Thay đổi căn bản "bức tranh" dân số
BHG - Pháp lệnh Dân số (PLDS) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI thông qua năm 2003 là văn bản pháp lý đặt nền tảng cho công tác quản lý DS của Nhà nước ta. Sau 18 năm đi vào cuộc sống, bức tranh DS tại Hà Giang có nhiều nét chuyển biến tích cực; tốc độ gia tăng DS được kiềm chế, thúc đẩy phát triển KT-XH bền vững.
Người cao tuổi xã Phong Quang (Vị Xuyên) được khám, phát thuốc định kỳ. (Ảnh chụp trước 25.4). |
Để cụ thể hóa các chính sách về DS phù hợp với điều kiện KT-XH của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành theo thẩm quyền nhiều văn bản, triển khai cụ thể hóa các quy định của PLDS trên địa bàn. Là địa phương biên giới có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, tỉnh ta đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, phổ biến nội dung của PLDS đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Các huyện, thành phố cũng linh động lồng ghép tuyên truyền với hình thức, nội dung phù hợp, đa dạng để chính sách, PLDS lan tỏa sâu rộng đến từng người dân. Qua đó, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi và nêu cao trách nhiệm cá nhân trong thực hiện công tác DS – KHHGĐ. Bên cạnh đó, phong trào rèn luyện thân thể, bảo vệ sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh và cải thiện môi trường sống tại cộng đồng được duy trì thường xuyên. Nhiều mô hình, câu lạc bộ nâng cao chất lượng DS tại cộng đồng được hình thành, như: Tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; sàng lọc trước sinh và sơ sinh; nam nông dân thực hiện KHHGĐ…
Đồng chí Nguyễn Công Khanh, Giám đốc Chi cục DS – KHHGĐ tỉnh cho biết: Thời gian qua, lĩnh vực DS của tỉnh được quan tâm, đầu tư về nguồn nhân lực và tài chính. Hiện nay, hệ thống thực hiện công tác DS-KHHGĐ được trải đều từ tỉnh đến từng thôn, xóm. Trong đó, 100% xã, phường, thị trấn đều có cán bộ hoặc kiêm nhiệm làm công tác DS-KHHGĐ; các cộng tác viên DS hoạt động rất tích cực trong tuyên truyền, phổ biến các quy định của PLDS đến nhân dân. Trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ cũng không ngừng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Nguồn lực tài chính để triển khai, thi hành PLDS luôn đảm bảo theo phân bổ của T.Ư. Tỉnh cũng quan tâm bổ sung thêm ngân sách địa phương để hỗ trợ cho công tác DS-KHHGĐ; tranh thủ các nguồn đầu tư về tài chính, kỹ thuật từ các chương trình, dự án về DS, như: Qũy DS Liên Hợp quốc UNFPA, Plan, Marie Stopes International Việt Nam...
Sau 18 năm, nguyên tắc cơ bản của PLDS đều được các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang và công dân tuân thủ, mang lại sự thành công cho công tác DS của tỉnh. Trong đó, dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ ngày càng được mở rộng, nâng cao chất lượng, đáp ứng được những nhu cầu của nhân dân. Hoạt động xã hội hóa sản phẩm KHHGĐ được triển khai tại nhiều địa phương giúp tác động tích cực vào quá trình thay đổi nhận thức, chuyển đổi hành vi của người dân trong sử dụng các biện pháp tránh thai. Từ năm 2003 - 2020, có 473.683 lượt người thực hiện các biện pháp tránh thai mới; đến năm 2020, có 69% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Các chỉ tiêu cơ bản trong công tác DS-KHHGĐ của tỉnh hàng năm đều đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, mức, tỷ lệ giảm sinh hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu, kế hoạch đề ra; tỷ suất sinh thô giảm từ 25,8 (2003) xuống còn 18,65 (2020); tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 1,4%...
Hiện, DS của tỉnh thuộc cơ cấu DS trẻ, có lực lượng lao động dồi dào. Tận dụng giai đoạn “vàng” này, tỉnh ta đã và đang tập trung huy động mọi nguồn lực, kêu gọi đầu tư phát triển KT-XH, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Ban hành, triển khai hiệu quả các chế độ, chính sách hỗ trợ cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào vùng khó khăn ổn định cuộc sống, rút ngắn khoảng cách vùng miền. Đồng thời, đảm bảo cơ cấu độ tuổi, dân tộc, giới tính trong tổ chức chính quyền và các hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội các cấp.
Có thể thấy, 18 năm qua, PLDS đã đáp ứng được các mục tiêu, nâng cao nhận thức, bảo vệ lợi ích hợp pháp của người dân và tăng cường thống nhất vai trò quản lý của Nhà nước về DS. Thời gian tới, để giải quyết được toàn diện những vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố dân cư và chất lượng DS... rất cần sự đồng thuận và tham gia của cả hệ thống chính trị nhằm khắc phục những bất cập, thiếu phù hợp trong PLDS, góp phần thúc đẩy DS và phát triển.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN