Ứng dụng phương pháp lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh
BHG - Đột quỵ (ĐQ) là một trong những bệnh nguy hiểm và ngày càng xuất hiện nhiều trong cuộc sống. Một trong số các ĐQ phổ biến là nhồi máu não, bệnh thường do tắc nghẽn mạch hoặc do co thắt mạch máu não. Nếu không được điều trị can thiệp kịp thời, sẽ không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng mà còn để lại những hậu quả cho bệnh nhân và gánh nặng cho gia đình về sau.
Trao đổi với chúng tôi, các y, bác sỹ Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, những năm qua, tỷ lệ bệnh nhân ĐQ ở Hà Giang ngày càng tăng. Với khoảng cách xa từ Hà Giang xuống Hà Nội, nơi có các bệnh viện hàng đầu về điều trị ĐQ, gần như không thể di chuyển các bệnh nhân nặng vì có thể gây nguy hiểm cho người bệnh. ĐQ não đối với các trường hợp tắc nghẽn mạch, không cấp cứu kịp thời, mỗi phút sẽ có 2 triệu tế bào thần kinh mất đi. Bác sỹ Trần Minh Chương cho biết: Trong “thời gian vàng”, khoảng 6 tiếng sau khi xảy ra ĐQ, bệnh nhân cần được can thiệp sớm để mang đến cơ hội cứu sống hoặc hồi phục sau điều trị. Như trường hợp của bệnh nhân T.T.N, ở thị trấn Vinh Quang, Hoàng Su Phì thời gian qua, bị ĐQ nhồi máu não và được đưa ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu kịp thời bằng phương pháp can thiệp lấy huyết khối. Sau can thiệp, bệnh nhân thoát khỏi nguy hiểm, sức khỏe hồi phục, ổn định.
Các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện một ca can thiệp lấy huyết khối trong điều trị đột quỵ nhồi máu não. |
Dựa trên cơ sở hạ tầng kỹ thuật, máy máy móc hiện đại được tỉnh quan tâm đầu tư, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cử bác sỹ đi học phương pháp can thiệp lấy huyết khối trong điều trị ĐQ nhồi máu não cấp. Đây là một kỹ thuật rất tiên tiến, đòi hỏi y bác sỹ phải có kỹ thuật tay nghề cao. Được biết, từ tháng 10.2022, bác sỹ Trần Minh Chương, Khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người đầu tiên được cử đi học ứng dụng kỹ thuật này từ Bệnh viện T.Ư Quân đội 108. Cùng với sự tích cực học hỏi, bác sỹ Chương còn thường xuyên được lĩnh hội các kinh nghiệm, kỹ thuật từ chuyên gia ở các bệnh viện hàng đầu T.Ư, như các thầy thuốc Lê Văn Trường, Phó Giám đốc, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; các chuyên gia bác sỹ đầu ngành Nguyễn Trọng Tuyển, Lương Tuấn Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Can thiệp tim mạch Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 và nhiều y, bác sỹ có kinh nghiệm khác.
Với sự đam mê công việc, sự động viên của lãnh đạo bệnh viện và khoa, cộng với sự hỗ trợ từ xa qua công nghệ thông tin từ các chuyên gia bệnh viện tuyến trên, bác sỹ Trần Minh Chương và các y, bác sỹ đã thực hiện can thiệp cấp cứu cho ca bệnh ĐQ não đầu tiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 4.2023. Vừa học từ thầy, vừa tự học tập, nghiên cứu không ngừng để nắm bắt các tình huống khó, phức tạp. Đến nay, bác sỹ Trần Minh Chương và các đồng nghiệp, kỹ thuật viên đã can thiệp lấy huyết khối trong điều trị ĐQ não cho 33 bệnh nhân. Được biết, do các ca bệnh đưa đến cấp cứu nặng, nhẹ khác nhau, thời gian đưa đến bệnh viện cấp cứu có kịp thời hay không, có người đã qua “thời gian vàng” dẫn đến khả năng cứu chữa hạn chế. Nhưng qua 33 ca can thiệp bằng phương pháp lấy huyết khối trong điều trị ĐQ não, mang lại những thành công đáng ghi nhận, hơn 70% số bệnh nhân được can thiệp thành công, hồi phục tốt.
