Đưa chính sách an sinh tới vùng đồng bào dân tộc thiểu số
BHG - Với địa thế là tỉnh miền núi, dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm đa số, BHXH tỉnh đã linh hoạt nhiều giải pháp để chính sách BHXH, BHYT trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người dân.
BHXH huyện Bắc Mê trao quà cho người tham gia BHXH tự nguyện. |
Hố Quáng Phìn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Đồng Văn, 100% là dân tộc Mông. Hằng năm, nhiều người được cấp thẻ BHYT miễn phí từ ngân sách Nhà nước, song bà con vẫn còn khá mơ hồ về chính sách BHYT và BHXH, lại càng không biết đến hình thức BHXH tự nguyện. Mọi thứ thay đổi khi các bài tuyên truyền về chính sách này bằng tiếng Mông đến với bà con nơi đây, thông qua các bản tin phát trên loa phát thanh tại các điểm công cộng ở thôn, bản và loa truyền thanh không dây vào các buổi sáng và chiều hàng ngày… Ông Mua Nhìa Chứ, Trưởng thôn Tả Sán, xã Hố Quáng Phìn chia sẻ: Ở bất cứ nơi đâu, trên nương hay ở nhà chúng tôi đều nghe được giới thiệu về BHYT, BHXH bằng tiếng Mông dễ nghe, dễ hiểu lắm…
Đồng chí Lê Chí Diện, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng BHXH tỉnh nhấn mạnh: Với điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, tập quán canh tác lạc hậu, cùng trình độ dân trí thấp, người dân sử dụng nhiều ngôn ngữ riêng của từng dân tộc dẫn tới việc tiếp cận thông tin trên phương tiện truyền thông rất hạn chế. Do đó, rào cản đầu tiên mà cơ quan BHXH tỉnh phải vượt qua là sự khác biệt ngôn ngữ. Để rút ngắn khoảng cách này, BHXH tỉnh phối hợp với các đơn vị truyền thông tại địa bàn thực hiện các chuyên mục bài phóng sự, đối thoại, bình luận phát sóng trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh về chính sách BHXH, BHYT và chuyển thể sang tiếng Tày, Mông, Dao để đưa thông tin chính sách đến người dân. Bên cạnh đó, BHXH tỉnh còn tổ chức tuyên truyền về chính sách BHXH tự nguyện, BHYT bằng tiếng dân tộc phát trên hệ thống loa truyền thanh tại các thôn, bản, xã, phường, thị trấn và các khu dân cư, tuyên truyền bằng loa không dây tại các phiên chợ. Đồng thời lựa chọn những cán bộ tuyên truyền có khả năng truyền đạt bằng tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán để trực tiếp mang chính sách đến người dân. Ngoài ra cơ quan BHXH còn thông qua trưởng thôn, bản, người có uy tín trong dòng họ, giải thích cho người dân hiểu rõ lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, tăng niềm tin cho đồng bào để tiếp cận các chính sách an sinh của Nhà nước…
Bên cạnh đó, nhiều mô hình sáng tạo để đưa chính sách đến với bà con vùng sâu, xa được cơ quan BHXH vận dụng linh hoạt. Tiêu biểu như BHXH huyện Bắc Quang tổ chức các chương trình giao lưu thể thao, từ đó vận động các cơ quan, tổ chức tại địa phương tham gia đóng góp, hỗ trợ tặng sổ BHXH cho người lao động. BHXH huyện Bắc Mê chia sẻ các thông điệp truyền thông về chính sách BHXH, BHYT thông qua món quà thiết thực như mũ bảo hiểm, ô che, móc chìa khóa xe, quạt … tặng cho người đăng ký tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, nguồn kinh phí tặng quà cho người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình do tập thể đội ngũ viên chức, người lao động tại BHXH huyện Bắc Mê đóng góp, với mong muốn tất cả mọi tầng lớp nhân dân đều có thể tiếp cận chính sách an sinh xã hội.
Việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp của ngành đến với đồng bào DTTS, góp phần tích cực vào ổn định an sinh xã hội, lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng dân cư tại địa phương.
Bài, ảnh: Nhật Lệ (BHXH tỉnh)
Ý kiến bạn đọc