Quang Bình tăng cường vệ sinh an toàn thực phẩm
BHG - Tình trạng thực phẩm bẩn đang gây sự lo lắng, hoang mang cho người tiêu dùng, xác định an toàn thực phẩm là vấn đề cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, thời gian qua huyện Quang Bình đã chủ động chỉ đạo các cấp, ngành quyết liệt trong việc thực hiện kiểm soát nguồn thực phẩm được sản xuất, vận chuyển và kinh doanh trên địa bàn huyện.
Trung tâm Y tế huyện kiểm tra tại nhà hàng Thương Giang, tổ 2, thị trấn Yên Bình. |
Quang Bình hiện có 565 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó có 250 cơ sở dịch vụ ăn uống. Công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) được huyện triển khai bằng nhiều giải pháp; chú trọng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp về ATVSTP để hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Công tác tuyên truyền ATVSTP thường xuyên được Trung tâm Y tế (TTYT) huyện phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức các buổi tuyên truyền đến từng người dân 10 nguyên tắc vàng của WHO hướng dẫn về phòng, chống ngộ độc thực phẩm do: Nấm, rau rừng, quả rừng, bột ngô mốc… 9 tháng đầu năm 2020, TTYT huyện đã tuyên truyền được 623 buổi trực tiếp, tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh các xã, thị trấn 160 lần, truyền thông khác 1.351 buổi… Công tác truyền thông được TTYT huyện chuẩn bị kỹ càng, tỉ mỉ: Băng rôn, khẩu hiệu, tờ rơi, băng đĩa hình,… Đối với người tiêu dùng, cán bộ y tế thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cách chọn lựa thực phẩm an toàn, khuyến khích người dân chủ động lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, không sử dụng các mặt hàng không có nguồn gốc, xuất xứ và các mặt hàng không đủ điều kiện ATVSTP.
Kiểm tra tại cửa hàng tạp hóa Ngoan Điền, tổ 3, thị trấn Yên Bình. |
Để tăng cường công tác đảm bảo ATVSTP trên địa bàn, TTYT huyện thường xuyên kiểm tra định kỳ, đột xuất trong những ngày lễ, tết và các sự kiện của huyện; phối hợp với: Đội Quản lý thị trường, công an… chú trọng thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với hành vi mua, bán, tiêu thụ các sản phẩm không đủ điều kiện ATVSTP và không cho các sản phẩm kém chất lượng lưu thông trên thị trường; không để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố không đảm bảo ATVSTP hoạt động, gây nguy hiểm đến sức khỏe của thực khách… Thường xuyên giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, phát hiện sớm nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra để có biện pháp xử lý kịp thời.
Chị Lê Thị Giang, nhà hàng Thương Giang, tổ 2, thị trấn Yên Bình chia sẻ: Tất cả các thực phẩm của nhà hàng đều được lựa chọn kỹ càng, rau tôi chọn mua từ bà con nông dân trồng theo quy trình, tiêu chuẩn Viet GAP đảm bảo an toàn không sử thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; các thực phẩm tươi sống: Thịt, cá, trứng… Tôi đều đặt ở các cơ sở chăn nuôi có uy tín, không có các chất tăng trưởng tạo nạc gây ảnh hưởng đến sức khỏe thực khách đến thưởng thức ẩm thực. Tất cả vật dụng chế biến thức ăn được vệ sinh sạch sẽ, sát khuẩn thường xuyên.
Trưởng khoa An toàn vệ sinh thực phẩm, TTYT huyện Quang Bình Nguyễn Văn Tuyến cho biết: Từ tháng 1 - 9.2020 không có vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra trên địa bàn huyện. TTYT huyện thường xuyên phối hợp với các đoàn liên ngành của huyện liên tục kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể trường học… cán bộ Trung tâm, Y tế thôn bản thường xuyên được tham gia tập huấn các lớp đào tạo kỹ năng nâng cao nghiệp vụ tuyên truyền viên. Các cơ sở kinh doanh đều chấp hành tốt các điều kiện ATVSTP, thời gian tới sẽ tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở kinh doanh, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm ATVSTP để không cho thực phẩm bẩn, kém chất lượng len lỏi vào đời sống của người dân.
Bài, ảnh: ĐỨC NINH