Những giáo viên “cắm bản”

09:08, 06/09/2023

BHG - “Người đi gieo chữ, hay những chiến sỹ văn hóa” - đó là những cách gọi thân thương của đồng bào vùng sâu, vùng xa dành cho giáo viên điểm trường đang ngày đêm đem ánh sáng tri thức đến với con em đồng bào các dân tộc.

Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, điểm trường Xín Chải, xã Bản Ngò (Xín Mần), luyện chữ cho học sinh.
Thầy Nguyễn Thanh Tuấn, điểm trường Xín Chải, xã Bản Ngò (Xín Mần), luyện chữ cho học sinh.

Có mặt tại điểm trường Trù Chải, Trường PTDT Bán trú Tiểu học xã Bản Ngò (Xín Mần) khi cô giáo cắm bản Thào Thị Phượng đang trên lớp, tập trung ôn luyện cho học sinh trước khi năm học mới chính thức bắt đầu. Lớp học nằm trên khoảnh đất giữa đại ngàn núi cao. Các trò đang đồng thanh đánh vần theo cô từng chữ cái một cách say sưa. Những ánh mắt ngây thơ, trong trẻo của đám trò nhỏ nhìn lên bảng và đọc theo từng vần chữ cô phát âm. Với đám trẻ nơi đây, việc phát âm Tiếng Việt là một trong những bài học đầu đời. Cứ vậy, cô đọc chữ, trò đọc theo thành những âm thanh vang rộn giữa núi rừng. Gắn bó với nghề gần 30 năm, cô giáo cắm bản Thào Thị Phượng đã dạy chữ cho biết bao con em đồng bào mà chính cô cũng không thể nhớ nổi. Yêu trẻ, yêu nghề giáo đã thôi thúc cô gắn bó với bản làng. Cô Phượng chia sẻ, dạy chữ trên rẻo cao có cái khó riêng! Nhưng nhìn những đứa trẻ biết chữ rồi lớn dần lên và trưởng thành thì lại càng trân quý nghề giáo. Điểm trường Trù Chải hiện có 30 cháu học theo mô hình lớp nhô, nghĩa là cùng thời điểm cô dạy trò từ lớp 1 đến lớp 2. Bản làng cách xa trường chính cả chục cây số đường rừng, nên những điểm trường như thế này sẽ giúp con em đồng bào có điều kiện học tập tốt hơn.

Trời đã sang trưa, nhưng thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn, điểm trường Xín Chải xã Bản Ngò vẫn miệt mài dạy học sinh bảng chữ cái, tiếng đọc đồng thanh của các trò nào là chữ O, chữ A, chữ D được phát âm tròn vành, rõ tiếng. Có được những âm thanh đáng yêu như thế này từ những cô, cậu trò nhỏ chuẩn bị vào lớp 1 là sự tâm huyết, kỳ công của thầy khi luyện Tiếng Việt, luyện bảng chữ cái cho các em ngay từ đầu tháng 8. Theo chia sẻ của thầy Tuấn, cái khó nhất ở các điểm trường hiện nay là cơ sở vật chất thiếu thốn, điều kiện học tập chưa đáp ứng được nhu cầu đổi mới giáo dục. Do vậy, những giáo viên điểm trường rất cần thêm sự chia sẻ, đầu tư nguồn lực của Nhà nước. Nỗ lực và nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để dạy học đó là những điểm chung của giáo viên cắm bản. Điểm trường Xín Chải của thầy Tuấn hiện có 16 học sinh vào lớp 1 trong năm học này. Điều hạnh phúc nhất của những giáo viên vùng cao cắm bản là các em chăm ngoan học tốt, chính vì vậy thầy Tuấn đã 12 năm gắn bó, vượt qua nhiều gian khổ, luôn nỗ lực để ngọn lửa nhiệt huyết luôn bùng cháy!

Cô Thào Thị Phượng, điểm trường Trù Chải, xã Bản Ngò trong giờ lên lớp.
Cô Thào Thị Phượng, điểm trường Trù Chải, xã Bản Ngò trong giờ lên lớp.

Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Xín Mần đã có nhiều cố gắng trong sự nghiệp trồng người. Với địa hình miền núi vùng sâu, vùng xa, vùng cao còn nhiều khó khăn, nhưng bằng sự nỗ lực vượt khó của cán bộ, giáo viên toàn huyện, công tác giáo dục đào tạo có nhiều khởi sắc, tỷ lệ trẻ đến tuổi đi học đến trường đạt 100%. 100% các xã có điểm trường tại thôn, bản và đều có đội ngũ giáo viên nhiệt huyết, có năng lực chuyên môn đối với công tác dạy học và chăm nuôi học sinh. Chia sẻ với chúng tôi, đồng chí Tô Quang Trọng, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Xín Mần cho biết: Đội ngũ giáo viên tại các điểm trường vùng sâu, vùng cao có những đóng góp quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục của huyện; họ là những người ươm mầm tương lai, dạy chữ cho học sinh vùng cao với sự nhiệt huyết và lòng yêu nghề mãnh liệt. Vì thế, đã có nhiều nhân tố điển hình trong công tác giảng dạy và vượt khó của giáo viên điểm trường.

