Đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
BHG - Một trong những mắt xích quan trọng của việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) và phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm là công tác quản lý, kiểm soát tốt việc giết mổ, chế biến các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Tuy nhiên, với những trở ngại về địa hình, cơ sở vật chất, tư duy của người dân, nên công tác kiểm tra, giám sát việc giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Lực lượng chức năng kiểm tra và đóng dấu trước khi thịt lợn được xuất bán ra thị trường tại lò giết mổ tổ 1, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang). |
Toàn tỉnh hiện có 327 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ đang hoạt động; theo kết quả kiểm tra, đánh giá, xếp loại trong 6 tháng đầu năm 2020 tại 212 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm của Chi cục Chăn nuôi và Thú y thì có 2 cơ sở xếp loại B; 210 cơ sở xếp loại C. Toàn tỉnh hiện có 2 lò giết mổ tập trung, việc kinh doanh giết mổ chủ yếu phân tán tại các hộ; quá trình giết mổ lại chưa thực hiện đúng quy trình, quy định; công tác kiểm tra thường được tiến hành sau giết mổ tại các chợ, do đó hiệu quả không cao,… khiến không ít sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi giết mổ đưa ra thị trường tiêu thụ chưa thực sự đảm bảo vệ sinh thú y. Đây là những nguyên nhân gây khó khăn cho công tác kiểm soát giết mổ và kiểm tra vệ sinh thú y…
Nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP và kiểm soát dịch bệnh, thành phố Hà Giang đã hình thành 3 cơ sở giết mổ được cấp phép. Một trong số đó là lò giết mổ tại tổ 1, phường Minh Khai. Nói về các hoạt động diễn ra tại cơ sở giết mổ, chị Nguyễn Bạch Quỳnh, Trưởng ban Thú ý phường Minh Khai - người trực chính trong công tác kiểm tra giết mổ tại cơ sở, cho biết: “Việc giết mổ gia súc, gia cầm được diễn ra từ rất sớm; tại điểm giết mổ, các hộ thường mang lợn đến từ hôm trước, gửi ở chuồng nhốt và quá trình giết mổ diễn ra theo phương thức thủ công và hầu hết do các hộ tự làm. Do đặc thù của địa phương nên tại điểm giết mổ tập trung chủ yếu là lợn của người dân tại các xã Phú Linh, Kim Thạch (huyện Vị Xuyên); trung bình một ngày hoạt động với công suất từ 20 – 30 con; quá trình giết mổ đảm bảo đúng theo quy định và có đóng dấu thẩm định… Để đáp ứng với sự phát triển chung, điểm giết mổ gia súc, gia cầm đã đầu tư mở rộng quy mô, trang thiết bị và hệ thống máy móc tự động giết mổ với công suất 200 con/1 ngày; nhưng do không đủ số lượng gia súc, gia cầm nên hệ thống hiện vẫn đóng cửa…”.
Huyện Vị Xuyên là địa bàn có nhiều cơ sở giết mổ, hoạt động tập trung khoảng 4 – 5 giờ sáng. Chia sẻ về những khó khăn và giải pháp khắc phục; đồng chí Nông Xuân Trường, Trưởng trạm Thú y huyện Vị Xuyên, cho biết: “Hiện, trên địa bàn thị trấn Vị Xuyên có 23 cơ sở giết mổ, rải rác từ km18 – km 24; khoảng cách các cơ sở giết mổ cách xa nhau, khiến cán bộ trực tiếp thực hiện công tác kiểm soát giết mổ rất vất vả. Khắc phục khó khăn và đặc biệt trong thời điểm dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, Trạm đã phối hợp với các tổ liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát; tiến hành đăng ký giết mổ, kiểm tra lâm sàng ban đầu và bấm thẻ tai cho từng con gia súc được giết mổ… Qua đó, đã góp phần ngăn chặn dịch bệnh lây lan”.
Thực tế trên cho thấy, việc xây dựng và hình thành các lò giết mổ tập trung là rất cần thiết, góp phần kiểm soát đầu vào nguồn thực phẩm, giúp giảm tải áp lực cho các trạm thú y, tránh thất thoát ngân sách nhà nước và đặc biệt là góp phần đảm bảo vệ sinh ATTP; giúp ngăn chặn việc lây lan dịch bệnh.
Bài, ảnh: HOÀNG YẾN