Gia tăng số lượng gia súc nhiễm bệnh viêm da nổi cục và dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh
BHG - Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) và viêm da nổi cục (VDNC), các huyện, thành phố đã thực hiện công bố dịch theo quy định, đồng thời chỉ đạo tổ chức thực hiện các biện pháp kiểm soát và xử lý ổ dịch nhằm tránh lây lan ra diện rộng. Tuy nhiên, hiện nay dịch vẫn diễn biến phức tạp, số lượng gia súc nhiễm bệnh DTLCP và VDNC đang có dấu hiệu gia tăng.
Xã Ngọc Đường, Tp. Hà Giang tích cực phun khử độc nhằm hạn chế lây lan Dịch tả lợn châu Phi |
Cụ thể, toàn tỉnh đã ghi nhận 624 con trâu, bò bị VDNC, phát sinh 104 con nhiễm bệnh từ 16.6 – 22.6 với tổng 447 hộ/157 thôn/48 xã/8 huyện, thành phố. Trong đó, đã tiêu hủy 45 con (trâu 1 con, bò 44 con), trọng lượng 10.438 kg; đã tiêm vắcxin phòng chống dịch cho 43.458 con trâu, bò tại 7 huyện, thành phố. Đã sử dụng 1.961 lít hóa chất, 8.525 kg vôi bột và 254 lít hóa chất diệt ve mòng để tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng tại các hộ chăn nuôi có gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; đồng thời tổng vệ sinh, phun thuốc sát trùng toàn bộ các vùng có nguy cơ cao, xung quanh hộ chăn nuôi có gia súc bị bệnh, khu vực tiêu hủy gia súc mắc bệnh.
Đối với DTLCP, đến thời điểm hiện nay, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 605 con, tăng 79 con từ ngày 15 - 22.6, tại 55 hộ/12 thôn/7 xã trên địa bàn huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, trọng lượng đã tiêu hủy là 28.695 kg. Đã sử dụng hóa chất tại vùng dịch là 1.754 lít và 32.975 kg vôi bột (thành phố 1.710 lít, 32.850 kg vôi bột; Vị Xuyên 24 lít, 125 kg vôi bột) để phun tiêu độc khử trùng chuồng trại và khu vực tiêu hủy. Thành lập 2 chốt kiểm dịch động vật tạm thời trên địa bàn xã Ngọc Đường, phường Ngọc Hà, Tp. Hà Giang.
Để hạn chế số lượng gia súc lây lan bệnh VDNC và DTLCP, Sở NN&PTNT yêu cầu các địa phương có dịch cách ly toàn bộ gia súc chưa có biểu hiện của bệnh VDNC, nuôi nhốt trâu, bò tại các khu vực có gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm phòng khẩn cấp cho đàn trâu bò khỏe mạnh tại xã có dịch và các địa bàn có nguy cơ cao. Khoanh vùng dịch, xã có dịch và lập chốt tạm thời để kiểm soát việc vận chuyển gia súc ra, vào các xã có dịch; trường hợp cần thiết thành lập đội kiểm soát lưu động để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý các trường hợp cố tình vận chuyển gia súc ra, vào xã có dịch. Đối với địa phương chưa có dịch tăng cường giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp gia súc có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh; triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định; xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp. Đồng thời hướng dẫn chủ chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chủ động phòng dịch; tổ chức tổng vệ sinh, sát trùng, tiêu độc chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát…
Tin, ảnh: HC