Tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi
BHG - 6 tháng đầu năm nay, trong điều kiện nền kinh tế chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã phối hợp với các địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác triển khai cho các chương trình tín dụng chính sách đến tận từng địa bàn. Qua đó, nhằm tạo điều kiện cho các đối tượng chính sách được tiếp cận kịp thời nguồn tín dụng ưu đãi để vượt qua khó khăn, đẩy mạnh phát triển sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống.
Từ nguồn vốn vay hỗ trợ việc làm của NHCSXH tỉnh, chị Đinh Thị Yến, tổ 15, phường Minh Khai (T.P Hà Giang) đầu tư mua máy móc, phát triển nghề may. |
Ngay từ đầu năm, Chi nhánh NHCSXH tỉnh luôn bám sát nội dung chỉ đạo và kế hoạch giao của Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam và UBND tỉnh; tích cực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng; chỉ đạo phòng giao dịch các huyện, thành phố tổ chức giải ngân các chương trình tín dụng được giao để người dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn kịp thời. Tính đến 31.5, tổng nguồn vốn các chương trình tín dụng đạt 3.011 tỷ đồng, tăng 108 tỷ đồng so với đầu năm; tổng dư nợ đạt 3.002 tỷ đồng, tăng 107 tỷ đồng so với đầu năm; giải ngân cho trên 82.810 khách hàng vay. Doanh số cho vay từ ngày 1.1 đến 31.5 đạt 331 tỷ đồng, cho 7.680 lượt khách hàng được vay vốn.
Các chương trình tín dụng trọng tâm của T.Ư hiện đang triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, gồm: Tín dụng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, học sinh - sinh viên, nước sạch vệ sinh môi trường, hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, xuất khẩu lao động, hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, thương nhân vùng khó khăn, nhà ở xã hội, hộ nghèo về nhà ở, dân tộc thiểu số theo Quyết định 32/2007/QĐ-TTg và 54/2012/QĐ-TTg; dân tộc thiểu số theo Quyết định 755/QĐ-TTg và 2085/QĐ-TTg; trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi.
Theo đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, các chương trình tín dụng đều đang phát huy hiệu quả, như: Cho vay hộ nghèo với dư nợ đạt 1.101 tỷ đồng, cho 32.375 khách hàng vay; hộ sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn với dư nợ 699 tỷ đồng, cho 17.190 khách hàng vay; hộ cận nghèo với dư nợ 381 tỷ đồng, cho 10.545 khách hàng vay; hộ mới thoát nghèo với dư nợ 286 tỷ đồng, cho 7.059 khách hàng vay. Các địa phương tích cực triển khai hiệu quả nguồn tín dụng chính sách là: Quang Bình, Quản Bạ và Bắc Quang.
Trong tháng 4 vừa qua, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, tình hình phát triển kinh tế gặp khó khăn chung. Cơ sở sản xuất, kinh doanh mộc dân dụng của anh Nguyễn Văn Khiếu, thôn Châng, xã Phương Thiện (thành phố Hà Giang) tạm thời dừng hoạt động; nhân viên phải nghỉ làm nên kinh tế gia đình cũng bị ảnh hưởng. Để khôi phục sản xuất, anh được NHCSXH giải ngân cho vay 70 triệu đồng; có được nguồn vốn ưu đãi, anh đầu tư mua thêm máy móc, sửa chữa lại nhà xưởng và bắt tay vào khôi phục sản xuất, kinh doanh ngay sau khi nhà nước nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Trao đổi với chúng tôi, anh Khiếu chia sẻ: “Trong tình hình khó khăn về nguồn vốn và dừng sản xuất, kinh doanh do dịch Covid – 19, nay được NHCSXH cho vay ưu đãi theo chương trình cho vay hộ cận nghèo, gia đình tôi như “nắng hạn gặp mưa rào”. Nguồn vốn chính sách ưu đãi đã giúp gia đình tôi vượt qua giai đoạn khó khăn, hiện, xưởng mộc của gia đang hoạt động hiệu quả, tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động”.
Ông Mai Anh Tuấn, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm vay vốn tổ 15, phường Minh Khai (thành phố Hà Giang), cho biết: “Trong 6 tháng đầu năm, mặc dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid – 19; nhưng tình hình giải ngân nguồn vốn vay của NHCSXH trên địa bàn tổ vẫn đạt kết quả tốt; doanh số cho vay từ đầu năm đến nay đạt trên 500 triệu đồng, cho 11 khách hàng vay”.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Qua đó, nâng cao sức sản xuất hàng hóa và cải thiện đời sống cho người dân; từng bước góp phần ổn định tình hình KT – XH tại địa phương.
Bài, ảnh: AN GIANG