Vai trò của đạo đức trong phòng, chống dịch Covid-19
BHG - Nền văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam với nhiều nét rất đặc sắc, được tôi luyện qua lịch sử và đã tạo nên sức mạnh nội sinh của dân tộc để vượt qua mọi thử thách. Một trong những nét đặc sắc tiêu biểu là “ý thức tuân thủ vì lợi ích của cộng đồng”, luôn tôn trọng và bảo vệ lẽ phải. Ý thức “tuân thủ” trong văn hóa Việt Nam khác biệt với ý thức “tuân thủ” của văn hóa phương Tây ở chỗ nền tảng hình thành văn hóa; “tuân thủ” trong văn hóa phương Tây xuất phát từ việc đề cao tự do cá nhân, còn “tuân thủ” trong văn hóa phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng xuất phát từ việc đề cao vai trò của đạo đức, kết tinh của sự chọn lọc trong triết học phương Đông về rèn luyện của con người: “Tu - Tề - Trị - Bình”, trong đó, đặc trưng của “Tu” là khiêm tốn, lựa chọn, học hỏi, tự giác rèn luyện bản thân để tự thân vươn tới “Chân - Thiện - Mỹ”.
Lịch sử của dân tộc ta, chính yếu tố đạo đức được hình thành từ sự chọn lọc, kế thừa những yếu tố tiến bộ của văn hóa phương Đông, văn hóa phương Tây và được tôi luyện trong đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước đã tạo nên đạo đức trong nền văn hóa Việt Nam, và cũng chính đạo đức là nguồn gốc sức mạnh của dân tộc để vượt qua mọi thử thách. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh coi đạo đức là “cái gốc” của mỗi con người.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đất nước, hội nhập quốc tế trở thành xu thế tất yếu của quá trình phát triển, bên cạnh việc tiếp thu được những tinh hoa văn hóa tốt đẹp của nhân loại, văn hóa Việt Nam cũng phải chịu sự tác động của nhiều yếu tố ngoại lai không phù hợp với bản sắc vốn có, làm phai nhạt một số nét tốt đẹp của nền văn hóa dân tộc ta.
Ngày nay, dù thế giới và thời đại đã khác xưa nhiều, nhưng đạo đức vẫn có giá trị rất to lớn trong mọi hành vi của con người, ngay cả quan niệm của xã hội phương Tây vốn coi tự do cá nhân là trên hết thì qua đại dịch Covid-19, vẫn phải xem xét hành vi của con người thông qua những chuẩn mực đạo đức, đó là ý thức tuân thủ các quy định của xã hội mà hạn chế một số tự do cá nhân như các quy định về giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế giao tiếp, hạn chế đi lại… Hễ ở đâu người dân không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ, nghiêm túc các quy định chung của xã hội thì ở đó phải chịu hậu quả nặng nề của đại dịch.
Thực tế, việc tuân thủ các quy định về phòng, chống đại dịch Covid-19 trong thời gian qua ở nước ta càng chứng minh rõ điều đó. Quá trình chống dịch Covid-19, Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng đã ban hành và tổ chức thực hiện các quy định về phòng chống dịch với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tất cả mọi người dân đều phải có ý thức tự giác thực hiện. Hậu quả của đại dịch còn kéo dài, chưa định được thời điểm kết thúc, dự báo là phải sống chung với dịch Covid–19 lâu dài, nên vấn đề đạo đức xã hội, ý thức tuân thủ các quy định chung của xã hội càng phải được mọi người dân trong cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đặt lên hàng đầu. Nếu ta có những quy định chuẩn mực đạo đức tốt và đúng đến đâu thì vẫn chỉ là các quy định, bản thân các quy định không làm cho mọi người có đạo đức hơn, vấn đề quyết định là ý thức tự giác, đạo đức tuân thủ các quy định chung, thực sự “mình vì mọi người” thì các quy định chung đó mới là chuẩn mực thực tế cho mọi người tự điều chỉnh hành vi của mình. Các hành vi đi ngược lại quy định chung thì phải bị coi là “phá hoại chuẩn mực” và phải bị xử lý bằng công cụ pháp luật.
Trong mục tiêu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam theo định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta không xóa bỏ tự do cá nhân mà ngược lại phát triển tự do cá nhân, nhưng tự do cá nhân mà đất nước ta xây dựng là “tự do cá nhân trong tự do của cộng đồng”, tự do cá nhân chỉ tồn tại khi nó phù hợp với tự do của cả cộng đồng. Trong bối cảnh cả nước chúng ta đang gồng mình chống dịch Covid–19 hiện nay, mỗi con người phải tự giác lựa chọn và tự “tu thân” cho phù hợp với đạo đức xã hội theo tinh thần “mình vì mọi người cũng chính là mình vì mình”.
Triệu Minh Tư (tổ 6, phường Trần Phú, thành phố Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc