Giúp trẻ vùng dân tộc thiểu số lĩnh hội tri thức
BHG - Tăng cường tiếng Việt (TCTV) cho trẻ mầm non (MN), học sinh tiểu học (TH) vùng dân tộc thiểu số (DTTS) được tỉnh xác định là “chìa khóa vàng” giúp trẻ lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Từ đó, nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững vùng đồng bào DTTS; đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.
Tiết học Tiếng Việt của học sinh lớp 1, Trường PTDT bán trú Tiểu học và THCS Xín Chải (Vị Xuyên). |
Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới còn nhiều khó khăn và có đa phần đồng bào là người DTTS nên đã tác động không nhỏ đến việc giao tiếp bằng tiếng Việt của trẻ. Một phần nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: Môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt tại gia đình và cộng đồng nơi trẻ sinh sống chưa bền vững; do cha mẹ trẻ không biết tiếng Việt hoặc có khả năng giao tiếp bằng tiếng Việt nhưng vốn từ vựng còn ít chưa thường xuyên giao tiếp với trẻ bằng tiếng Việt khi trẻ ở nhà. Do không có cơ hội tiếp xúc nhiều với tiếng Việt, nên khi bắt đầu đến trường MN, TH; trẻ mới tiếp được học nói, viết tiếng Việt.
Trước vai trò quan trọng của tiếng Việt, từ năm 2016 đến nay, tỉnh ta đã tập trung TCTV cho trẻ MN, học sinh (HS) TH người DTTS (theo tinh thần Đề án “TCTV cho trẻ em MN, HS TH vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025” của Thủ tướng Chính phủ). Điều này, nhằm đảm bảo cho các em kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục MN, TH; tạo tiền đề để học tập và lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo. Do vậy, UBND tỉnh, Sở GD&ĐT đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản, chính sách địa phương để TCTV cho trẻ người DTTS trên địa bàn toàn tỉnh.
Đối với cấp học MN, UBND tỉnh đã trích kinh phí hỗ trợ đầu tư mua gần 460 thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi tối thiểu phục vụ nhóm trẻ và lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi; nhằm xây dựng môi trường tiếng Việt cho trẻ. Chỉ đạo thực hiện nghiêm chương trình giáo dục MN theo độ tuổi, rà soát việc xây dựng môi trường TCTV cho trẻ em người DTTS trong các cơ sở giáo dục MN. Cùng với đó, thông qua hoạt động sinh hoạt, học tập và tại các buổi tham quan, trải nghiệm; các cơ sở giáo dục dành nhiều thời gian để hình thành và phát triển ở trẻ kỹ năng nghe, nói, sao chép một số ký hiệu, chữ cái; cách cầm bút, để vở, tư thế ngồi viết,... nhằm chuẩn bị tâm thế cho trẻ 5 tuổi vào học lớp 1. Đồng thời, đầu tư nguồn tài liệu, học liệu cho công tác dạy và chăm sóc trẻ thông qua việc sử dụng đồ dùng trực quan, như: Vật thật, tranh ảnh, băng hình, phim, video...
Với cấp TH, Sở GD&ĐT tổ chức biên soạn tài liệu chuẩn bị tiếng Việt cho HS DTTS trước khi vào lớp 1. Chỉ đạo dạy học theo tài liệu Tiếng Việt lớp 1 – Công nghệ giáo dục, tại 100% các trường TH để tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt cho HS. Đồng thời, đầu tư xây dựng 171 thư viện trường học, góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường tiếng Việt trong trường học cũng như xây dựng thói quen tự học cho HS. Hơn nữa, việc TCTV còn được triển khai tích cực tại các cơ sở giáo dục TH dưới nhiều hình thức, như: Tăng thời lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1; sử dụng phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ 2 trong dạy học. Mặt khác, xây dựng các loại hình thư viện: Góc lớp, di động, ngoài trời, thư viện thân thiện, thư viện khu nội trú cho HS bán trú. Riêng năm học 2019 – 2020, 100% các trường TH triển khai tiết học thư viện; nhằm khuyến khích HS đọc sách, hình thành thói quen đọc sách, giúp HS sử dụng thành thạo tiếng Việt. Bên cạnh đó, các nhà trường còn khuyến khích HS sử dụng tiếng Việt thông qua các môn học, trò chơi, hoạt động giao lưu: “Em yêu Toán, tiếng Việt và truyền thống văn hóa các dân tộc”, giao lưu “Ngôi trường thân yêu của em”...
Đến nay, 100% cơ sở giáo dục MN, TH trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch TCTV và dạy tiếng Việt cho trẻ lồng ghép vào các hoạt động giáo dục tại nhà trường; đảm bảo cho trẻ, nhất là trẻ 5 tuổi trước khi vào lớp 1 có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục MN, TH. Đặc biệt, 100% cán bộ quản lý và giáo viên cấp học MN, TH công tác tại các trường có trẻ em DTTS được tập huấn về TCTV cho trẻ, phục vụ quá trình giảng dạy. Trên cơ sở tập huấn, giáo viên chủ động, tích cực trong việc xây dựng môi trường TCTV cho trẻ trong tổ chức các hoạt động giáo dục; thực hiện phong trào làm đồ dùng, đồ chơi tự tạo, đồ dùng dạy học phục vụ công tác giảng dạy hoặc sưu tầm, sáng tác thơ ca, khai thác các trò chơi dân gian, truyền thống phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tạo cơ hội để trẻ được giao tiếp với nhiều người khác trong cộng đồng, như: Tham gia các hoạt động lễ hội tại địa phương, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, khám phá nhằm tăng thêm vốn từ vựng cho trẻ về tiếng Việt...
Mặc dù TCTV cho trẻ, song trên thực tế, đa phần trẻ DTTS chỉ nói tiếng Việt khi ở trường. Còn về nhà, các em giao tiếp với bố mẹ, cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ. Chính môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt hạn chế, dẫn đến việc khó hình thành và phát triển kỹ năng sử dụng tiếng Việt của trẻ. Điều này đòi hỏi sự chung sức của các cấp, ngành trong việc triển khai giải pháp hiệu quả TCTV cho trẻ. Trong đó, có công tác bồi dưỡng, tập huấn về tiếng Việt cho cha, mẹ trẻ là người DTTS, cộng đồng vùng đồng bào DTTS để xây dựng môi trường tiếng Việt bền vững tại gia đình và cộng đồng...
Bài, ảnh: PHƯƠNG THÙY