Nữ chiến sỹ Công an vinh dự được Bác Hồ tặng hoa
BHG - Ngày 26.3.1961, Bác Hồ cùng đoàn đại biểu của Đảng và Chính phủ lên thăm Hà Giang, nói chuyện với cán bộ, đồng bào các dân tộc trong tỉnh. Những lời dạy bảo ân cần của Bác đã ghi sâu vào trái tim và khối óc của các thế hệ cán bộ, nhân dân Hà Giang. Bà Đinh Thị Khu, năm nay đã ngoài 80 tuổi, là nữ chiến sỹ công an duy nhất được tham gia nhiệm vụ bảo vệ khi Bác Hồ lên thăm Hà Giang vẫn luôn khắc ghi những lời dạy ấy trong suốt 60 năm qua.
Bà Đinh Thị Khu (ôm hoa) cùng các cán bộ, chiến sỹ công an chụp ảnh với Bác Hồ tại Sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26.3). Ảnh: Tư liệu |
Gần đến ngày kỷ niệm Bác Hồ lên thăm Hà Giang, trong phòng khách của gia đình bà Đinh Thị Khu, ở tổ 3, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang), luôn treo ảnh Bác Hồ và trưng bày bức hình một nữ chiến sỹ công an đứng cạnh Bác Hồ. Bà Khu nhớ lại thời khắc lịch sử, vào ngày 26.3.1961, tại sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26.3), trong niềm hân hoan, phấn khởi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang vinh dự được đón Bác lên thăm và căn dặn “Tám điều” cần làm đối với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang. Khi đó, bà Đinh Thị Khu là nữ chiến sỹ công an thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Bác nói chuyện với đồng bào các dân tộc. Kết thúc buổi nói chuyện, khi Bác Hồ chuẩn bị lên máy bay, Bác đã quay lại tặng bó hoa cho bà Đinh Thị Khu.
Bà Đinh Thị Khu ôn lại kỷ niệm được gặp Bác Hồ. Ảnh: Lê Hải |
Đến nay, bà Khu vẫn gìn giữ cẩn thận bức ảnh bà ôm bó hoa, chụp chung với Bác Hồ và các đồng chí khác. Mỗi lần nhớ lại kỷ niệm được gặp Bác, bà Khu luôn xúc động, bà kể chuyện với giọng run run, ánh mắt sáng lên niềm tin yêu kính trọng dành cho vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc. Bà Khu nhớ lại nhiệm vụ đặc biệt của mình vào tháng 3.1961, bà và các chiến sĩ công an khác nhận được nhiệm vụ bảo vệ an toàn tuyệt đối chuyến làm việc của Bác Hồ tại Hà Giang. Lần đầu tiên nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt, trong lúc bảo vệ buổi làm việc của Bác với các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, bà nghẹn ngào xúc động, nước mắt cứ chực trào ra nhưng bà vẫn cố trấn tĩnh để làm tốt nhiệm vụ. Khi Bác kết thúc cuộc nói chuyện, bà nán lại để được gần Bác hơn. Vừa nhìn thấy bà, Bác nói: “Cô công an trông như văn công thế kia thì ai sợ”, mọi người trong đoàn bật cười và trò chuyện, hỏi thăm bà rất thân tình. Được Bác quan tâm hỏi thăm, bà rất xúc động và nhớ mãi hình ảnh “Người cha già của dân tộc” là người giản dị, gần gũi, trìu mến đối với đồng bào các dân tộc.
Đêm hôm đó, bà cùng anh em trong đơn vị không ngủ được vì vui mừng, hồi hộp. Mọi người đi tuần tra cả đêm để chuẩn bị cho buổi nói chuyện của Bác Hồ vào ngày hôm sau. Ai cũng tập trung cao độ cho công việc, cô công an trẻ măng cũng căng thẳng không kém bởi lo lắng cho công việc. 4 giờ sáng ngày hôm sau, trên khắp các ngả đường dẫn tới sân vận động, người dân mang theo cờ, hoa, biểu ngữ kéo về. Bà cùng các chiến sỹ công an khác thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn bà con xếp hàng để tham gia buổi nói chuyện cùng Bác. Bà Khu khi ấy được phân công bảo vệ khu lễ đài, nơi Bác Hồ đứng nói chuyện. Sau khi kết thúc buổi nói chuyện, Bác Hồ đã tặng cho bà bó hoa và dặn dò: Là công an, các cháu phải hết lòng phục vụ nhân dân, phải đoàn kết với đồng chí, đồng đội, phải cố gắng học tập chuyên môn, nghiệp vụ tốt, học hỏi những đồng chí đi trước.
Thấm nhuần lời dạy của Bác, bà luôn cố gắng rèn luyện, học hỏi, lời Bác đã trở thành “Kim chỉ nam”, điểm tựa soi sáng cho bà vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong quá trình công tác. Giờ đây, đã 60 năm trôi qua, người nữ chiến sĩ bảo vệ năm xưa mái tóc đã bạc, nhưng vẫn nhớ về kỷ niệm đẹp đẽ nhất của tuổi trẻ là ngày được gặp Bác Hồ và khắc ghi những lời Bác dạy, luôn cố gắng áp dụng vào công việc và cuộc sống hàng ngày. Đồng thời, giáo dục con, cháu trong gia đình phấn đấu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp một phần công sức, trí tuệ cho sự phát triển của tỉnh nhà. Tiếp nối truyền thống gia đình, các thế hệ con cháu của bà Khu đều phấn đấu làm theo lời Bác dạy, có những đóng góp cho xã hội.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc