giang tròn 60 năm xây dựng, trưởng thành và cống hiến. Xuyên suốt hành trình ấy, Báo Hà Giang không ngừng vượt khó, đổi mới, sáng tạo để tiếp nối sứ mệnh vẻ vang của báo chí Cách mạng Việt Nam “Phấn đấu vì một nền báo chí Cách mạng giàu tính chiến đấu, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại; luôn gắn bó máu thịt, phấn đấu hết mình cho lợi ích của Tổ quốc và Nhân dân”.
Báo in bứt phá
Ngược dòng lịch sử, cách đây 60 năm, ngày 13.4.1964, BTV Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết chuyên đề số 11 về việc nâng tờ “Tin Hà Giang” lên thành “Báo Hà Giang” và chính thức thành lập cơ quan Báo của Đảng bộ Đảng Lao động Việt Nam tỉnh Hà Giang. Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, số Báo Hà Giang đầu tiên ra mắt bạn đọc và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Ngày 13.4.1964 trở thành mốc son lịch sử về ngày thành lập Báo Hà Giang và ra số đầu tiên. Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, Báo Hà Giang đã có những bước tiến vượt bậc, đồng hành vì Hà Giang phát triển. Nếu như năm 1964, Tòa soạn chỉ xuất bản 4 kỳ/tháng với số lượng phát hành 700 tờ/kỳ thì nay, Báo Hà Giang phát hành 5 kỳ/tuần với số lượng phát hành lên đến hơn 9.000 tờ/kỳ.
Nhóm tác giả của Báo Hà Giang đoạt giải C Giải Búa liềm vàng lần thứ VIII, năm 2023. Ảnh: TL |
Đặc biệt, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh, sự đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của Chi ủy Chi bộ, Ban Biên tập; giai đoạn từ năm 2014 đến nay, Báo Hà Giang không ngừng bứt phá, khẳng định vị thế báo Đảng địa phương, trở thành “món ăn” tinh thần quan trọng của bạn đọc xa, gần. Nổi bật trong đó, năm 2020, Báo Hà Giang được đầu tư in màu trang 1 và trang 4, tạo diện mạo mới ấn tượng hơn thay vì 2 màu đen, trắng như trước. Năm 2021, trong bối cảnh khó khăn chung từ tác động tiêu cực của đại dịch toàn cầu Covid-19, có thời điểm, nhiều phòng chuyên môn như Thư ký – Xuất bản, Phóng viên buộc phải giãn cách xã hội vì quá nửa số thành viên trong phòng mắc Covid-19. Thế nhưng, cũng trong thời điểm ấy, Báo Hà Giang đã vận hành mô hình Tòa soạn điện tử theo hướng hội tụ, dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin. Đây chính là “chìa khóa vàng” để Báo Hà Giang xuất bản đúng định kỳ, định hướng. Bởi, trong điều kiện khó khăn bất khả kháng của đại dịch Covid-19, nếu tổ chức mô hình tòa soạn truyền thống, rất có thể huyết mạch thông tin bị gián đoạn. Nhưng với mô hình Tòa soạn điện tử đã tạo không gian làm việc hội tụ ảo, kết nối mọi người cùng đưa ra góp ý, thảo luận tin, bài, ảnh trên một cửa sổ làm việc duy nhất. Từ đó, giúp các bộ phận nghiệp vụ dễ dàng theo dõi toàn bộ quá trình phê duyệt tin, bài; giúp Ban Biên tập có thể xem, theo dõi và đưa ra ý kiến chỉ đạo ngay tức thì.
Báo điện tử chuyên nghiệp, hiện đại
Phóng viên Báo Hà Giang điện tử tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Phương Thùy |
Năm 2007, Báo Hà Giang điện tử ra đời chỉ là 1 trang web tổng hợp, thì năm 2018 đã chính thức được Bộ Thông tin – Truyền thông cấp Giấy phép hoạt động Báo Điện tử vào tháng 11.2019. Đến đầu năm 2022, Báo Hà Giang điện tử tiếp tục được đầu tư nâng cấp, giao diện mới, xây dựng phòng thu hiện đại để phục vụ sản xuất các chương trình phát thanh, truyền hình online. Điều này không chỉ giúp Báo Hà Giang điện tử bắt kịp tốc độ phát triển của công nghệ thông tin, xây dựng website theo xu hướng đa phương tiện, phục vụ đa đối tượng mà còn góp phần nâng cao vị thế, uy tín của báo Đảng địa phương, đáp ứng yêu cầu thông tin tuyên truyền trong kỷ nguyên số.
