“Gieo chữ, trồng người” nơi biên cương: Kỳ 2: Thúc đẩy giáo dục vùng khó vươn lên

13:54, 31/12/2023

BHG - Muốn phát triển giáo dục (GD) một cách toàn diện, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, nơi GD còn gặp không ít những khó khăn cần “nhìn thẳng” và “làm thật”. Từ đó có những chủ trương, chính sách kịp thời, phù hợp. Những năm qua, nhờ thực hiện có hiệu quả các chính sách về GD, bức tranh GD tỉnh biên giới Hà Giang đã chuyển biến tích cực. Đến nay, mạng lưới, quy mô trường lớp được củng cố, phát triển, đáp ứng được nhu cầu học tập của con em trên địa bàn.

Từ những chủ trương đúng đắn

 Huyện Đồng Văn tích cực kêu gọi xã hội hóa GD nhằm tăng cường thể chất cho học sinh vùng đồng bào DTTS.
Huyện Đồng Văn tích cực kêu gọi xã hội hóa GD nhằm tăng cường thể chất cho học sinh vùng đồng bào DTTS.

Chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển GD vùng đồng bào DTTS, miền núi từ thời kỳ đổi mới đến nay được thể hiện rõ qua văn kiện các kỳ Đại hội và chỉ thị, nghị quyết chuyên đề của Đảng. Tại Hà Giang, Nghị quyết của Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 85% nhà giáo đạt chuẩn, 60% trường đạt chuẩn Quốc gia; tỷ lệ phòng học kiên cố cấp mầm non đạt gần 69%, tiểu học trên 67%, THCS đạt 99% và THPT 99,68%. Trên 95% trẻ hoàn thành chương trình GD mầm non thành thạo tiếng Việt; huy động trên 99,5% trẻ 5 tuổi đến trường, trên 99,6% trẻ 6 tuổi vào lớp 1, trên 99% học sinh (HS) hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6; hằng năm có 98% HS chuyển lớp; 30% HS tốt nghiệp THCS, 35% tốt nghiệp THPT tiếp tục học tập tại cơ sở GD nghề nghiệp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, cao đẳng...

Thực hiện mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, đề án, kế hoạch và triển khai các giải pháp phát triển GD. Đặc biệt, vừa qua tỉnh xây dựng Đề án nâng cao chất lượng GD giai đoạn 2023 - 2030. Mục tiêu của đề án là nâng cao chất lượng GD nhằm phát triển phẩm chất, năng lực HS; tăng cường dạy tiếng Việt cho trẻ mầm non, HS tiểu học vùng DTTS; xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên (GV) chuẩn về trình độ, có năng lực chuyên môn, tâm huyết, trách nhiệm, tận tụy với nghề; tăng tỷ lệ huy động trẻ em đến trường và vào học THPT, giảm tỷ lệ lưu ban, bỏ học.

Ngày 25.8, tỉnh đã tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng GD nhằm triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Trong bài phát biểu tại hội nghị, Quyền Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Dũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến thực trạng GD Hà Giang còn yếu kém. Đồng thời, đồng chí cũng nhấn mạnh 9 nhóm giải pháp. Trong đó, những giải pháp cơ bản được đề cập đến như: Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về công tác GD; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, phát huy vai trò của hệ thống chính trị đối với công tác GD; củng cố và phát triển mạng lưới, quy mô trường, lớp học; cải thiện điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học; đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý GD, coi trọng quản lý chất lượng; đổi mới tổ chức dạy và học, ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý GD… Ngay sau đó, các huyện, thành phố đã ra nghị quyết chuyên đề về phát triển GD; đồng thời chỉ đạo các đơn vị trường học tổ chức các hội thảo, hội nghị nhằm nâng cao chất lượng GD trên địa bàn. Có thể thấy rõ, tỉnh Hà Giang đã và đang nhìn thẳng, nhìn thật vào thực tế còn yếu kém của GD để đưa ra các biện pháp thúc đẩy phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Phố Bảng (Đồng Văn) tham gia CLB sáo trúc, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS Phố Bảng (Đồng Văn) tham gia CLB sáo trúc, góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc.

