Cần tiếp tục tăng cường giải pháp xóa bỏ tình trạng tự tử
BHG - Tự tử là hành vi tự kết thúc sự sống của mình - hành vi tự tử thường là biểu hiện của phản ứng chống đối hay trả thù một cách tiêu cực, tự giết mình để gây ra sự đau khổ cho người thân, hoặc để kẻ thù phải gánh hậu họa. Xét về góc độ văn hóa, đây là hành vi cần sớm được bài trừ. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh xảy ra 389 vụ tự tử, làm 361 người chết, 28 người bị thương; trong đó tỷ lệ cao nhất dân tộc Mông (195 vụ, làm 180 người chết, 15 người bị thương, chiếm 50,1%); dân tộc Dao (68 vụ, 64 người chết, 4 người bị thương, chiếm 17,5%); dân tộc Tày (64 vụ, 59 người chết, 5 người bị thương, chiếm 16,5%).
Ảnh minh họa |
Tính riêng 10 tháng năm 2021 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 98 vụ tự tử làm 99 người chết (tăng 29 vụ và tăng 32 người chết so với cùng kỳ năm 2020). Qua theo dõi, phân tích các vụ tự tử cho thấy, địa bàn xảy ra các vụ tự tử chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí, nhận thức về cuộc sống cũng như hiểu biết về pháp luật của một bộ phận người dân ở những nơi này còn hạn chế, đời sống gặp nhiều khó khăn. Hình thức tự tử bằng treo cổ, ăn lá ngón, uống thuốc trừ sâu, thậm chí dùng vũ khí tự tạo, các vật dụng dùng trong gia đình hàng ngày...
Nguyên nhân căn cơ của việc tự tử là bởi lối ứng xử của một bộ phận đồng bào DTTS còn nặng tính bản năng, thiếu kỹ năng sống, tiêu cực khi xử lý tình huống; người dân thường tìm đến cái chết khi vợ chồng giận nhau, quan hệ tình cảm bị cấm cản; mâu thuẫn gia đình, cộng đồng, khi bị cha mẹ la mắng, xấu hổ, bạo lực gia đình, bị vu oan; các thanh thiếu niên cũng thường tự tìm đến cái chết khi cha mẹ không đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong xã hội hiện đại (như mua sắm điện thoại, xe máy… để trưng diện với bạn bè); kinh tế gia đình khó khăn, nợ nần không trả được; bệnh tật không chữa khỏi; những người tự kết thúc sự sống của mình thường có lối sống khép kín, ít tham gia các hoạt động xã hội; khi phát sinh mâu thuẫn, nếu không được giải quyết kịp thời hoặc bế tắc trong cuộc sống, họ thường tìm đến cái chết; hầu hết các trường hợp tự tử đều có chất xúc tác là rượu, thực tế hiện nay đồng bào dùng rất nhiều rượu, nhà nào cũng nấu rượu để uống, họ lấy rượu làm xã giao, tình trang say rượu trong các lễ hội, đám ma, đám cưới, ngày chợ phiên phổ biến làm ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng nòi giống và an ninh trật tự nông thôn.