Trung bình mỗi ngày, Báo Hà Giang điện tử có khoảng 20.000 - 30.000 lượt người truy cập. Riêng trang Fanpage Báo Hà Giang có trên 24.000 người theo dõi. Ngoài ra, Báo Hà Giang điện tử còn phát sóng trực tiếp các sự kiện quan trọng của tỉnh qua trang Fanpage, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ thông tin thời sự đến bạn đọc. Ấn tượng hơn, phần lớn nhân sự của Phòng Báo điện tử đều không được đào tạo chuyên nghiệp để trở thành kỹ thuật viên, phát thanh viên, dẫn chương trình truyền hình. Nhưng từ định hướng của Ban Biên tập, đội ngũ này đã phát huy tinh thần tự học, tự đổi mới, sáng tạo để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều chuyên mục mới như: Checkin Hà Giang, Talk Hà Giang, Điểm tin cuối tuần, Đọc truyện hay các bài viết E-magazine trở thành món ăn tinh thần độc đáo, hấp dẫn bạn đọc.
Phóng viên Báo Hà Giang điện tử tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Lê Quyên |
Mới đây, Báo Hà Giang đã được Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông) cấp phép mở Báo Hà Giang điện tử phiên bản tiếng Anh. Đây chính là bước ngoặt quan trọng cho thấy sự phát triển năng động, hiện đại của Báo Hà Giang trên hành trình quảng bá, giới thiệu tiềm năng, thế mạnh của tỉnh nhà đến với độc giả, bạn bè trong nước và quốc tế.
Dấu ấn vẻ vang
Hiện nay, Báo Hà Giang có 5 phòng chuyên môn, gồm: Thư ký – Xuất bản, Phóng viên, Điện tử, Hành chính – Trị sự, Bạn đọc – Tư liệu – Thư viện với tổng số 50 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Mặc dù nguồn nhân lực phóng viên biên chế còn thiếu (chỉ có 8 phóng viên biên chế trên tổng số 24 phóng viên, cộng tác viên hợp đồng), địa bàn tác nghiệp rộng, nhiều khó khăn nhưng có thể khẳng định, dù ở giai đoạn cách mạng nào, Báo Hà Giang cũng luôn nỗ lực vượt khó, bám sát tôn chỉ mục đích, đổi mới nội dung, hình thức nhằm bắt kịp xu hướng phát triển của báo chí hiện đại. Đội ngũ người làm báo không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để ngòi bút trở thành vũ khí sắc bén trong sự nghiệp “gạn đục khơi trong”, dâng hương sắc cho đời.
Phóng viên Báo Hà Giang tác nghiệp tại cơ sở. Ảnh: Mai Ánh |
Chỉ trong 2 năm gần đây, Báo Hà Giang nhiều lần vinh dự được xướng tên tại các lễ trao giải báo chí danh giá cấp quốc gia như: Giải C Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Búa liềm vàng) lần thứ VIII năm 2023; giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân (Giải Diên Hồng) lần thứ Nhất năm 2022 và giải C Giải Diên Hồng lần thứ II năm 2023; giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc về công tác Đoàn và phong trào thanh, thiếu nhi năm 2023; cơ quan Báo Hà Giang được Quốc hội tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc tham gia Giải Diên Hồng lần thứ II năm 2023.
Không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Báo Hà Giang còn tích cực tham gia các hoạt động an sinh xã hội. Nổi bật trong đó, Báo Hà Giang đã tuyên truyền vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm, doanh nghiệp quyên góp ủng hộ, “đỡ đầu” các xã đặc biệt khó khăn; huy động nguồn lực xã hội hóa lên tới hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ sinh kế, nhu yếu phẩm, xây dựng cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, cải thiện đời sống nhân dân.
Chặng đường lịch sử 60 năm xây dựng, trưởng thành và cống hiến, Báo Hà Giang vinh dự được Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành T.Ư và tỉnh tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Cờ Thi đua “Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua năm 2007” của Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước; được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc năm 2023; được BCH Đảng bộ tỉnh tặng bức Trướng “Phát huy truyền thống báo chí cách mạng, đổi mới, trí tuệ, có tâm, có tầm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Đảng giao”…
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc