Ngôi trường trên rẻo cao Xín Mần
BHG - Trường Tiểu học xã biên giới Xín Mần (Xín Mần) quanh năm sương mù bao phủ; đường đến trường nhiều gian nan. Nhưng từ hàng ngày thầy và trò nơi đây vẫn cần mẫn đến trường, nỗ lực vượt khó để đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập.
Cô giáo và học sinh Trường Tiểu học Xín Mần chăm sóc vườn rau tập thể. |
Đi dọc con đường biên giới, chúng tôi đến Trường Tiểu học xã Xín Mần, trước mắt là những phòng học, phòng bán trú khang trang với đầy đủ cở sở vật chất. Thầy Mai Văn Cầu, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Trường Tiểu học Xín Mần tiền thân là Trường PTCS Xín Mần được thành lập từ năm 1994. Nhà trường hiện có 20 cán bộ, giáo viên, nhân viên, 192 học sinh, gồm 8 lớp ở trường chính và 2 điểm lẻ. Những năm qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nhiều, nhận thức của phụ huynh học sinh được nâng lên, họ quan tâm hơn tới việc học hành của con em mình. Không chỉ dành thời gian đưa con, em đến lớp, bà con còn rất nhiệt tình ủng hộ, đóng góp ngày công tu sửa trường, lớp học, vệ sinh khuôn viên nhà trường.
Với sự cố gắng, nỗ lực của thầy và trò nhà trường, sự đồng lòng ủng hộ của các bậc phụ huynh, chất lượng dạy và học không ngừng được nâng cao. Năm học 2019-2020 trường đã duy trì tốt sĩ số học sinh hàng ngày đạt trên 99%, không có học sinh bỏ học. Đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng được rèn luyện, nâng cao chất lượng để thích ứng kịp với những điều kiện giảng dạy mới. Năm học vừa qua, trường có 9 giáo viên giỏi cấp trường, 3 giáo viên giỏi cấp huyện, 1 chiến sĩ thi đua cấp cơ sở; có 5 học sinh đạt giải giao lưu Toán, Tiếng việt và hoạt động trải nghiệm cấp huyện, 2 học sinh đạt giải giao lưu Toán, Tiếng việt và hoạt động trải nghiệm cấp tỉnh. Năm 2018, trường vinh dự đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Quốc gia.
Cô giáo Trần Thị Bích (quê Hải Dương), người có 25 năm gắn bó với nhà trường chia sẻ: Tôi sinh sống và làm việc ở đây từ khi điều kiện cơ sở vật chất còn rất khó khăn… Thời điểm ấy, việc đưa trẻ đến trường chưa trở thành thói quen tốt của người dân; thầy, cô giáo phải vượt đường đất đến từng thôn, bản vận động phụ huynh đưa các em xuống trường. Có ngày các em lên nương, rẫy phụ giúp gia đình, thầy, cô cũng theo lên nương, nắm được hoàn cảnh gia đình, thuyết phục phụ huynh cho con em tới trường. Nhưng nay đã khác nhiều lắm, người dân đã chủ động hơn, sự nghiệp giáo dục vùng đất biên cương có nhiều khởi sắc.
Để học sinh cảm nhận mỗi ngày đến trường là một niềm vui, ngoài thời gian học tập trên lớp với kiến thức bổ ích, các em còn được tham gia các hoạt động ngoại khóa, học kỹ năng sống, văn hóa truyền thống của dân tộc, đảm bảo vệ sinh môi trường, trồng rau tại khuôn viên nhà trường. Sau giờ học, nhìn các em học sinh cùng thầy, cô chăm sóc những luống rau xanh, tự tay hái những bó rau cung cấp cho bếp ăn tập thể góp phần cải thiện bữa cơm, thực sự thấy nhà trường đã trao cho các em hành trang vào đời đầy yêu thương.
Bài, ảnh: Bích Hoài (Sinh viên thực tập)
Ý kiến bạn đọc