Đây thực sự là tiếng chuông cảnh báo, bởi phần lớn những người tự tử là trụ cột, lao động chính đóng góp chủ yếu vào kinh tế gia đình nên để lại gánh nặng về con cái và những khó khăn của gia đình, cộng đồng và xã hội; những đứa trẻ là con của những người tự tử không có nơi nương tựa, thất học, đói nghèo, thậm chí bị vi phạm pháp luật khi chưa thành niên... Vấn nạn tự tử trong cộng đồng DTTS còn trở thành một hiện tượng xã hội phức tạp, tạo nên những hệ lụy xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý xã hội. Đặc biệt, vấn nạn này là một trở ngại đối với sự phát triển của tiến bộ xã hội, là một trong những vấn đề để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Để giảm thiểu vấn nạn tự tử, cần kết hợp giữa luật tục và luật pháp để giáo dục thanh thiếu niên, giúp cho các em có nhận thức đúng đắn về cuộc sống; tích cực lao động, học tập, tránh đua đòi; từng bước giảm tình trạng uống quá nhiều rượu; tổ chức đoàn thanh niên, nhà trường và gia đình cần sâu sát để nắm được diễn biến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con em, học sinh, hội viên của mình; từ đó kịp thời theo dõi, động viên, điều chỉnh khi người thân có biểu hiện buồn chán, muốn tự tử, cần quan tâm đến những gia đình đã có tiền sử về nạn tự tử; đặc biệt cần nghiên cứu phong tục tập quán từng dân tộc để có biện pháp can thiệp giải quyết nạn tự tử bằng luật tục phù hợp. Đồng thời cần lưu ý các nhóm giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và rèn luyện kỹ năng sống: Thông qua các hoạt động giao lưu, đối thoại, để xây dựng động cơ, thái độ và phương pháp rèn luyện kỹ năng sống cho người dân; chú trọng trao đổi kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử, biết yêu quý cuộc sống; tăng cường các hoạt động tập thể, nâng cao vai trò của tổ chức đoàn thể để giải tỏa những vướng mắc, những xung đột cá nhân, bình tĩnh, biết kiềm chế trong cuộc sống và giao tiếp.
Thứ hai, nâng cao năng lực quản lý, củng cố nề nếp kỷ cương, tổ chức kỷ luật theo hương ước, quy ước khoa học và hiệu quả: Xây dựng lực lượng tư vấn tại thôn là những bí thư chi bộ, trưởng thôn, người có uy tín trong đồng bào DTTS có năng lực tham vấn, hướng dẫn kịp thời, giải quyết những vướng mắc khó khăn trong cuộc sống, trong học tập, trong ứng xử, quan hệ bạn bè, hàng xóm nhằm cứu vớt những người gặp bế tắc trong cuộc sống; tăng cường lực lượng quản lý, giáo dục, hình thành câu lạc bộ “Nói không với tự tử” là những người hiểu biết, có tài có tâm, bên cạnh già làng, thôn trưởng làm công tác tư tưởng, giáo dục, uốn nắn lệch lạc; thường xuyên tổ chức giao lưu, đối thoại, củng cố niềm tin vào cuộc sống, tìm hiểu về tâm lý người đồng bào, tâm lý lứa tuổi nhằm nâng cao kỹ năng, kiến thức cho đồng bào DTTS.
Thứ ba, phối hợp tốt với các lực lượng xã hội để giáo dục nâng cao kỹ năng sống: Huy động tất cả các lực lượng cùng phối hợp tham gia với phương châm 3 không: không “khoán trắng”, không “đổ lỗi” cho gia đình hay “đùn đẩy” trách nhiệm cho xã hội; phát huy vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng, “nòng cốt” các tổ chức chính trị, xã hội cơ sở, cùng chung tay góp sức đẩy lùi vấn nạn; các ngành chức năng chủ động hướng dẫn, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể trên địa bàn về đảm bảo công tác an ninh trật tự trên địa bàn; thường xuyên phối hợp với địa phương để nhận biết các thông tin liên quan đến các thôn thường xuyên xảy ra tự tử, các đối tượng dễ bị kích động có ảnh hưởng xấu, có dấu hiệu muốn tự tử; từng địa phương ban hành và thực hiện những biện pháp quản lý, ngăn chặn và chế tài hiệu quả những hoạt động có tác hại đến môi trường văn hóa xã hội, nâng cao hoạt động văn hóa gia đình, giáo dục công dân ở địa phương.
Vấn nạn tự tử là hành vi tồn tại và có chiều hướng gia tăng trong đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và Hà Giang nói riêng, thiết nghĩ tỉnh Hà Giang cần thiết ban hành chỉ thị của BTV Tỉnh ủy về vấn nạn này, có như vậy mới huy động được sức mạnh tổng hợp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Phạm Văn Tú
Ý kiến bạn đọc