Hiệu quả Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau
BHG - Trải qua hơn 6 năm thành lập và phát triển, đến nay, mô hình Câu lạc bộ (CLB) Liên thế hệ tự giúp nhau đã khẳng định là mô hình đa chức năng, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, trở thành địa chỉ tin cậy cho hàng nghìn người cao tuổi (NCT) trên địa bàn tỉnh.
Câu lạc bộ Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn xã Quang Minh (Bắc Quang) đã giúp một số hộ dân sản xuất rau tại thôn Khiềm có đầu ra ổn định. |
Năm 2014, 5 CLB Liên thế hệ tự giúp nhau được thành lập thí điểm tại 5 xã: Việt Lâm, Đạo Đức, Phú Linh (Vị Xuyên); Phương Thiện, Phương Độ (thành phố Hà Giang) do Dự án VIE 022 “Thúc đẩy quyền cho NCT thiệt thòi ở Việt Nam” tài trợ kinh phí và kỹ thuật tập huấn nghiệp vụ. Đến nay, mô hình phát triển và nhân rộng lên 64 CLB tại 11/11 huyện, thành phố với hơn 3.100 thành viên. Mục tiêu của CLB nhằm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho NCT thuộc nhóm dễ bị tổn thương thông qua việc tự giúp nhau dựa vào cộng đồng và cách tiếp cận liên thế hệ. Đây là kiểu mô hình CLB đa chức năng, có sự tổng hợp hoạt động của tất cả các loại hình CLB của NCT mang tính đặc thù có sẵn trước khi mô hình CLB này được thành lập.
Điểm nổi bật của mô hình là có sự kết hợp liên thế hệ phù hợp với mong muốn của NCT, góp phần gắn kết NCT với các thế hệ trẻ trong một cộng đồng dân cư, giúp họ phát huy tối đa vai trò trong sự phát triển chung của xã hội. Bên cạnh đó, hoạt động chăm sóc sức khỏe của CLB cũng đem lại hiệu quả thiết thực. Hầu hết các CLB thường xuyên tổ chức luyện tập thể dục dưỡng sinh và thực hiện hoạt động thăm khám sức khỏe cho các thành viên, như đo huyết áp, cân nặng, kiểm tra tim mạch vào các buổi sinh hoạt định kỳ; mời cán bộ y tế thôn bản tổ chức truyền thông, tư vấn cho các thành viên về phòng, chống các bệnh thường gặp, cách tự chăm sóc sức khoẻ của NCT. Ngoài ra, hoạt động văn hoá, văn nghệ cũng góp phần cải thiện sức khỏe, tinh thần cho các thành viên. Toàn bộ 64/64 CLB có đội văn nghệ nòng cốt, luyện tập thường xuyên, tích cực tham gia vào hoạt động phong trào tại địa phương. Tiêu biểu như CLB tại các xã: Đạo Đức, Phú Linh (Vị Xuyên); Hùng An (Bắc Quang); thị trấn Yên Bình (Quang Bình), Phố Bảng (Đồng Văn)...
Đặc biệt, hoạt động tăng thu nhập thông qua quỹ tăng thu nhập của CLB đã giúp nhiều NCT phát huy được vai trò tham gia phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn ban đầu cấp cho quỹ của các CLB trên 3,1 tỷ đồng; đến nay, nguồn quỹ này được nâng lên hơn 4,4 tỷ đồng. Sử dụng quỹ, các CLB đã cho thành viên vay tối đa 5 triệu đồng/người, thời hạn không quá 2 năm với lãi suất từ 0,6 - 1%/năm. Thời gian qua, đã có hơn 1.200 thành viên được vay vốn phát triển sản xuất; trong đó, gần 200 hộ đã vươn lên thoát nghèo. Đáng chú ý, các CLB đều có tình nguyện viên phát triển kinh tế, giúp tư vấn nâng cao nhận thức, kỹ thuật, kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh dịch vụ cho các thành viên nhằm phát huy hiệu quả nguồn vốn vay.
Thực tế cho thấy, việc triển khai, nhân rộng mô hình CLB Liên thế hệ tự giúp nhau tại tỉnh ta đã phát huy hiệu quả thiết thực, được Trung ương đánh giá cao và mời tham gia báo cáo điển hình kinh nghiệm tại nhiều hội nghị của Trung ương Hội NCT Việt Nam và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, góp phần cùng Việt Nam giành giải thưởng lớn trong hạng mục Sáng kiến dựa vào Cộng đồng do Ban tổ chức của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN Đông Nam Á và Trung tâm Giao lưu quốc tế Nhật Bản trao tặng giải thưởng Sáng kiến vì một châu Á già hóa khỏe mạnh lần thứ Nhất, năm 2020.
Tuy nhiên, hoạt động của không ít CLB Liên thế hệ tự giúp nhau trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp phải một số khó khăn, như: Chưa nhận được sự quan tâm sát sao của chính quyền địa phương; điều kiện đi lại của thành viên một số CLB còn khó khăn. Mặt khác, đây là mô hình mang tính xã hội hóa cao, không có thù lao nên một số thành viên Ban Chủ nhiệm chưa chủ động trong công tác quản lý, điều hành, khả năng tiếp cận và triển khai các hoạt động được phân công đảm nhận còn chậm. Ngoài ra, nguồn Quỹ tăng thu nhập của CLB còn ít, chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu mong muốn vay vốn thực tế của các thành viên… Trước thực tế trên, thiết nghĩ, để mô hình CLB trên tiếp tục được nhân rộng và phát huy hiệu quả, rất cần quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành, địa phương; đặc biệt là cần dành thêm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động hiệu quả cho các CLB.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ
Ý kiến bạn đọc