Tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
BHG - Thực hiện Chỉ thị số 17 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm (ATTP); thời gian qua, các cấp, ngành của tỉnh đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đẩy mạnh kiểm tra, hậu kiểm, hạn chế ngộ độc, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm kiểm tra tại siêu thị Vinmart, thành phố Hà Giang. |
Thực tế cho thấy, công tác quản lý nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn do nguồn lực hạn chế; hệ thống quản lý của các ngành chưa đồng bộ, hoạt động giám sát ATTP tại các địa phương chưa thường xuyên. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thường nhỏ lẻ, chế biến thủ công… đã tác động trực tiếp đến chất lượng thực phẩm. Xác định rõ khó khăn, các giải pháp tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP được các cấp, ngành đẩy mạnh. Trong đó, chú trọng giám sát, thanh tra, hậu kiểm, giảm thiểu nguy cơ mất vệ sinh ATTP. Hàng năm, Ban Chỉ đạo Chăm sóc sức khỏe nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch, chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp kiểm tra, hậu kiểm ATTP trong dịp lễ, tết và các sự kiện của tỉnh. Qua đó, kiên quyết xử lý nghiêm và đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không bảo đảm, không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Đồng chí Ngọc Thanh Dũng, Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh ATTP, cho biết: Nhằm thực hiện tốt công tác bảm đảo ATTP, hàng năm, đơn vị thường xuyên phối hợp, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành tại các huyện, thành phố. Qua đó, ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đồng thời đề xuất giúp cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý những sự cố về ATTP. Kết quả, năm 2020, toàn tỉnh tổ chức 372 đoàn kiểm tra liên ngành và chuyên ngành; kiểm tra trên 4.600 cơ sở, phát hiện 689 cơ sở vi phạm. Qua đó, nhắc nhở, xử lý vi phạm hành chính, tiêu hủy trên 2 tấn hàng hóa; đình chỉ 7 cơ sở sản xuất…
Để nâng cao nhận thức về bảo đảm ATTP cho người dân, các cơ sở sản xuất, kinh doanh; các sở, ngành, đơn vị liên quan đã xây dựng quy chế phối hợp, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền tại các địa phương thực hiện NTM, những nơi đã xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tổ chức tập huấn triển khai các văn bản quy phạm pháp luật về ATTP cho cán bộ y tế, các ngành chức năng; cung cấp kiến thức sản xuất, chế biến một số sản phẩm nông, lâm, thủy sản cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Mặt khác, thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp 90 về ATTP, giai đoạn 2016–2020 đã góp phần đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện theo đúng quy định; ngăn ngừa thực phẩm giả, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lưu thông trên thị trường…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc