Chuyện về những "Doanh nhân 0 đồng"
BHG - “Doanh nhân 0 đồng” là cách ví hài hước của nhiều nhà vườn khi nhắc đến cán bộ Hội Nông dân (HND) tỉnh – cầu nối đặc biệt giúp hội viên kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm cam Sành. Bước chân trên “thương trường”, họ không thu về lợi nhuận, chỉ mong muốn đồng hành cùng hội viên tháo gỡ khó khăn trong khâu tiêu thụ nông sản.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn nhà vườn phương thức bán hàng. |
Tìm kiếm thị trường ngoài tỉnh
Niên vụ 2020 – 2021, “thủ phủ” cam Sành Bắc Quang, Quang Bình tiếp tục hứng chịu bất lợi khi cung vượt cầu. Hơn nữa, do ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch toàn cầu Covid-19, khiến phương tiện lưu thông hàng hóa hạn chế kéo theo hệ lụy nông sản ứ đọng. Trong khi quả cam chưa thể thu hoạch còn tồn nhiều trên cây thì lại đối diện nghịch cảnh: Cây cam tự điều chỉnh sinh lý để huy động dinh dưỡng cho chu kỳ mới – nảy lộc xuân, ra hoa, kết quả dẫn đến hiện tượng rụng sinh lý... Trước thực tế trên, UBND tỉnh, Sở Công thương, UBND các huyện vùng cam đã tổ chức nhiều hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm cam Sành.
Phó Chủ tịch HND tỉnh, Nguyễn Thị Thúy chia sẻ: “Đứng trước khó khăn của hội viên, chúng tôi phải suy nghĩ, trăn trở, tìm cách thức phù hợp để đồng hành cùng nông dân tiếp cận thị trường, tiêu thụ nông sản”. Theo đó, năm 2020, HND tỉnh đã chủ động trao đổi, thống nhất để ký kết chương trình phối hợp với HND 16 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc, miền Trung, giai đoạn 2020 – 2025. Trong đó có nội dung quan trọng là đẩy mạnh trao đổi, hỗ trợ liên kết sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm cho nông dân; kết nối cung cầu các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa thông qua hệ thống phân phối của 2 tỉnh và các kênh kết nối tiêu thụ nông sản, thực phẩm…
Dù không được bố trí kinh phí để tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam Sành nhưng cán bộ HND tỉnh sẵn sàng cùng hội viên vượt khó, trực tiếp đưa nông dân đi bán hàng. Chia sẻ câu chuyện “khởi sự kinh doanh 0 đồng” trên thương trường, chị Nguyễn Thị Lương (Trưởng Ban KT-XH) nói: Chúng tôi sẵn sàng “hóa thân” thành người bốc vác, nhân viên tiếp thị, chăm sóc khách hàng và thành “doanh nhân” tìm kiếm cơ hội, đối tác xúc tiến tiêu thụ cam…
Lan tỏa giá trị nhân văn
Niên vụ cam Sành năm nay, tại thị trường nội tỉnh, ngoài 3 gian hàng quảng bá, giới thiệu, hỗ trợ tiêu thụ cam Sành khu vực thành phố Hà Giang do HND tỉnh tổ chức thì 6/11 HND huyện, thành phố đồng loạt tổ chức gian hàng hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm với tinh thần: “Chung tay cùng nông dân vùng cam vượt qua đại dịch Covid-19” và “Mỗi quả cam là một tấm lòng”.
Chị Vũ Thị Cúc, xã Vĩnh Hảo (Bắc Quang) – người được HND tỉnh hỗ trợ địa điểm bán hàng tại thành phố Hà Giang, xúc động: Tôi có thể là người làm vườn tốt nhưng không phải người bán hàng chuyên nghiệp. Thấu hiểu sự bỡ ngỡ này, chị Vương Thị Phương (Ban KT-XH) và nhiều cán bộ Hội đã trực tiếp hỗ trợ tôi bán hàng; giúp tôi có thêm kỹ năng mới, như: Trưng bày sản phẩm trên kệ, giá, tạo sự bắt mắt, ấn tượng cho gian hàng; biết cách tiếp thị, đóng gói sản phẩm, giữ mối liên hệ với khách hàng để bán hàng hiệu quả hơn.
Chung cảm xúc với chị Cúc, chị Nông Thị Thẩm, xã Tiên Yên (Quang Bình) cho biết: “Vụ cam năm nay gia đình tôi có khoảng 80 tấn quả nhưng từ đầu vụ đến nay, chưa có tư thương đến mua. Tháo gỡ khó khăn này, chỉ chưa đầy 1 tuần dựng gian hàng tại thành phố Hà Giang do HND tỉnh hỗ trợ địa điểm, gia đình tôi đã bán trên 4 tấn quả với giá dao động từ 5 – 8 nghìn đồng/kg”. Ấn tượng hơn, chị Thẩm còn được cán bộ HND tỉnh trực tiếp đưa đi giao đơn hàng 7,6 tấn tại tỉnh Thanh Hóa. Chị Thẩm không giấu được niềm vui: Dưới sự hướng dẫn của anh Nguyễn Quang Nhật (Ban KT-XH), sau chuyến đi đó, chúng tôi đã có thể “tự lực cánh sinh” khi có thêm 2 lần giao hàng thành công đến Thanh Hóa, nâng sản lượng cam Sành tiêu thụ tại địa phương này lên đến gần 33 tấn với giá dao động từ 6 – 10 nghìn đồng/kg. Không những vậy, chúng tôi còn có thêm thị trường tại huyện Ba Vì (thành phố Hà Nội) và đã tiêu thụ được hơn 11 tấn cam Sành…
Cứ như vậy, từng xe tải cam Sành của hội viên nông dân nối tiếp nhau chở đến các tỉnh miền Bắc, Trung tiêu thụ thuận lợi. Anh Lê Hồng Sơn, Chủ tịch HND tỉnh Thái Bình, cho biết: Chỉ sau 5 ngày dựng gian hàng tại thành phố Thái Bình, trên 30 tấn cam Sành Hà Giang đã được tiêu thụ. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Hà Giang tiêu thụ sản phẩm đến khi kết thúc niên vụ cam Sành.
Là một trong những cán bộ trực tiếp đưa nông dân đi tiêu thụ sản phẩm, anh Dương Tiến Dũng (Phó Ban KT-XH) chia sẻ: Đến bất kỳ địa phương nào, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình, trách nhiệm của HND sở tại trong việc hỗ trợ địa điểm, dựng gian hàng, thậm chí bán hàng và hỗ trợ hội viên giảm tối đa chi phí phát sinh trong thời gian lưu trú. Đặc biệt, ngoài sử dụng các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo thì HND các tỉnh bạn đều phối hợp với cơ quan báo chí địa phương và T.Ư đóng chân trên địa bàn để tuyên truyền, quảng bá cam Sành cũng như hoạt động hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cam Sành Hà Giang.
Thông qua cách làm trên, chỉ từ cuối tháng 2 đến nay, HND tỉnh đã hỗ trợ hội viên tiêu thụ gần 500 tấn cam Sành.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc