Tăng cường kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh
BHG - Mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) gây ra nhiều tác động tiêu cực đến cơ cấu dân số, hôn nhân gia đình và trật tự, an toàn xã hội. Do đó, từng bước khống chế, đưa tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng là yêu cầu cấp thiết đòi hỏi các cấp, các ngành cần có những giải pháp cụ thể.
Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu sức khỏe sinh sản vị thành niên tổ chức tại Trường THCS Minh Khai (thành phố Hà Giang). |
Tỷ số giới tính khi sinh cân bằng khi trong 1 năm có từ 103-106 trẻ trai/100 trẻ gái được sinh ra; tỷ số cao hơn khoảng này là MCBGTKS. Tại tỉnh ta, năm 2014 mới chính thức bước vào giai đoạn MCBGTKS nhưng lại có tốc độ gia tăng nhanh và mở rộng về địa bàn. Theo báo cáo của ngành Y tế, nếu như năm 2017 tỷ số giới tính khi sinh là 108 trẻ trai/100 trẻ gái thì năm 2020 tỷ số này đã tăng lên 109,2 trẻ trai/100 trẻ gái. Không chỉ xuất hiện tại các huyện có dân số cao như: Bắc Quang, Vị Xuyên, thành phố Hà Giang mà còn ở một số huyện vùng cao như: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn. Đồng thời, MCBGTKS xuất hiện trong thời điểm mức sinh trên địa bàn còn khá cao nên đặt ra nhiều thách thức cho công tác Dân số- KHHGĐ.
Trước những yêu cầu cấp thiết của việc kiểm soát MCBGTKS, thời gian qua, các ngành đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ; có sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp nhằm đưa tỷ số giới tính khi sinh trở lại mức cân bằng. Trong đó, ngành Dân số đã tập trung truyền thông nâng cao nhận thức về những hệ lụy của việc MCBGTKS, giáo dục chuyển đổi hành vi và thay đổi vị thế phụ nữ, trẻ em gái. Với đội ngũ trên 2.200 cộng tác viên, hoạt động tại các thôn, bản và 100% xã, phường đều có cán bộ dân số, các hoạt động truyền thông được triển khai rộng khắp, đều đặn. Nội dung, hình thức tuyên truyền có nhiều đổi mới, như: Họp nhóm nói chuyện chuyên đề, tư vấn trực tiếp, cấp phát tờ rơi, duy trì hoạt động của các câu lạc bộ không sinh con thứ 3; xây dựng các cụm pa-nô, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cơ sở... Qua đó, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” dần thay đổi, nhận thức, hành vi của người dân về duy trì tỷ số giới tính khi sinh được nâng lên rõ rệt.
Bên cạnh đó, Sở Y tế thường xuyên tổ chức tập huấn bắt buộc cho đội ngũ cán bộ y tế cung cấp các dịch vụ có liên quan đến khả năng lựa chọn giới tính thai nhi. Tổ chức ký cam kết cho trên 79 cơ sở y tế công lập từ tuyến tỉnh đến xã và 100% các cơ sở y tế tư nhân về không chẩn đoán, tiết lộ giới tính thai nhi, không phá thai lựa chọn giới tính; lồng ghép tư vấn cho khách hàng về hệ lụy của lựa chọn giới tính. Đồng thời, Sở Y tế phối hợp với Chi cục Dân số-KHHGĐ thanh tra, giám sát các cơ sở y tế ngoài công lập trong thực hiện các quy định chẩn đoán, tiết lộ, phá thai vì lý do giới tính. Qua đó, kịp thời phát hiện ra những cơ sở cố tình vi phạm để có phương án chấn chỉnh, giám sát phù hợp và không ngừng nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Mặt khác, triển khai các mô hình nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu MCBGTKS.
Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội về những hệ lụy của việc lựa chọn giới tính thai nhi, khống chế tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh; UBND tỉnh đã ban hành Đề án Kiểm soát MCBGTKS, giai đoạn 2017-2020. Trong đó, tập trung đào tạo, tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ dân số, người cung cấp dịch vụ có liên quan về kỹ năng tư vấn, truyền thông trong kiểm soát MCBGTKS. Tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động truyền thông; tổ chức các hoạt động ngoại khóa tại các trường phổ thông về chủ đề MCBGTKS. Đồng thời, Sở Lao động-TB&XH tiến hành thu thập thông tin, nghiên cứu thực trạng để tham mưu, ban hành thử nghiệm các chế độ chính sách thúc đẩy bình đẳng giới, hỗ trợ trẻ em gái, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi…
Bài, ảnh: PHẠM HOAN
Ý kiến bạn đọc