Thực tế, từ năm 2020 tỉnh đã thành lập Quỹ Khuyến học - Khuyến tài nhằm hỗ trợ, tạo động lực cho HS, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục nuôi dưỡng ước mơ, phấn đấu trong học tập, góp phần nâng cao dân trí, thực hiện giảm nghèo. Nguồn kinh phí của Quỹ được xã hội hóa hoàn toàn từ các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, trong năm 2023 đã có 1.383 người trên toàn tỉnh được nhận hỗ trợ trong 2 lĩnh vực khuyến học và khuyến tài, tổng số kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ 613 triệu đồng. Trong đó, đối với lĩnh vực khuyến học đã có 1.181 người được nhận hỗ trợ.

Đến những cách làm hay tại cơ sở

Từ những quyết sách đúng đắn của tỉnh, ngành GD và các địa phương trong tỉnh đã thực hiện hàng loạt các chính sách có tính chất đặc thù, có nhiều cách làm hay, nhiều giải pháp hữu ích góp phần phát triển GD cả về quy mô và chất lượng.

Đều đặn 3 tiết/tuần, HS lớp 3 và lớp 4 trên địa bàn huyện Mèo Vạc lại được học trực tuyến môn Tiếng Anh với các GV của Trường Marie Curie (Hà Nội), của tỉnh Lâm Đồng và nhóm Ước mơ xanh. Đồng chí Bùi Văn Thư, Trưởng phòng GD huyện Mèo Vạc cho biết: Theo chương trình GD phổ thông 2018, năm học 2022 - 2023, HS lớp 3 sẽ học Tiếng Anh bắt buộc. Toàn huyện có trên 2.600 HS với 76 lớp 3, tuy nhiên, chỉ có duy nhất 1 GV dạy Tiếng Anh cấp tiểu học. Để đảm bảo HS lớp 3 đều được tiếp cận với môn học bắt buộc này, huyện đã chuyển toàn bộ HS lớp 3 từ điểm trường về học tại trường chính; bố trí 1-2 GV dạy trực tuyến đến tất cả 76 điểm cầu cùng 1 thời điểm. Tuy nhiên, phương án này bộc lộ nhiều hạn chế. Sau đó, trong chuyến tặng sách cho HS vùng cao của thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie, qua trao đổi và tìm hiểu tình hình thực tế, thầy đã giúp gỡ nút thắt cho các nhà trường thông qua việc cử GV dạy Tiếng Anh trực tuyến cho toàn bộ HS lớp 3 của huyện. Đến năm học 2023 – 2024, huyện tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ dạy học theo hình thức trực tuyến này. Nhờ đó đã giải quyết khó khăn về việc thiếu GV, nâng cao khả năng Tiếng Anh cho HS, góp phần nâng cao chất lượng GD và thúc đẩy chuyển đổi số. Sau 1 năm học, có nhiều HS trên địa bàn huyện tham dự các cuộc thi môn Tiếng Anh đạt giải cao.

Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Bắc Quang chăm sóc vườn rau xanh.
Học sinh Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Bắc Quang chăm sóc vườn rau xanh.

Trường PTDT Nội trú THCS & THPT Bắc Quang hiện có 19 lớp với 621 HS là con em các dân tộc trên địa bàn. Những năm qua, để nâng cao chất lượng tốt nghiệp THPT, nhà trường đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả. Thầy giáo Lê Xuân Thắng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là trường đặc thù dành cho con em đồng bào DTTS nên chất lượng đầu vào chưa thực sự đồng đều. Vượt qua khó khăn, tình hình thực tế, nhà trường đã có những cách làm riêng để nâng cao chất lượng GD. Trong đó, chú trọng việc phát huy trí tuệ tập thể, cùng bàn giải pháp trong việc nâng cao chất lượng GD. Trong công tác giảng dạy, lựa chọn những môn chủ đạo để bồi dưỡng, phân loại đối tượng, phân loại học lực, lựa chọn theo khối lớp. Đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá. GV sẽ chủ động xây dựng đề kiểm tra, kiểm tra chất lượng HS, phân loại HS yếu kém để kịp thời có biện pháp. Đồng thời, quan tâm tới giờ tự học của HS, tăng cường kiểm tra trong giờ lên lớp, chủ động kèm cặp HS yếu kém. Nhờ đó, năm học 2022 - 2023, tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp đạt 98,69%.

