Bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán người
BHG - Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh (trực thuộc Sở Lao động – TB&XH) đã trở thành nơi lưu trú ban đầu cho các nạn nhân bị mua, bán người (MBN). Đây cũng là đầu mối quan trọng cùng với lực lượng công an, biên phòng, ngành chức năng thực hiện hiệu quả việc tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán.
Cán bộ Trung tâm Công tác xã hội tỉnh trực “đường dây nóng” Phòng, chống mua, bán người 18001282. |
Tỉnh ta có đường biên giới dài trên 277 km với 34 xã, thị trấn thuộc 7 huyện tiếp giáp với tỉnh Vân Nam và Quảng Tây – Trung Quốc. Những năm qua, tình hình tội phạm MBN, nhất là tại vùng giáp biên, vùng sâu, xa của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, diễn biến phức tạp. Nhân dân hai bên biên giới Việt – Trung có quan hệ thân tộc lâu đời, thường xuyên đi lại thăm thân, làm ăn khiến công tác phòng, chống MBN gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng tinh vi, xảo quyệt; tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Tội phạm lợi dụng trình độ nhận thức hạn chế, phong tục, tập quán, nhu cầu cần việc làm hoặc thông qua các trang mạng xã hội để dụ dỗ, lừa gạt, bán nạn nhân sang bên kia biên giới nhằm mục đích bóc lột sức lao động, tình dục hoặc lấy nội tạng…
MBN đã xâm hại quyền con người, gây tổn thương nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, thậm chí tính mạng của nạn nhân; làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh, trật tự và an toàn xã hội. Trước thực tế này, ngoài các giải pháp đồng bộ đấu tranh, phòng ngừa tội phạm MBN, tỉnh ta đặc biệt quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho nạn nhân bị mua, bán trở về được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ xã hội cơ bản, hòa nhập cộng đồng. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức trên 600 buổi tuyên truyền tại chợ phiên, trường học, thôn, bản, thu hút trên 19.000 lượt người tham gia. Qua đó, giúp nhân dân nắm rõ âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn tội phạm MBN để tích cực tham gia đấu tranh, tố giác tội phạm. Đồng thời, mở 8 lớp tập huấn nghiệp vụ cho hơn 1.000 lượt đối tượng, gồm: Công an, phụ nữ, cán bộ Lao động – TB&XH, MTTQ, cán bộ chủ chốt xã, thị trấn, thôn, bản về công tác tuyên truyền, phòng, chống, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán. In ấn, cấp phát 4.345 cuốn cẩm nang pháp luật quốc tế và quốc gia về phòng, chống MBN trở về tái hòa nhập cộng đồng cho các xã trọng điểm. Cấp phát trên 16.000 tờ gấp tuyên truyền Đường dây nóng Phòng, chống MBN tại 193/193 xã, phường, thị trấn; lắp đặt 10 pano tuyên truyền số điện thoại Đường dây nóng Phòng, chống MBN 18001567 của T.Ư và số 18001282 của tỉnh Hà Giang.
Cùng với kết quả trên, các đơn vị và ngành chức năng thường xuyên phối hợp tốt trong tiếp nhận, điều tra, xác minh những dấu hiệu nghi vấn của tội phạm MBN. Việc tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân bị mua, bán trở về được phối hợp nhịp nhàng từ khâu tiếp nhận, bàn giao, phỏng vấn nhanh, lập hồ sơ, giải quyết hỗ trợ ban đầu, chăm sóc sức khỏe, tư vấn đến triển khai các biện pháp bảo vệ an toàn tuyệt đối cho nạn nhân và người thân của họ. Chỉ từ năm 2016 đến nay, lực lượng công an, biên phòng đã xác minh 117 trường hợp nghi là nạn nhân bị mua, bán, gồm: 72 trường hợp do Công an Trung Quốc trao trả, 25 trường hợp tự trở về địa phương, 20 trường hợp được các cơ quan chức năng giải cứu. Trong đó, xác định 56 trường hợp nạn nhân bị mua, bán.
Dù chưa có nhà lưu trú ban đầu dành riêng cho các nạn nhân nhưng Trung tâm Công tác xã hội đã trở thành nơi tiếp nhận, quản lý, chăm sóc nạn nhân bị MBN trở về. Phó Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội tỉnh – Lê Minh Nga, chia sẻ: Tại đây, nạn nhân bị MBN được hỗ trợ toàn diện về ăn, nghỉ, khám và điều trị bệnh; hỗ trợ nhu cầu thiết yếu ban đầu như quần áo, đồ dùng cá nhân, thậm chí hỗ trợ tiền ăn, tiền vé xe đi đường khi nạn nhân trở về nơi cư trú. Không những vậy, chúng tôi còn phối hợp với các đơn vị liên quan, như: Trung tâm Trợ giúp pháp lý, Hội Liên hiệp Phụ nữ, các cơ sở dạy nghề, cơ sở y tế để tư vấn, hỗ trợ tâm lý, pháp lý, hướng nghiệp – dạy nghề, cung cấp thông tin về phòng, chống MBN; tham vấn về kế hoạch tái hòa nhập cộng đồng, phối hợp cùng địa phương và gia đình đưa các nạn nhân về tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.
Chị Phạm Thị Thúy Lan, người trực Đường dây nóng Phòng, chống MBN 18001282, tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Qua trực Đường dây nóng, chúng tôi đã tiếp nhận nhiều thông tin giá trị liên quan đến tội phạm MBN. Trên cơ sở đó, chuyển thông tin đến các bên cung cấp dịch vụ hoặc cơ quan chức năng để xác minh, làm rõ thông tin, kịp thời giải cứu nạn nhân trước khi bị lừa bán sang bên kia biên giới. Đồng thời, tư vấn qua điện thoại, cung cấp cho người dân thông tin hữu ích về phòng, chống MBN; tư vấn phòng, chống MBN cho các trường hợp được đề nghị kết hôn với người nước ngoài nhưng không biết đối tượng kết hôn hoặc bị buộc phải làm việc trái pháp luật, bị ép tham gia dịch vụ tình dục hay được đề nghị một công việc làm xa nhà mà người gọi điện đến Đường dây nóng đang băn khoăn xem nó có tốt và an toàn không…
Hiện nay, để thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xác minh, hỗ trợ và bảo vệ nạn nhân trong công tác phòng, chống MBN nhằm giảm thiểu các vụ việc phát sinh, tỉnh ta thường xuyên duy trì các hoạt động, như: Tập huấn, tuyên truyền nhằm giúp người dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác và tự bảo vệ mình trước thủ đoạn của tội phạm MBN. Đặc biệt, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh chính là nơi giúp nạn nhân bị MBN tiếp cận các chế độ, chính sách của nhà nước; được chăm sóc sức khỏe, ổn định tâm lý, tư vấn và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng.
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY
Ý kiến bạn đọc