Nâng cao nhận thức cho người dân về tảo hôn và kết hôn cận huyết thống
BHG - “Vừa rồi, trong chuyến đi chơi ở xã bên cạnh, em có gặp và quen một bạn gái nhỏ hơn 1 tuổi và em đã đưa bạn ấy về nhà em. Ngay ngày hôm sau, các bác ở thôn, xã tới và nói cho em hiểu đấy là việc làm không đúng pháp luật vì chúng em chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Sau đó, mỗi cuộc đi chơi với bạn bè, các bạn có ý định lấy vợ sớm em đều bảo như thế là sai, bị phạt tiền đấy nên không có ai đi cướp vợ, lấy vợ sớm nữa.” Đó là chia sẻ của em Vàng Mí Ly, sinh năm 2005, thôn Sà Phìn C, xã Sà Phìn (Đồng Văn). Có thể thấy, nhờ sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương, những năm trở lại đây, tình trạng tảo hôn và kết hôn cận huyết thống trên địa bàn các xã vùng cao huyện Đồng Văn đã giảm đáng kế; nhận thức của người dân được nâng lên rõ rệt; từng bước xóa bỏ những hủ tục trong đời sống. Xã biên giới Sà Phìn có 100% đồng bào dân tộc thiểu số, có những thói quen, tập tục ăn sâu vào nhận thức mỗi người dân, trong đó có hủ tục tảo hôn. Thôn Sà Phìn C có 42 hộ đều là đồng bào dân tộc Mông. 5 năm trở lại đây, trong thôn không xảy ra trường hợp tảo hôn. Đến năm 2020, xảy ra trường hợp em Vàng Mí Ly đã kịp thời được xử lý dứt điểm. Ông Vàng Pà Cơ, Trưởng thôn Sà Phìn C chia sẻ: Để bà con hiểu rõ tảo hôn, kết hôn cận huyết là không đúng pháp luật, bên cạnh việc tuyên truyền lồng ghép tại các cuộc họp thôn, chúng tôi còn đến các hộ có con trong độ tuổi vị thành niên để tuyên truyền, tiến hành ký cam kết không vi phạm. Nêu cao trách nhiệm của bố, mẹ; bố, mẹ phải là người chịu trách nhiệm đầu tiên nếu con vi phạm, vì vậy, bà con trong thôn hiểu biết hơn rất nhiều, thanh niên không còn kéo vợ, bắt vợ mỗi dịp lễ, tết như trước.
Lãnh đạo xã Sà Phìn (Đồng Văn) đến từng hộ dân tuyên truyền về tảo hôn và kết hôn cận huyết. |
Năm 2020, xã Sà Phìn có 10 trường hợp tảo hôn. Trong đó có 2 trường hợp đã xử lý và 1 trường hợp đã truy tố trách nhiệm hình sự. Với sự nỗ lực của cấp ủy. chính quyền địa phương, hiện, 10 trường hợp chấm dứt hoàn toàn. Đồng chí Thào Mí Hờ, Phó Chủ tịch UBND xã Sà Phìn cho biết: Trước thời điểm năm 2018, trên địa bàn xã xảy ra rất nhiều trường hợp tảo hôn, có một số trường hợp kết hôn cận huyết thống. Tuy nhiên, đến nay, bà con đã nhận thức được rất rõ đây là một hủ tục, là hành vi vi phạm pháp luật nên đã tuân thủ nghiêm túc theo quy định. Đặc biệt, hiện nay, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong xã tốt hơn rất nhiều, con em trong độ tuổi vị thành niên đều được đến trường học văn hóa, hoặc học nghề nên tình trạng bỏ học, bắt vợ đã giảm đáng kể. Năm 2020, Ban Chỉ đạo của xã đã phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tuyên truyền tại 11/11 thôn với trên 600 lượt người tham gia; tuyên truyền qua đài phát thanh xã gần 150 lượt, phát gần 100 tờ rơi cho các hộ. Thời điểm hiện tại sắp tới các ngày lễ, hội, Tết truyền thống rất dễ xảy ra tình trạng bắt vợ nên chúng tôi cũng đã và đang tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Theo số liệu thống kê của cơ quan chuyên môn, năm 2020, toàn huyện Đồng Văn có 226 trường hợp tảo hôn. Trong đó, đã xử lý hành chính 16 trường hợp, xử lý hình sự 2 trường hợp, hoãn hôn 79 trường hợp; có 126 trường hợp hủy hôn và chấm dứt hoàn toàn, 35 trường hợp hủy hôn và vẫn còn 10 trường hợp chưa xử lý dứt điểm. Đồng chí Nguyễn Văn Chinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Văn cho biết: Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nêu cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, huyện chú trọng, quan tâm, ưu tiên hơn nữa việc triển khai các chính sách phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bài, ảnh: MY LY
Ý kiến bạn đọc