Là huyện biên giới nghèo của tỉnh, thực tế GD của huyện Đồng Văn còn nhiều hạn chế. Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn, cho biết: Ngay sau khi tỉnh tổ chức Hội nghị nâng cao chất lượng GD, huyện đã tổ chức hội nghị và ra nghị quyết chuyên đề nhằm đánh giá thực tế chất lượng GD trên địa bàn. Trong nghị quyết giao nhiệm vụ cụ thể như: Cấp ủy, chính quyền địa phương vào cuộc tích cực trong công tác vận động học sinh; ngành GD chịu trách nhiệm về chất lượng dạy và học. Huyện cũng tích cực kêu gọi xã hội hóa trong công tác GD. Qua đó sẽ góp phần phát triển GD toàn diện ở cả 4 phương diện “Đức – Trí - Thể - Mĩ”. Hiện, tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào học mẫu giáo và tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào học lớp 1 đạt 100%; tỷ lệ huy động trẻ 6 - 14 tuổi đến trường đạt 99%; tỷ lệ tốt nghiệp THCS đạt 99,7%, tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt 94%.

Có thể nói, với việc triển khai thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp, trong đó có Chương tình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, cùng với Đề án nâng cao chất lượng GD giai đoạn 2023 - 2030, GD Hà Giang đã có những bước chuyển tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu học tập của HS DTTS, góp phần nâng cao trình độ dân trí. Nhờ các chính sách phù hợp, những thầy, cô và HS đã và đang được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đến trường học tập, hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn.

----------------

Kỳ cuối: “Quả ngọt” từ nâng cao chất lượng giáo dục

Bài, ảnh: Thanh Thủy – My Ly

 

 

 


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mèo Vạc thực hiện “ba sạch, hai chống” trong phòng, chống đói, rét cho gia súc

BHG - Từ đầu tháng 10.2023, huyện Mèo Vạc triển khai thực hiện phòng, chống đói, rét cho gia súc theo phương châm “ba sạch, hai chống”.

30/12/2023
“Gieo chữ, trồng người” nơi biên cương: Kỳ 1: “Nhìn thẳng” vào thực tế chất lượng giáo dục

BHG - Trong chiến lược xây dựng và phát triển đất nước, Đảng ta luôn coi giáo dục (GD) là quốc sách hàng đầu; không ngừng đầu tư, nâng cao chất lượng nhằm bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định đây là con đường ngắn nhất để giảm nghèo, thực hiện mục tiêu phát triển KT - XH, tỉnh Hà Giang đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng GD. Nhờ đó, chất lượng GD trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là tại vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có chuyển biến tích cực, mở ra hy vọng về một tương lai tươi sáng cho các em học sinh nơi biên cương Tổ quốc.

30/12/2023
Họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH năm 2023

BHG - Chiều 29.12, Cục Thống kê tỉnh tổ chức Họp báo công bố số liệu thống kê KT-XH năm 2023. Đồng chí Trần Vĩnh Nội, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh chủ trì họp báo. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh.

29/12/2023
Mang tri thức đến lớp học xóa mù chữ ở Thượng Sơn

BHG - Đều đặn vào cuối giờ chiều các ngày trong tuần, Nhà văn hóa thôn Đán Khao, xã Thượng Sơn (Vị Xuyên) lại sáng ánh đèn. Hòa cùng tiếng vang vọng của núi rừng là những tiếng ê a của các học viên trong lớp xóa mù chữ. Các học viên hầu hết đã qua tuổi đến trường, đủ các độ tuổi, giới tính, tất cả đến với lớp học đều có chung một mục đích đó là học chữ. Lớp xóa mù chữ có 34 học viên đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa phương, là người chưa biết đọc, biết viết hoặc tái mù chữ. Với nỗ lực miệt mài "gieo chữ", mang tri thức đến lớp học của các thầy, cô giáo đã giúp bà con đọc thông, viết thạo, thắp lên ngọn lửa hy vọng cho người dân nơi đây.

29/12/2023