Ngay sau khi trả phép theo quy định của ngành Giáo dục, 4/4 thầy cô tại điểm trường Cốc Cọt, Trường PTDT Bán trú Tiểu học Lao Và Chải (Yên Minh) đã có mặt dọn dẹp lớp học, chỉnh trang khuôn viên… sẵn sàng bước vào năm học mới. Mong muốn lớn nhất của các thầy, cô là năm học này học sinh của điểm trường tiếp tục chăm ngoan và duy trì tốt sỹ số. Cô giáo Lý Thị Hiền cho biết đã chuẩn bị đầy đủ tâm thế cho năm học mới với sự yêu nghề, yêu trẻ.

Năm học 2023-2024, ngành Giáo dục huyện Yên Minh có 54 cơ sở giáo dục, trên 32 nghìn học sinh. Năm học này, chương trình sách giáo khoa mới lớp 4, lớp 8 và lớp 11 được đưa vào giảng dạy. Do vậy, đến nay, mọi công tác chuẩn bị, như: Nhân lực, cơ sở vật chất… đã được ngành Giáo dục huyện chuẩn bị nghiêm túc, đúng tiến độ.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4.11.2013 của BCH T.Ư khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, chất lượng giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng lên theo hướng toàn diện, thực chất, đóng góp quan trọng cho sự phát triển KT-XH của địa phương. Với sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, ngành, sự nghiệp giáo dục ngày càng được đổi mới theo hướng coi trọng phát triển phẩm chất, năng lực của người học, chất lượng các cấp học, bậc học được nâng lên rõ rệt. Tính đến tháng 8 năm 2023, tỷ lệ huy động trẻ 3 - 5 tuổi đi mẫu giáo đạt 98,38%, tăng 3,93% so với năm 2013; tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi đến lớp mẫu giáo đạt 100%, tăng 0,72% so với năm 2013; tỷ lệ huy động trẻ 6 tuổi đi học lớp 1 đạt 99,88%... Trong những thành quả trên, có sự đóng góp không nhỏ của các thầy, cô giáo tại các điểm trường trên địa bàn toàn tỉnh, họ là những bông hoa đẹp trong vườn hoa giáo dục của tỉnh nhà.

Bài, ảnh: Trường Giang


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Cảnh báo tình trạng kích điện tận diệt giun đất
BHG - Trung bình sau mỗi đêm, 2 người đi kích giun có thể thu được từ 15 - 20 kg giun đất loại to, thương lái đến thu mua tại nhà với giá 100 ngàn đồng/kg; một đêm kích giun cho thu nhập cả triệu đồng. Hám lợi trước mắt, một số người vẫn lén lút đi kích giun. Đây là hành vi phá hoại môi trường bởi giun đất đóng vai trò rất lớn trong việc tăng độ phì nhiêu cũng như độ tơi xốp, thông thoáng của đất.
31/08/2023
Lời Bác sáng trong lòng dân: Kỳ cuối: Mãi xứng đáng với lời khen của Bác
BHG - Qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay trên những vùng quê cách mạng, cùng hành trình xây dựng Nông thôn mới không có điểm dừng, bằng bàn tay, khối óc, sức sáng tạo trong lao động, sản xuất của người dân, các xã Vĩ Thượng, Xuân Giang, Tiên Yên, Bằng Lang đang kiến tạo những ngôi làng kiểu mẫu với gam màu của sự no ấm, trù phú, xứng tầm vùng động lực của huyện Quang Bình.
30/08/2023
Những chính sách nổi bật có hiệu lực trong tháng 9/2023
Tháng 9/2023 có nhiều chính sách mới có hiệu lực, trong đó có những chính sách liên quan đến công chức, viên chức như quy định về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức.
30/08/2023
Cấp hơn 1 tỷ đồng hỗ trợ các cá nhân có thành tích trong học tập, công tác năm 2023
BHG - Vừa qua, UBND tỉnh đã ban hành quyết định cấp kinh phí hỗ trợ cho các cá nhân có thành tích trong học tập, công tác từ Quỹ Khuyến học - Khuyến tài tỉnh năm 2023. Theo đó, có 1.383 người trên toàn tỉnh được nhận hỗ trợ trong 2 lĩnh vực khuyến học và khuyến tài, tổng số kinh phí hỗ trợ trên 1 tỷ 613 triệu đồng.
30/08/2023