Phạm Thị Tân 28 lần hiến máu cứu người
BHG - “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại” xuất phát từ suy nghĩ đó, chị Phạm Thị Tân, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã có 28 lần hiến máu. Từ thực hiện công tác Hội, chị đã gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh qua hành động cụ thể - hiến máu cứu người.
Chị Phạm Thị Tân hiến máu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
“Cứ mỗi lần nhận 1 cuộc điện thoại của người thân bệnh nhân cấp cứu cần xin máu gấp là tôi lại lo lắng. Lo lắng cho bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch, lo lắng không biết mình có kịp thời huy động đủ số máu người bệnh cần không”, đó là chia sẻ chân thành của chị Phạm Thị Tân. Được biết, chị Tân sinh năm 1974, tham gia công tác tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh từ năm 2009. Trong quá trình công tác tại Hội, chị được giao nhiệm vụ phụ trách công tác vận động hiến máu và chị đã gương mẫu đi đầu trong việc hiến máu.
Chị Tân tâm sự: “Trung bình mỗi năm tôi hiến máu 3 lần, chỉ cần đủ điều kiện sức khỏe là tôi lại đi hiến máu. Bởi tôi đã được đi tập huấn đầy đủ về công tác hiến máu, biết rằng hiến máu không có hại cho sức khỏe. Hơn nữa, trong quá trình tham gia hiến máu, tôi gặp rất nhiều trường hợp người bệnh cấp cứu, bệnh nặng được cứu giúp nhờ truyền máu kịp thời. Cho nên tôi tâm niệm rằng, cứ mỗi lần hiến máu là có 1 người sẽ được cứu qua khỏi cơn nguy kịch. Đây là nguồn động lực, là niềm vui của tôi cũng như nhiều tình nguyện viên khác khi tham gia hiến máu”. Tham gia hiến máu cùng chị Tân còn có những người bạn, đồng nghiệp, những người quen trong các lần Hội tổ chức hiến máu. Chị Tân tự hào chia sẻ, chị có hẳn 1 danh sách dài những người đã từng hiến máu, thuộc nhóm máu nào để gọi khi có trường hợp cấp cứu cần máu. Nhờ sự gương mẫu và uy tín của chị, hầu hết các tình nguyện viên đều vui vẻ, sẵn sàng cho máu khi cần.
Chị Tân nhớ lại, trường hợp cho máu cấp cứu gần đây nhất vào đúng lúc dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 tại nước ta. Công tác hiến máu gặp rất nhiều khó khăn do không thể tổ chức được các đợt hiến máu tập trung như trước đây. Trong khi lượng máu dự trữ tại Bệnh viện Huyết học truyền máu Trung ương đã cạn kiệt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh không còn máu dự trữ do thiếu hụt nguồn cung cấp từ Trung ương. Trong giai đoạn này, hầu hết số máu cấp cứu đều phụ thuộc vào những tình nguyện viên tại địa phương. Bên cạnh hoạt động của Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của tỉnh, chị Tân đã nỗ lực giúp đỡ các trường hợp cấp cứu cần truyền máu. Điển hình như trường hợp của một cô giáo bị ung thư, chuyển biến xấu và cần máu để cấp cứu ngay. Nhận được điện thoại nhờ giúp đỡ, chị đã nhanh chóng đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiến máu và liên lạc với những người có cùng nhóm máu đến giúp. Lúc đó, chị có gọi điện thoại cho 1 thầy giáo, mặc dù anh đang bận chuẩn bị vào họp nhưng nghe đó là trường hợp cấp cứu, sợ rằng người bệnh không chờ được nên đã xin phép cơ quan đi hiến máu ngay. Nhờ có những tấm lòng như vậy, đã góp phần giúp cho những người bệnh vượt qua được cơn nguy kịch, có thêm hy vọng sống. Hay như bạn Nguyễn Hồng Anh, ở thành phố Hà Giang là một trường hợp được chị Tân hiến máu cấp cứu. Từ khi học cấp 2, không may bị ngã cầu thang phải vào bệnh viện cấp cứu, nhờ có chị Tân và các tình nguyện viên hiến máu đã giúp Hồng Anh phẫu thuật thành công và phục hồi khỏe mạnh.
Bên cạnh làm công việc thiện nguyện là hiến máu cứu người, chị Tân còn làm tốt công tác Hội. Được giao phụ trách công tác vận động hiến máu, chị đã tham mưu cho lãnh đạo tổ chức được nhiều cuộc hiến máu quy mô lớn trên địa bàn tỉnh. Đáng nhớ như năm 2016, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã tổ chức thành công Chương trình hiến máu “Giọt hồng trên miền đá” kết quả thu được 500 đơn vị máu; góp phần đưa công tác hiến máu trở thành phong trào rộng khắp trên địa bàn tỉnh, nâng cao nhận thức của mọi tầng lớp nhân dân. Từ năm 2019 đến nay, mỗi năm Hội đều tổ chức được 2 đợt hiến máu tại Quảng trường 26/3, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch đến hiến máu. Qua đó, chị đã được cấp trên ghi nhận và nhận được nhiều phần thưởng, khen thưởng của tỉnh.
Chị Tân chia sẻ thêm, mong muốn lớn nhất của tôi là mong mọi người thay đổi nhận thức, không còn sợ đi hiến máu nữa và tích cực tham gia hiến máu để cứu người.
Bài, ảnh: LÊ HẢI