Phòng, chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số
BHG - Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, dự án phòng, chống suy dinh dưỡng (SDD) cho trẻ em và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng vùng DTTS và miền núi vẫn đang chiếm tỷ lệ cao so với trung bình cả nước. Đồng Văn là địa phương có trên 90% dân số là đồng bào DTTS. Do điều kiện kinh tế và tập quán sống nên trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi còn chiếm tỷ lệ cao. Cùng với các biện pháp nỗ lực giúp người dân thoát nghèo, thời gian qua, huyện đã chú trọng triển khai nhiều chương trình nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em vùng DTTS, giúp các em nâng cao thể chất, phát triển khỏe mạnh.
Bữa ăn của học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Sủng Trái dần được cải thiện. |
Theo số liệu từ cơ quan chuyên môn, trên địa bàn huyện Đồng Văn, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi SDD theo cân nặng chiếm 20,53%; SDD theo chiều cao là 49,35%; tỷ lệ thiếu kẽm ở trẻ em nói chung trên 80%. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thấp, còi được xác định do khẩu phần ăn không đa dạng, trẻ ăn không đủ số bữa tối thiểu, trẻ bị cai sữa sớm (dưới 1 tuổi), gia đình sinh nhiều con và khoảng cách sinh con ngắn… Có thể nói, tỷ lệ SDD cao ở trẻ em đồng bào DTTS sẽ gây hậu quả lâu dài đến chất lượng nguồn nhân lực, làm chậm quá trình giảm nghèo, phát triển kinh tế ở một số vùng khó khăn. Trước thực trạng đó, việc thay đổi tích cực tình trạng suy dinh dưỡng cho trẻ em ở vùng DTTS và miền núi là thực sự cần thiết. Chính vì vậy, chính quyền địa phương, ngành Y tế đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả với các giải pháp đồng bộ, từng bước giúp giảm tỷ lệ SDD ở trẻ em trên địa bàn.
Thực tế, tại các gia đình, hầu hết các mẹ chỉ biết cho con ăn no bụng mà chưa quan tâm đến dinh dưỡng trong bữa ăn. Bên cạnh đó, nhiều hộ kinh tế quá khó khăn, không thể đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Để khắc phục thực trạng đó, các cán bộ y tế, các giáo viên trực tiếp giảng dạy đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, để giúp các bậc cha mẹ nắm bắt một cách cụ thể, hướng dẫn chi tiết cách chế biến thức ăn cho trẻ từ những loại thực phẩm có sẵn tại địa phương. Nhờ đẩy mạnh triển khai các hoạt động về y tế đã làm thay đổi nhận thức của phụ nữ trong việc chủ động khám, chăm sóc sức khỏe khi mang thai và nuôi dưỡng trẻ nhỏ. Số phụ nữ có thai được khám, tư vấn thai nghén và chăm sóc thai tại các Trạm Y tế xã đạt trên 98%. Hàng năm có trên 1 nghìn lượt bà mẹ được tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ; trên 90% trẻ dưới 2 tuổi được theo dõi biểu đồ tăng trưởng hàng tháng. Các phụ nữ có con dưới 2 tuổi và người chăm sóc trẻ được tuyên truyền, giáo dục về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ, đặc biệt là kỹ năng chuẩn bị bữa ăn đảm bảo dinh dưỡng tại nhà. Bên cạnh đó, nhiều công ty sữa Việt Nam và một số tổ chức khác đã và đang đồng hành cùng với nhà trường nhằm cải thiện dinh dưỡng cho trẻ em thông qua các dự án tặng sữa; góp phần cải thiện được tầm vóc cho trẻ em vùng cao.
Theo Bác sĩ Lương Triệu Huynh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đồng Văn: Do điều kiện sống của người dân trên địa bàn còn khó khăn nên chất lượng cuộc sống của trẻ em rất thấp. Các bữa ăn hàng ngày chỉ có ngô, rau, không có đủ các chất dinh dưỡng để cải thiện, nâng cao được thể trạng và thể lực. Để từng bước giảm tỷ lệ SDD cho trẻ em, chúng tôi đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cho người dân giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 để chăm sóc tốt nhất cho các con. Tiến hành kiểm tra định kỳ hàng quý tại các xã để có những kết quả chính xác nhất; phối hợp với các nhà trường thực hiện các chương trình cải thiện bữa ăn cho học sinh. Đồng thời phối hợp với các đơn vị chuyên môn mở các lớp tập huấn, dạy các bà mẹ thực hiện bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ SDD của trẻ em mặc dù có giảm hàng năm nhưng không đáng kể. Để công tác phòng, chống SDD cho trẻ em vùng đồng bào DTTS thực sự đạt được những kết quả khả quan cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng. Từ đó, góp phần rút ngắn khoảng các giữa trẻ em thành thị và miền núi.
Bài, ảnh: My Ly