Vì mục tiêu bình đẳng giới, giảm thiểu mất cân bằng giới tính
BHG - Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là một thách thức trong công tác dân số của nước ta, nếu không được kiểm soát sẽ để lại những hệ lụy không tốt, tác động trực tiếp đến đời sống xã hội, sự phát triển bền vững của đất nước trong cả hiện tại và tương lai. Để nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, vai trò, vị thế của trẻ em gái nói riêng và phụ nữ nói chung, thành phố Hà Giang đã và đang triển khai, thực hiện các giải pháp thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh.
Theo tỷ số giới tính khi sinh ở mức cân bằng tự nhiên là 103 đến 107 bé trai/100 bé gái. Hiện nay, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố Hà Giang đang ở mức 118 bé trai/100 bé gái, con số này cũng đã giảm hơn so với năm 2022. Tuy nhiên, tỷ số giới tính khi sinh cho thấy có xu hướng mất cân bằng giới tính, sự chênh lệch giữa bé trai và bé gái vẫn còn cao. Nguyên nhân do tư tưởng trọng nam hơn nữ còn tồn tại ở một số nơi với quan niệm đẻ con trai để nối dõi, phụng dưỡng cha mẹ khi về già, nhất là địa bàn vùng sâu, vùng xa. Nhiều cặp vợ chồng chấp nhận quy mô gia đình ít con nhưng mong muốn có con trai còn khá nặng nề trong tiềm thức. Cùng với y học hiện đại, một bộ phận người dân có điều kiện kinh tế khá giả đã thực hiện sàng lọc giới tính ngay từ khi bà mẹ mới mang thai. Dấu hiệu mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ đặt ra những hệ lụy trong chiến lược phát triển dân số.
Cán bộ Trạm Y tế xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe cho người dân. |
Nhằm thúc đẩy, nâng cao vai trò của nữ giới, đưa những chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào cuộc sống, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực lao động, sản xuất, văn hóa, xã hội và gia đình, Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Năm 2023, Trung tâm đã tổ chức các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông, hội thảo chuyên đề, truyền tải thông điệp tới người dân một cách rõ ràng, dễ hiểu nhất về chủ đề dân số, bình đẳng giới, kiếm soát mất cân bằng giới tính khi sinh theo chủ đề từng tháng, từng quý, bám sát từng địa bàn cơ sở.
Bên cạnh tuyên truyền miệng, nhờ những tiện ích mà công nghệ số đem lại, đội ngũ cán bộ, cộng tác viên dân số đã đẩy mạnh truyền thông trên các nền tảng mạng xã hội facebook, zalo để phổ biến Luật Bình đẳng giới; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình; Luật Hôn nhân và gia đình... Từ đó, thay đổi nhận thức, hành động của người dân về xóa bỏ hủ tục, xây dựng xã hội bình đẳng, mọi trẻ em trai và trẻ em gái đều được vui chơi, học tập, phát triển thể chất lẫn tinh thần. Đối với các cặp vợ chồng, phụ nữ không bị áp lực bởi tâm lý sinh con một bề.
Bên cạnh các các mô hình đang triển khai tại cộng đồng dân cư như: “Nuôi con khỏe, dạy con ngoan”; “Phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết”; tư vấn khám sức khỏe tiền hôn nhân; các trường học tăng cường giáo dục kỹ năng sống, xây dựng các câu lạc bộ, các buổi sinh hoạt ngoại khóa, trang bị cho học sinh, sinh viên những kiến thức về phòng, chống xâm hại và bạo lực trẻ em; giới tính và sức khỏe sinh sản vị thành niên; các biện pháp tránh thai ngoài ý muốn. Sự tham gia chủ động và tích cực của học sinh, sinh viên giúp các em tự bảo vệ mình và giải quyết được những vấn đề liên quan đến bản thân, có thêm những sáng kiến truyền thông hiệu quả về bình đẳng giới, thắt chặt hơn mối quan hệ giữa học sinh, gia đình và nhà trường trong việc giáo dục, quản lý con em.
Đồng chí Đinh Văn Lưu, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Hà Giang cho biết: “Qua những mô hình, đề án, chương trình nâng cao chất lượng dân số, người dân được tiếp cận với nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe, kế hoạch hóa gia đình tiện lợi và hiện đại. Song để thúc đẩy bình đẳng giới, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của cộng đồng xã hội, từ đó, nhân rộng những mô hình tiêu biểu, cách làm mới nhằm xóa bỏ định kiến giới, xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển KT - XH của địa phương”.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc