Nhân rộng những điểm sáng trong bài trừ hủ tục
BHG - 100% các thôn, tổ dân phố thành lập Tổ vận động bài trừ hủ tục lạc hậu; rà soát, thống nhất những phong tục nào trong việc cưới, việc tang, lễ hội cần xóa bỏ để đưa vào quy ước, hương ước thôn bản; đưa những câu chuyện có thật trong đời sống thành các tiểu phẩm sân khấu hóa để biểu diễn cho bà con xem... là những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong bài trừ hủ tục đang được nhân rộng trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì.
Thôn Lủng Dăm, xã Sán Sả Hồ có 100% dân tộc Nùng sinh sống. Trước đây, trong đời sống của đồng bào còn tồn tại nhiều hủ tục. Đặc biệt, trong việc cưới, số sính lễ mà nhà trai phải mang sang nhà gái bao gồm gạo, rượu, thịt, tiền, đồ trang sức, tổng giá trị trên 30 triệu đồng. Các gia đình thường tổ chức ăn uống linh đình, kéo dài 3 – 5 ngày, giết mổ nhiều gia súc, uống nhiều rượu, vừa gây tốn kém, lãng phí, vừa ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Sau khi Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 về thực hiện xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh, cấp ủy, chính quyền xã cùng Ban cán sự thôn và các nghệ nhân dân gian đã họp bàn, thống nhất cắt giảm những thủ tục rườm rà, lãng phí, nhận được sự đồng tình, ủng hộ lớn trong nhân dân.
Tuyên truyền xóa bỏ hủ tục bằng hình thức sân khấu hóa tại Trường Tiểu học Tân Tiến (Hoàng Su Phì). |
Anh Tráng Văn Nèn, thôn Lủng Dăm chia sẻ: Bây giờ, các gia đình đều tổ chức đám cưới, đám tang gọn nhẹ, không giết mổ nhiều gia súc, không ăn uống linh đình. Các gia đình tự thống nhất số sính lễ mà nhà trai phải mang sang nhà gái trong đám cưới không quá 20 triệu đồng, sính lễ bằng bạc già quy đổi sang tiền mặt, hạn chế việc hai bên nhà trai, nhà gái đưa, đón dâu, uống nhiều rượu. Trong việc tang, giảm tiền công cho thầy cúng từ 7 triệu đồng xuống dưới 4 triệu đồng, giảm số lượng thịt cho thầy cúng từ 20 kg xuống còn 5 kg; giảm số ngày kiêng kỵ từ 3-5 ngày còn 1-2 ngày... 100% số hộ trong thôn đều đồng tình ký cam kết thực hiện. Các gia đình khi có đám cưới, đám tang không còn tình trạng phải lo đi vay mượn để tổ chức như trước đây. Nếp sống mới, văn minh đang dần hiện hữu trong mỗi nếp nhà.
Cùng với cộng đồng người Nùng, các dân tộc khác trên địa bàn huyện cũng tích cực chung tay xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội, đời sống sinh hoạt. Điển hình như với dân tộc Mông, tục kéo vợ, tảo hôn đang dần được xóa bỏ, giảm tiền sính lễ trong đám cưới. Với dân tộc Dao, người chết đưa đi hỏa táng, hạn chế giết mổ nhiều gia súc, gia cầm, giảm số tiền công cho thầy cúng. Với dân tộc Cờ Lao, hạn chế tổ chức linh đình, mổ nhiều gia súc trong các nghi lễ cúng cầu mùa, lễ cúng Hoàng Vần Thùng. Đặc biệt, trong nếp sống sinh hoạt, người dân đã thay đổi thói quen, tư duy, ý thức trong đời sống hàng ngày, không tổ chức cúng bái khi có người nhà ốm đau mà đưa khi khám, chữa bệnh kịp thời; di dời chuồng trại gia súc ra xa nhà; xây dựng 3 công trình vệ sinh...
Cán bộ, công chức xã Nậm Dịch tuyên truyền nhân dân thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang. |
Qua hơn 2 năm thực hiện, đến nay các phong tục, tập quán lạc hậu trong đời sống nhân dân huyện Hoàng Su Phì đã dần được xóa bỏ. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đã có nhiều chuyển biến tích cực, không còn tình trạng thách cưới cao, sính lễ do 2 bên gia đình thỏa thuận, phù hợp với hoàn cảnh, các đám cưới được tổ chức vui tươi, tiết kiệm, lành mạnh đúng với quy định của pháp luật, phù hợp hoàn cảnh gia đình, với phong tục, tập quán, truyền thống văn hóa địa phương; các nghi lễ được đơn giản hóa, gọn nhẹ, thuận tiện. Nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống giảm đáng kể. Các đám tang không tổ chức quá 48 tiếng; số gia súc (trâu, bò, lợn, dê) không giết mổ nhiều; giảm số ngày kiêng kỵ sau đám tang; giảm tiền công, lễ vật cho thầy cúng...
Đồng chí Vàng Đình Chiến, Bí thư Huyện ủy Hoàng Su Phì cho biết: Thực hiện Chỉ thị số 09 và Nghị quyết số 27 của Tỉnh ủy, Huyện ủy đã ban hành Nghị quyết số 10 để cụ thể hóa, quán triệt đến 100% chi bộ, cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chỉ đạo thành lập tổ vận động, ban tang lễ tại 100% thôn, tổ dân phố. Rà soát lại từng phong tục, tập quán theo 4 lĩnh vực: Việc cưới, việc tang, lễ hội, đời sống sinh hoạt của từng dân tộc, từng dòng họ trên địa bàn, sau đó thống nhất những nội dung, thủ tục nào cần xóa bỏ, cải tiến, cắt giảm và đưa vào quy ước, hương ước của thôn, bản để thực hiện. Các dòng họ cũng tích cực vào cuộc chung tay bài trừ hủ tục như dòng họ Hoàng ở xã Ngàm Đăng Vài, xây dựng quy chế thực hiện, nhắc nhở, phê bình các hộ nếu vi phạm... Đến nay, người dân đã nhận thức đầy đủ về những hệ lụy của hủ tục, từ đó chung sức, đồng lòng xây dựng nếp sống văn minh ở cộng đồng dân cư.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc