Khởi sắc phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”
BHG - Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TD ĐKXD ĐSVH) trên toàn tỉnh thời gian qua đã để lại dấu ấn với những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân. Đồng thời, tạo chuyển biến tích cực trong việc xây dựng con người có tư tưởng, đạo đức, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.
Thành đoàn Hà Giang tổ chức Hội thi tuyên truyền xóa bỏ hủ tục, xây dựng nếp sống văn minh. |
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo phong trào “TD ĐKXD ĐSVH”, quá trình triển khai các nội dung của phong trào đã được cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ theo chức năng, nhiệm vụ và đã được lồng ghép, thống nhất giữa các thành viên, các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn. Các cơ quan, đơn vị lồng ghép tuyên truyền các nội dung về “TD ĐKXD ĐSVH” vào các hội nghị, chương trình, công việc của từng đơn vị; tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến trong thực hiện phong trào; phê phán những biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội có ảnh hưởng đến giá trị, đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử của cộng đồng. Nhiều nội dung khi triển khai lồng ghép với các phong trào thi đua khác nên tạo sự lan tỏa sâu rộng, đem lại hiệu quả cao.
Điểm nhấn của phong trào “TD ĐKXD ĐSVH” thời gian qua là việc nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến. Nhiều mô hình gắn với tiêu chí cảnh quan môi trường, giảm nghèo bền vững, đảm bảo an ninh, trật tự... được phát động và nhân rộng như: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh”; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động, sáng tạo”, “Thi đua yêu nước”, “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch”, “Tổ phụ nữ giúp nhau giảm nghèo”... Mỗi mô hình là một bước tiến của phong trào “TD ĐKXD ĐSVH”, vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên được phát huy, nhân thêm những điển hình tiêu biểu ở cộng đồng dân cư. Từ các phong trào thi đua này đã tác động tích cực vào kết quả thực hiện của phong trào “TD ĐKXD ĐSVH”.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân được thực hiện dưới nhiều hình thức đã mang lại hiệu quả thiết thực. Các tổ hòa giải ở các thôn, bản, tổ, khu phố hoạt động có hiệu quả, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, bất hòa xảy ra ngay tại cộng đồng dân cư. Công tác xây dựng Gia đình văn hóa được triển khai đúng trình tự, thủ tục quy định, công khai, dân chủ, mang tính giáo dục cao. Kết quả thực hiện 6 tháng đầu năm có trên 81,4% số hộ dân toàn tỉnh đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” năm 2023; trên 82% số thôn, tổ dân phố đăng ký xây dựng danh hiệu “Làng văn hóa”; 76,6% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tổ chức công đoàn đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa. Cùng với xây dựng gia đình, thôn, khu phố văn hóa, thì xây dựng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội cũng được quan tâm thực hiện.
Điển hình như gia đình bà Nguyễn Thị Nguyên (phường Minh Khai, thành phố Hà Giang) được biết đến là một gia đình văn hóa tiêu biểu, không chỉ vượt khó phát triển kinh tế gia đình, bà Nguyên còn là nòng cốt trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, xây dựng Nông thôn mới. Năm 2021, con đường Cù Chính Lan (phường Minh Khai) được mở rộng, bà cùng các gia đình xung quanh tham gia xã hội hóa để làm đường, không những vậy, khi đường làm xong có đoạn đường tối, không có bóng điện bà đã mua bóng điện thắp sáng và trả tiền điện hàng tháng. Bà Nguyên chia sẻ: “Khi địa phương phát động mở rộng, lát bê tông tuyến đường này, tôi thấy rất thực tế vì sẽ thay đổi suy nghĩ, nhận thức của mỗi người dân trong xây dựng cuộc sống văn minh hơn, con đường mới sạch, đẹp không chỉ giúp mọi người đi lại dễ dàng mà còn là bộ mặt của cả khu phố…”.
Phong trào “TD ĐKXD ĐSVH” trên toàn tỉnh đã để lại dấu ấn bằng những đổi thay tích cực về diện mạo nông thôn, đời sống người dân, ý thức chấp hành pháp luật, thực hiện nếp sống văn minh, vun đắp tình làng nghĩa xóm, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm; các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và phát huy, môi trường văn hóa ở cộng đồng dân cư ngày càng tiến bộ, văn minh.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYÊN
Ý kiến bạn đọc