Bác sỹ Trần Minh Chương (người ngồi đầu) và đồng nghiệp đang trao đổi về tình trạng một bệnh nhân đột quỵ nhồi máu não. |
Bác sỹ Trần Minh Chương chia sẻ, hiện nay việc nhiều gia đình vẫn chưa hiểu biết rõ về bệnh ĐQ, chưa xử lý đúng cách, chưa đưa bệnh nhân đến bệnh viện trong “thời gian vàng” để kịp thời can thiệp. Đó là một trong những khó khăn cho quá trình can thiệp cấp cứu, điều trị.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Văn Giao, Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong số những tỉnh miền núi, trung du đến nay chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ triển khai can thiệp lấy huyết khối trong điều trị ĐQ não. Hà Giang là một trong những tỉnh miền núi đi đầu triển khai phương pháp tiên tiến này, ngay đến Tuyên Quang, tỉnh có điều kiện hơn Hà Giang cũng chưa triển khai. Điều này mang đến cơ hội lớn để cấp cứu và phục hồi cho bệnh nhân ĐQ ở Hà Giang.
Được biết, bác sỹ Trần Minh Chương là một bác sỹ trẻ. Năm 2016, anh về công tác tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh với chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Bác sỹ Chương cho biết, qua những lần thực tế tại các bệnh viện tuyến T.Ư, thấy các thầy thực hiện các kỹ thuật khó để cấp cứu bệnh nhân, tôi rất tâm đắc và khâm phục. Qua đó, mong muốn ứng dụng các kỹ thuật can thiệp khó về Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Những ngày đầu trực tiếp được đứng trong phòng phẫu thuật cùng các thầy, nhìn vào những huyết mạch hiện lên màn hình máy chụp số xóa nền thấy rất phức tạp. Nhưng học và thực hành thành quen, đến nay ê kíp thực hiện kỹ thuật lấy huyết khối trong điều trị ĐQ não của Bệnh viện Đa khoa tỉnh được đào tạo gồm 2 bác sỹ làm can thiệp và 2 kỹ thuật viên, sẵn sàng thực hiện cấp cứu khi có bệnh nhân.
Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối trong điều trị ĐQ não là kỹ thuật rất khó, nhưng thêm một khó khăn nữa là bộ dụng cụ phẫu thuật khá đắt tiền, giá tiền có thể lên đến cả trăm triệu đồng/bộ và chủ yếu chỉ dùng 1 lần để đảm bảo hiệu quả cấp cứu, dụng cụ này cũng nằm ngoài danh mục bảo hiểm. Do đó, đây là một khó khăn khi bệnh nhân không phải ai cũng có điều kiện. Trăn trở hơn, khi có những ca dù đã có sự tận tình của y, bác sỹ, sự tư vấn trực tuyến từ các chuyên gia T.Ư, nhưng vì những yếu tố như bệnh nhân đến cấp cứu muộn, tính chất phức tạp của ca bệnh dẫn đến sự hạn chế hiệu quả sau can thiệp. Bác sỹ Trần Minh Chương tâm sự, những lúc ấy về nhà trằn trọc, mất ngủ, tự vấn lại từng quy trình kỹ thuật đã làm để có thể làm tốt hơn trong những ca sau.
Trước các ca bệnh ĐQ ngày càng nhiều hơn, việc mạnh dạn ứng dụng các kỹ thuật khó để mở “cánh cửa sống” cho bệnh nhân là điều không dễ dàng. Nhưng nhờ sự quan tâm của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, nhờ những bác sỹ tận tâm với nghề, cùng với sự đầu tư máy móc, thiết bị y tế chuyên sâu của tỉnh, cơ hội trở lại cuộc sống bình thường cho những bệnh nhân đã được mở ra. Từ đó, càng khẳng định vai trò “lương y như từ mẫu” của những y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Giang.
Bài, ảnh: HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc