Mèo Vạc đẩy lùi nạn tảo hôn
BHG - Mặc dù đã có sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, ngành của huyện Mèo Vạc nhưng tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Bởi vậy, nỗ lực đẩy lùi nạn tảo hôn tiếp tục là lập trường được cấp ủy, chính quyền huyện đặt ra trong tình hình hiện nay.
Pa nô tuyên truyền phòng, chống tảo hôn trong khuôn viên Trường THCS thị trấn Mèo Vạc. |
Thực tế cho thấy, công tác đăng ký kết hôn trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Mèo Vạc những năm qua đã được cải thiện, đa số các cặp kết hôn đều đủ độ tuổi và các điều kiện liên quan khác theo quy định của pháp luật. Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận thuyết thống ở một số địa phương gần được xóa bỏ, như: Xã Sủng Máng, Tát Ngà hay Nậm Ban. Tuy nhiên, vấn nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại một số xã, đặc biệt là trong dịp tết Nguyên Đán. Riêng trong quý I.2020, toàn huyện ghi nhận 154 trường hợp tảo hôn, tập trung nhiều ở các xã, như: Thượng Phùng, Pải Lủng, Xín Cái, Lũng Pù…
Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mèo Vạc, Nguyễn Minh Thuận: Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do điều kiện KT – XH của huyện còn khó khăn, trong khi đồng bào dân tộc thiểu số chiếm phần lớn (trên 96%) với nhiều phong tục lạc hậu tồn tại từ lâu đời, nhận thức của người dân không đều. Đặc biệt, trong thời buổi công nghệ hiện nay, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh từ vài trăm nghìn, giới trẻ dễ dàng truy cập các phim ảnh đồi trụy, gây nên những ham muốn sớm về tình dục, dẫn đến tình trạng quan hệ tình dục không lành mạnh, không an toàn và có thai ngoài ý muốn, buộc hai bên gia đình phải tổ chức cưới…
Nhằm ngăn chặn tình trạng tảo hôn, UBND huyện đã tích cực triển khai nhiều giải pháp; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến thôn; trong đó, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị; ban hành hướng dẫn về công tác tuyên truyền và xử lý hành vi tổ chức tảo hôn. Theo đó, công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng; cho người dân, học sinh trực tiếp ký cam kết không vi phạm tảo hôn; tranh thủ vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Đặc biệt, đối với công tác xử lý hành vi tảo hôn, ngoài việc xử lý theo hương ước của thôn thì các địa phương còn áp dụng xử phạt vi phạm hành chính, thậm chí là chuyển hồ sơ xử lý hình sự nếu đủ căn cứ cấu thành tội phạm.
Có thể thấy, hậu quả của tảo hôn để lại là không hề nhỏ; song để giải quyết dứt điểm tình trạng này thì vẫn còn không ít khó khăn cần tháo gỡ. Do vậy, cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp nhân dân về vấn nạn tảo hôn; phát hiện sớm, kịp thời các trường hợp tảo hôn để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và không loại trừ biện pháp xử lý hình sự nếu đủ điều kiện, Trưởng phòng Dân tộc, Nguyễn Minh Thuận cho biết thêm.
Bài, ảnh: TRẦN KẾ