"Trẻ em không phải cô dâu"
BHG - Đó là tên gọi của Dự án phòng, chống tảo hôn được phát triển bởi tổ chức Good Neighbors International (GNI). Sau gần 1 năm triển khai, dự án thu hút 30 học sinh các xã Tân Bắc, Yên Thành trở thành những “chiến binh” tích cực trong các hoạt động phòng, chống tảo hôn tại huyện Quang Bình.
Những “chiến binh” tích cực trong các hoạt động phòng, chống tảo hôn tại huyện Quang Bình. |
Tảo hôn và hệ lụy
Em Sùng Thị H, xã Yên Thành, năm nay 15 tuổi nhưng đã lấy chồng được 1 năm và có 1 con tròn 1 tuổi. Chồng của H năm nay cũng chỉ mới 17 tuổi. Hai vợ chồng vẫn đang ở cái tuổi ăn, tuổi chơi nhưng giờ đã phải gánh vác những công việc của gia đình. Vợ thì ở nhà làm nương rẫy, chăn nuôi, chồng đi làm ăn xa kiếm tiền nuôi con. Nhiều lúc H thèm được đến trường vui chơi như các bạn nhưng đó chỉ là mơ ước xa vời. Giờ em thấy hối hận lắm nhưng cũng không biết phải làm thế nào.
Quen nhau, thích nhau rồi lấy, Anh Sìn Văn A và Chị Làn Thị B, xã Yên Thành kết hôn sớm khi chồng 18, còn vợ 17 tuổi. Anh Sìn Văn A bảo do ông và bố đều ốm, lấy nhau để có người chăm sóc nên gia đình đã tổ chức đám cưới. Đến nay, anh chị đã có với nhau 1 đứa con gần 2 tuổi và cũng mới đi đăng ký kết hôn. Từ lúc lấy nhau, do hoàn cảnh khó khăn, kinh tế eo hẹp nên vợ chồng phải đi làm ăn xa, cả năm mới về thăm con 1 lần.
Các ấn phẩm truyền thông được trưng bày tại Dự án “Trẻ em không phải cô dâu” thu hút sự quan tâm của học sinh. |
Đây là 2 trong số nhiều trường hợp tảo hôn khi một bên hoặc cả hai chưa đủ tuổi kết hôn theo quy định của pháp luật. Theo số liệu thống kê, từ năm 2015 đến năm 2019, toàn tỉnh có 2.348 cặp tảo hôn, 67 cặp kết hôn cận huyết thống. Mặc dù, các địa phương đã có nhiều giải pháp triển khai phòng, chống tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, song nạn tảo hôn vẫn phổ biến do nhận thức còn hạn chế của trẻ em và phụ huynh. Trong đó, tỷ lệ tảo hôn cao nhất ở các dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng KT - XH đặc biệt khó khăn. Tảo hôn không chỉ vi phạm pháp luật mà còn để lại những hệ lụy nghiêm trọng, lâu dài cho bản thân, gia đình và xã hội. Tảo hôn dễ dẫn đến các vấn đề như: Đẻ non, con cái dị tật; ảnh hưởng tâm lý, sức khỏe; không đủ kiến thức gia đình, nuôi dạy con cái và ly hôn.
“Hãy để trẻ em được là trẻ em”
“Để trẻ em được là trẻ em”, điều tưởng chừng đơn giản và dĩ nhiên đó trên thực tế lại là sự cố gắng của rất nhiều tổ chức, cá nhân trong suốt nhiều năm qua. Theo cách riêng của mình, Dự án “Trẻ em không phải cô dâu” đã góp thêm sức mạnh, giúp những đứa trẻ được sống đúng với lứa tuổi và có niềm tin, mơ ước vào tương lai. Trong gần một năm, GNI đã phối hợp với chính quyền, các trường học xã Yên Thành, Tân Bắc thực hiện truyền thông trực tiếp, các ấn phẩm truyền thông và các lớp tập huấn cung cấp kiến thức về giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản, kỹ năng xử lý, phòng tránh dẫn đến tình huống tảo hôn với trẻ em. Chính trẻ em vùng dự án trở thành những “chiến binh” lan tỏa mạnh mẽ thông điệp “Hãy để trẻ em được là trẻ em”.
Em Sìn Thị Liên, học sinh Trường PTDT nội trú THCS Yên Thành chia sẻ: “Em là người dân tộc Pà Thẻn. Lúc em bắt đầu vào học lớp 9 thì gia đình đã nhận hôn lễ của gia đình nhà trai. Thời điểm đó, cô chủ nhiệm, cán bộ xã và các anh, chị của tổ chức GNI đến tuyên truyền, giải thích về vấn nạn tảo hôn là vi phạm pháp luật. Gia đình em đã nhận thức được và quyết định hủy hôn ước. Nếu lúc đó không có sự can thiệp kịp thời thì em đã trở thành cô dâu trẻ em và không được đi học. Em cảm thấy rất may mắn khi tham gia vào các hoạt động ý nghĩa của GNI, đặc biệt là quá trình gặp gỡ, ghi lại những thước phim về cuộc sống của trẻ em gái tảo hôn, giờ em đã có thể tự tin đứng trên sân khấu để truyền đi thông điệp “Trẻ em không phải cô dâu” đến các bạn học sinh, người dân địa phương và điều quan trọng nhất là em đang cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để xây dựng tương lai tốt đẹp sau này”. Với tính nhân văn, thiết thực, trong hành trình của Dự án “Trẻ em không phải cô dâu” có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng để kêu gọi cộng đồng cùng chung tay xóa nạn tảo hôn. Hoa hậu H’Hen Niê bày tỏ: “Tôi rất hào hứng tham gia Dự án “Trẻ em không phải cô dâu”. Với tác động rõ nét của dự án, đồng bào dân tộc thiểu số, cụ thể là các em thanh, thiếu niên sẽ hình thành nếp nghĩ, lối sống và hành động tích cực và không kết hôn khi chưa đủ tuổi. Tôi là người dân tộc Ê-đê, sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, khác với bạn bè trong buôn làng, tôi theo đuổi học hành, lựa chọn ước mơ và hoài bão của mình. Tôi tin rằng, tôi làm được, các bạn cũng làm được”.
Chắc chắn, với những hoạt động GNI đang triển khai, các em và người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số huyện Quang Bình nói riêng và của tỉnh nói chung sẽ có sự thay đổi trong tư duy và nhận thức để đảm bảo quyền trẻ em và tương lai thế hệ chủ nhân của đất nước.
Bài, ảnh: MỘC LAN
Ý kiến bạn đọc