Bài trừ hủ tục để giảm nghèo bền vững
BHG - Hà Giang là tỉnh miền núi, biên giới, với 19 dân tộc cùng chung sống, trình độ dân trí còn hạn chế, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo khá cao. Theo tìm hiểu, nghiên cứu và đánh giá thì một trong những nguyên nhân chính dẫn đến nghèo, lạc hậu là vẫn còn những hủ tục tồn tại, len lỏi trong từng dân tộc, dòng họ, gia đình.
Người dân xã Lũng Pù (Mèo Vạc) tích cực chăn nuôi phát triển kinh tế. |
Những năm gần đây, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, KT-XH nói chung, trình độ dân trí nói riêng của đồng bào đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua tìm hiểu thực tế cho thấy, trong cuộc sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở tỉnh ta như Mông, Dao, Nùng, Tày, Giáy... vẫn còn tồn tại một số tập quán được lưu truyền từ lâu đời, được nhân dân sử dụng một cách thuần thục và trở thành thói quen trong đời sống xã hội, nhất là những tập quán trong ma chay, cưới hỏi, nhiều tập quán được lưu giữ tạo nên bản sắc văn hóa tốt đẹp của từng dân tộc. Tuy nhiên, trong các tập quán đó có một số tập quán không còn phù hợp với xu thế hiện nay, biến tướng thành hủ tục gây mất an ninh, trật tự, làm tốn kém lãng phí, mất vệ sinh môi trường, ảnh hưởng đến sự phát triển nòi giống của đồng bào các dân tộc và dẫn đến đói, nghèo. Trong đó, nổi cộm là tình trạng “cướp vợ”, tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; thách cưới cao, tổ chức đám cưới, đám tang dài ngày, giết mổ nhiều gia súc, gia cầm; quá coi trọng lễ nghi, cúng bái tới mức mê tín dị đoan...
Theo đánh giá của nhóm tác giả Đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào DTTS tỉnh Hà Giang”: Hiện, tình trạng tảo hôn có chiều hướng gia tăng, theo thống kê từ năm 2015 – 2020 toàn tỉnh có 40.631 cặp kết hôn, trong đó có 2.947 cặp tảo hôn, chiếm 7,25%; kết hôn cận huyết thống có 69 cặp, chiếm 0,17%; tình trạng “cướp vợ” xuất hiện trở lại rất dễ bị các đối tượng xấu lợi dụng thực hiện các hành vi buôn bán người; đặc biệt, hiện nay ở các đám cưới xuất hiện tình trạng tổ chức ăn bữa trước ngày cưới quá nhiều mâm, đua nhau làm cỗ to gây bức xúc trong dư luận, lãng phí và tốn kém về kinh tế. Trong việc tang còn tổ chức dài ngày, có đám để quá 48 tiếng đồng hồ, thậm chí có nơi để đến 5-7 ngày; việc phúng viếng, đi lễ, trả lễ trong tổ chức đám tang của người Mông, Tày, Giáy… còn rườm rà, tốn kém, lãng phí; đặc biệt vẫn còn có dòng họ chưa thực hiện việc liệm người chết vào áo quan (theo tìm hiểu được biết trong dân tộc Mông ở Mèo Vạc có khoảng 10 dòng họ chính và hơn 200 chi họ khác nhau thì có tới hơn 150 chi họ chưa đưa người chết vào áo quan)…
Đồng chí Sùng Minh Sính, Bí thư Đảng ủy xã Lũng Pù, Mèo Vạc cho biết: Xã có 959 hộ, với 5.479 nhân khẩu, trong đó dân tộc Mông chiếm 97,17% dân số toàn xã; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn khá cao mà một trong những nguyên nhân là do các hủ tục như việc thách cưới cao, đám ma kéo dài tốn kém, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã ăn sâu trong tư duy, đời sống của nhân dân nơi đây, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống vật chất, sức khỏe của người dân, gây ra những khó khăn, những vấn đề nổi cộm về nuôi con, phát triển kinh tế, tiếp cận các dịch vụ văn hóa, học tập của đồng bào. Nhiều trường hợp bố mẹ chỉ cho con học đến lớp 9 rồi bắt nghỉ học để lấy vợ, lấy chồng dẫn tới sinh con còi cọc, bệnh tật, ốm yếu rất khó khăn trong việc chăm sóc, học hành sau này...
Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh ủy – Chủ nhiệm Đề tài khoa học “Nghiên cứu thực trạng và giải pháp bài trừ một số tập tục lạc hậu trong đồng bào các DTTS Hà Giang” cho biết: Những hủ tục, phong tục lạc hậu chủ yếu là do phong tục, tập quán của đồng bào đã hình thành từ lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác; công tác tuyên truyền, vận động có lúc, có nơi chưa được quan tâm thường xuyên, liên tục, thiếu kiểm tra, giám sát; việc thực hiện hương ước, quy ước chưa nghiêm, chế tài xử lý chưa đủ sức giáo dục, răn đe; tư tưởng người dân không muốn thay đổi tập quán, xóa bỏ hủ tục, phong tục lạc hậu, nhất là các nghi lễ trong tang ma, cưới hỏi; một số cán bộ, đảng viên chưa thực sự gương mẫu, chưa phát huy hết vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn, trưởng dòng họ, Hội nghệ nhân dân gian, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động người thân, dòng họ và nhân dân bài trừ các hủ tục, phong tục lạc hậu; do đồng bào DTTS sinh sống ở vùng sâu, xa, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ không biết chữ phổ thông, mù chữ còn cao... Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đói nghèo còn đeo bám dai dẳng đối với đồng bào các DTTS tại tỉnh ta. Vì vậy, muốn giảm nghèo bền vững, thì cùng với những cơ chế, chính sách, sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của tỉnh, việc xóa bỏ các hủ tục cũng là trực tiếp góp phần giảm nghèo bền vững.
Bài, ảnh: VĂN NGHỊ