Phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định vị thế trong thời kỳ hội nhập
BHG - Trong thời kỳ hội nhập, cùng với phụ nữ cả nước nói chung và phụ nữ huyện Đồng Văn đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đóng góp to lớn trong sự phát triển của địa phương nói riêng và vùng dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi.
Chị Lư Thị Súng, thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn (Đồng Văn) may trang phục truyền thống. |
Hội LHPN huyện Đồng Văn hiện có hơn 21 nghìn hội viên, chủ yếu là chị em đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Giấy,… Những năm trở lại đây, tỷ lệ cán bộ, công chức nữ trên địa bàn huyện, trong đó có cán bộ, công chức nữ là người DTTS ngày càng tăng. Điều đó cho thấy, đời sống vật chất, tinh thần phụ nữ DTTS từng bước được cải thiện; đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương. Đặc biệt, thông qua các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, phụ nữ huyện Đồng Văn đã phát huy phẩm chất tốt đẹp, khả năng sáng tạo. Nhiều phong trào đã ghi dấu ấn đậm nét, như: Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch” gắn với phong trào xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh; phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc... Từ các mô hình đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, củng cố và tăng cường mối đoàn kết phụ nữ các dân tộc, tạo sự đồng thuận của hội viên trong hội.
Đặc biệt, nhiều phụ nữ người Mông trên địa bàn huyện đã tích cực học chữ, học làm kinh tế, luôn đi đầu trong các hoạt động xây dựng cuộc sống mới ở quê hương. Từ đó, giúp họ vươn lên làm chủ bản thân và tích cực hoạt động xã hội. Họ đã và đang tiếp nối, khẳng định phẩm chất cao đẹp “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” của người phụ nữ Việt Nam. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, chị Lư Thị Súng, thôn Lũng Hòa A, xã Sà Phìn là một phụ nữ DTTS điển hình giàu ý chí, nghị lực. Năm 2017, chị Súng cùng 15 chị em trong thôn thành lập nhóm may mặc trang phục truyền thống, tạo việc làm thêm vào thời gian rảnh rỗi, nâng cao thu nhập cho chị em. Đến nay, nhóm đã hoạt động ổn định; đối với những thành viên hoạt động thường xuyên có thể thu nhập từ 6-8 triệu đồng mỗi tháng. Vào các dịp cuối năm, mỗi phiên chợ có thể thu về 10-12 triệu đồng. Chị Súng chia sẻ: Bây giờ, đời sống của chị em trong thôn khá giả hơn rất nhiều. Đặc biệt, những người trẻ, dùng thành thạo mạng xã hội và điện thoại thông minh, họ còn biết quảng bá sản phẩm trên mạng và có thu nhập rất cao; đồng thời, giúp đưa sản phẩm trang phục truyền thống của đồng bào để mọi người cùng biết đến. Đời sống vật chất, tinh thần của chị em ngày càng được nâng cao, cũng là cơ hội để chị em quan tâm, chăm lo, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc, từng bước xây dựng quê hương giàu, đẹp.
Đồng Văn là huyện vùng cao biên giới, đặc biệt khó khăn của tỉnh, trình độ dân trí chưa đồng đều. Trong đó, tỷ lệ phụ nữ DTTS chưa biết tiếng phổ thông, mù chữ, tái mù chữ còn cao; tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết và tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái vẫn xảy ra... Một bộ phận phụ nữ còn tự ti, chưa mạnh dạn tham gia các hoạt động xã hội, chưa chủ động, tích cực học tập nâng cao trình độ, vươn lên xóa đói, giảm nghèo... Ðó là những khó khăn, cản bước phụ nữ trên con đường hội nhập và phát triển. Chị Vương Thị Xuyến, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đồng Văn, chia sẻ: Để chị em tự tin, hòa nhập và nâng cao vị thế trong xã hội, Hội LHPN huyện đã và đang nỗ lực phối hợp với các phòng, ban, cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để chị em được học tập, lao động theo đúng mong muốn, sở thích, nguyện vọng. Hàng năm, hàng chục nhóm sở thích về dệt, may trang phục truyền thống, chăn nuôi, trồng trọt được mở ra, tạo thêm cơ hội cho chị em vùng đồng bào DTTS có thêm thu nhập, phát huy được thế mạnh của mình. Hội cũng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên và nhân dân về vai trò của phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong đó, tổ chức có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, khích lệ chị em xây dựng gia đình hạnh phúc; xóa bỏ tục lệ lạc hậu, giữ gìn những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào. Từ đó, tạo thêm cơ hội và tiền đề vững chắc để phụ nữ huyện nhà tiến bộ và phát triển.
Bước vào giai đoạn hội nhập, trên con đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phụ nữ huyện Đồng Văn không ngừng phát huy vai trò, sức mạnh, trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển chung của toàn xã hội. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của phụ nữ DTTS trong thời kỳ hội nhập.
Bài, ảnh: My Ly
Ý kiến bạn đọc