Điểm nhấn từ Chương trình "Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm"
BHG - Trên 55.000 người được tuyển dụng và đào tạo nghề; chất lượng lao động (LĐ) không ngừng được nâng lên, tỷ lệ LĐ qua đào tạo tăng từ 46% năm 2015 lên 54% năm 2020, trong đó qua đào tạo nghề tương ứng từ 37,1% lên 44%; có 90.710 LĐ được tạo việc làm mới, trong đó có 35.731 người đi làm việc ở các khu công nghiệp ngoài tỉnh, ở nước ngoài 3.146 người…
Lãnh đạo Sở Lao động - TBXH thăm, động viên Tổ hợp tác thêu dệt xã Vần Chải (Đồng Văn). |
Để không ngừng nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với giải quyết việc làm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp làm tốt công tác dự báo nhu cầu sử dụng LĐ, từ đó định hướng việc làm cho người dân. Bám sát Nghị quyết 209, 86 của HĐND tỉnh và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch đào tạo nghề nông nghiệp gắn với phát triển nông - lâm - thủy sản và chăn nuôi theo hướng hàng hóa. Đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp như hướng dẫn Trường Cao đẳng Kỹ thuật và Công nghệ Hà Giang phối hợp với Công ty Cổ phần hỗ trợ công nghiệp phụ trợ Nhật - Việt chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo trình đào tạo nghề theo thỏa thuận; phối hợp với Công ty Hữu hạn Khoa học kỹ thuật điện tử Ý Đức Văn Sơn (Trung Quốc) tổ chức cho học sinh, sinh viên thực hành tại doanh nghiệp; phối hợp với các doanh nghiệp ngoài tỉnh đưa học sinh đến thực tập.
Tỉnh thống nhất để Trường Cao đẳng Nông lâm Phú Thọ, Nông lâm Đông Bắc Lạng Sơn liên kết đào tạo hệ trung cấp nghề theo liên kết với Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, Cao đẳng Dược Hải Dương, Cao đẳng Y tế Hà Nam mở các lớp liên thông từ trung cấp lên cao đẳng. Ngoài ra, phối hợp với các Trường Cao đẳng Than khoáng sản Việt Nam, Cao đẳng Việt - Hàn mở các lớp sơ cấp, trung cấp. Cho các trường, đơn vị Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Thái Nguyên, Trung cấp Y tế Bắc Giang, Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thương mại, Viện Nghiên cứu và phát triển Lâm nghiệp, HTX Lanh trắng Sà Phìn (Đồng Văn), Công ty may Cường Thuận, Cơ sở may Luyến Dung, Công ty chè Hoàng Long, Công ty Cổ phần Công nghiệp và Xuất nhập khẩu Lâm nghiệp, Công ty TNHH Mây tre đan Ngọc Quyết... thực hiện đặt hàng đào tạo gắn với địa chỉ sử dụng LĐ. Ngoài ra, tỉnh có cơ chế, áp dụng chính sách linh hoạt nhằm khuyến khích, động viên các nhóm đối tượng tham gia học nghề; thành lập Đoàn công tác đến các tỉnh có các khu công nghiệp lớn để giới thiệu, ký thỏa thuận cung ứng LĐ trong tỉnh xuống làm việc; triển khai hiệu quả các nội dung theo thỏa thuận quản lý, hợp tác giữa tỉnh ta với tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, đưa lao động đi làm việc tại Trung Quốc.
Với các giải pháp triển khai đồng bộ thông qua những cơ chế, chính sách mới, linh hoạt đã tạo thêm động lực, là “cú hích” để chương trình đào tạo nghề gắn với GQVL của tỉnh đi vào thực chất. Từ năm 2016 - 2020, toàn tỉnh tổ chức tuyển sinh và đào tạo nghề cho 55.000 người. Trong lĩnh vực phi nông nghiệp có trên 70% lao động sau tốt nghiệp có việc làm, một số nghề như dệt thổ cẩm, đan lát thủ công, chế biến chè, sản xuất và kinh doanh rượu, xây dựng, hướng dẫn du lịch, chế biến món ăn... đạt trên 80%; lĩnh vực nông nghiệp, trên 85% LĐ sau khi học xong có nghề mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng đã biết áp dụng kiến thức, ứng dụng kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất. Hiệu quả đào tạo nghề góp phần hoàn thành tiêu chí xây dựng NTM, giảm nghèo…
Chúng tôi đến HTX Lanh trắng Sà Phìn, được đồng chí Sùng Thị Si, Giám đốc HTX cho biết: Thực hiện chương trình liên kết đào tạo nghề gắn với GQVL, với sự giúp đỡ của các cấp, ngành, ngay từ khi thành lập, HTX đặc biệt chú trọng mở lớp dạy nghề thêu, dệt lanh để nâng cao trình độ tay nghề cho các thành viên; từ năm 2018 - 2020, HTX có 95 thành viên tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề, qua đó thực hiện thành thạo các kỹ năng, kỹ thuật khó về thêu, dệt, vẽ hoa văn trên vải lanh và thu nhập của mỗi thành viên đạt 3 – 6,5 triệu đồng/tháng.
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chuyên môn, trong quá trình triển khai còn có những hạn chế như: Công tác điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề, việc làm chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban cấp huyện với cơ sở đào tạo nên một số nghề chưa sát nhu cầu; việc xây dựng kế hoạch đào tạo nghề chưa gắn với quy hoạch tổng thể phát triển KT - XH, thị trường LĐ… Điều này đòi hỏi cần làm tốt hơn nữa công tác đào tạo nghề để người LĐ của tỉnh chủ động hội nhập, tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh.
Bài, ảnh: HOÀNG NGỌC