Bộ CHQS tỉnh tăng cường phối hợp phát hiện sớm bệnh lao trong cộng đồng
BHG - Trong những năm qua, công tác phòng, chống bệnh lao tại tỉnh ta được đẩy mạnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nhiều bệnh nhân lao được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn.
Tuyên truyền phòng, chống Lao cho người dân xã Ngọc Long (Yên Minh). |
Thực hiện chủ trương phòng bệnh hơn chữa bệnh và thấy được hiệu quả của công tác khám sàng lọc cho bà con vùng sâu, vùng xa. Cuối tháng 9.2020, Bộ CHQS tỉnh phối hợp với Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tổ chức khám sàng lọc cho người dân các xã: Mậu Duệ, Mậu Long, Ngọc Long, Ngam La của huyện Yên Minh; nhằm chủ động phát hiện bệnh lao và bệnh phổi. Những người có dấu hiệu nghi lao và bệnh hô hấp đều được khám sàng lọc bằng chụp X-quang phổi kỹ thuật số và xét nghiệm đờm soi trực tiếp. Đặc biệt, những người có dấu hiệu nghi lao đều được chỉ định xét nghiệm Gen Xpert một kỹ thuật ứng dụng sinh học phân tử cho phép xác định vi khuẩn lao ở mức độ ít với độ nhạy và độ đặc hiệu cao; cho kết quả chẩn đoán nhanh.
Trực tiếp tham gia khám và tư vấn cho người dân tại cộng đồng, Bác sĩ - Thiếu tá Đỗ Phương Nam – Chủ nhiệm Quân y Bộ CHQS tỉnh, cho biết: “Trước đây, việc chẩn đoán lao phổi mất rất nhiều thời gian và thường thiếu chính xác. Từ khi Chương trình chống lao Quốc gia áp dụng kỹ thuật xét nghiệm đờm bằng Gen Xpert vừa nhanh gọn lại có độ chính xác cao; giúp bệnh nhân được điều trị sớm”. Người dân được khám, phát thuốc và tư vấn sức khỏe cũng như cách nhận biết dấu hiệu bệnh và phòng, chống lao. Những trường hợp mắc bệnh đều được bác sĩ tư vấn và chuyển tuyến trên điều trị kịp thời, tránh lây lan ra cộng đồng.
Trong thời gian từ 27/9 đến 01/10, các y, bác sỹ trong đoàn công tác đã khám cho 986 người, chụp X-quang cho 724 người, siêu âm cho 197 lượt, xét nghiệm đờm bằng Gen Xpert tổng 158 mẫu, nghi lao và các bệnh về phổi; tư vấn đi điều trị 68 người. Anh Tẩn Văn Pó, 52 tuổi, xã Ngọc Long là một trong những bệnh nhân được phát hiện trong đợt khám sàng lọc lao tại cộng đồng năm nay. Khi biết mình mắc bệnh, anh rất hoang mang, ngại tiếp xúc với mọi người và định không đi khám và điều trị. Nhờ được cán bộ y tế tư vấn, động viên, anh đã đến Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Giang làm các xét nghiệm và được điều trị. Sau khi ổn định, anh lĩnh thuốc về điều trị tại nhà theo đúng phác đồ của Chương trình chống lao Quốc gia để bảo đảm sức khỏe và không lây cho mọi người. Theo Bác sỹ - Trung úy Nguyễn Đình Núi, bệnh nhân trên địa bàn xã sau khi được phát hiện bị bệnh lao đều được tư vấn, điều trị và lập sổ đăng ký quản lý, cấp thuốc điều trị đầy đủ theo đúng phác đồ của chương trình. Bộ phận chuyên trách chống lao của trạm y tế sẽ nhận thuốc và cấp phát cho người bệnh hằng tháng; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc người bệnh uống thuốc đúng giờ, đúng lịch, không bỏ thuốc.
Trong những năm qua, công tác phòng, chống lao tại tỉnh ta được đẩy mạnh từ tuyến tỉnh đến cơ sở; nhiều bệnh nhân lao đã được phát hiện sớm và điều trị khỏi hoàn toàn. Theo Bác sĩ Hoàng Quốc Điểm, Trưởng phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viên Lao và Bệnh phổi tỉnh: Hiện nay, tỷ lệ bệnh nhân mắc bệnh lao và bệnh phổi tại cộng đồng chưa được phát hiện còn cao, nguy cơ lây lan ra cộng đồng rất lớn. Đối với công tác phòng, chống lao, việc xác định rõ nguồn lây tiềm ẩn trong cộng đồng rất quan trọng. Thông qua việc khám sàng lọc nhằm phát hiện bệnh nhân mắc lao tại cộng đồng để có biện pháp điều trị, góp phần hạn chế lây lan. “Đặc biệt, công tác truyền thông, tư vấn trước và trong quá trình khám sàng lọc, giúp người dân nâng cao ý thức chủ động phòng và phát hiện, điều trị sớm khi có dấu hiệu mắc bệnh lao, giảm thiểu kỳ thị đối với người bị bệnh lao. Trước đây, chúng ta chỉ chờ bệnh nhân đến các phòng khám lao mới có thể phát hiện bệnh nhân lao. Hiện nay, việc tổ chức các đợt khám sàng lọc trong cộng đồng giúp ngành Y tế chủ động phát hiện sớm bệnh nhân lao; đặc biệt là những bệnh nhân mới chớm lao. Những người này mới chỉ tổn thương mờ nhạt thể hiện qua phim chụp X-quang phổi mà qua xét nghiệm đờm khó phát hiện; nhưng nếu để lâu, vi khuẩn lao sẽ phát triển thành hang ổ trong phổi bệnh nhân, nguy cơ lây lan ra cộng đồng sẽ rất lớn” - Bác sĩ Điểm cho biết thêm.
Bác sĩ Điểm cũng khuyến cáo, người dân có các triệu chứng, như: Ho kéo dài hơn 2 tuần, sốt nhẹ về chiều, người mệt mỏi, ăn uống kém, sụt cân, tức ngực cần đi khám và xét nghiệm đờm để phát hiện bệnh. Gia đình có người bị lao nên đi khám toàn thể gia đình để phát hiện và điều trị lao hoạt động hoặc lao tiềm ẩn…
Bài, ảnh: QH
Ý kiến bạn đọc