Những "chiến sỹ cầm bút" xông pha chống giặc Covid-19

16:20, 21/04/2020

BHG - “Báo chí góp một phần rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch. Chưa bao giờ thông tin về tình hình dịch bệnh đầy đủ, minh bạch, đồng loạt như lần này. Bên cạnh việc đưa tin, báo chí còn có nhiều bài phân tích sâu sắc, nhiều phóng sự đi vào lòng người” - Đó là nhận xét, cũng là tình cảm đặc biệt Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam dành cho những người làm báo tại Hội nghị giao ban báo chí trực tuyến về công tác tuyên truyền phòng, chống dịch Covid-19 chiều 10.4 vừa qua.

Nhà báo Kim Tiến (Báo Hà Giang) tác nghiệp tại thôn Pín Tủng, xã Sủng Là (Đồng Văn).                                                                               Ảnh: Duy Tuấn
Nhà báo Kim Tiến (Báo Hà Giang) tác nghiệp tại thôn Pín Tủng, xã Phố Là (Đồng Văn). Ảnh: Duy Tuấn

Ngày 16.4, sau khi có thông tin chính thức về trường hợp dương tính đầu tiên với dịch Covid - 19 trên địa bàn tỉnh; bệnh nhân 268 - một sơn nữ sống ở bản người Mông hẻo lánh giáp biên giới Trung Quốc, các phóng viên Kim Tiến, Duy Tuấn của Báo Hà Giang đã lao vào “chiến trường” Pín Tủng, xã Phố Là (Đồng Văn). Trong khi các phóng viên tiến về tâm dịch, lãnh đạo cơ quan, phòng nghiệp vụ, biên tập viên, kỹ thuật Tòa soạn nhanh chóng lên phương án tổ chức sản xuất, cung cấp thông tin hỗ trợ về công tác chỉ đạo, điều hành… tất cả cùng hợp sức để chuyển tải thông tin, hình ảnh nhanh nhất từ hiện trường chống dịch tới người dân; qua đó kịp thời định hướng dự luận, tạo sự yên tâm, tin tưởng vào công tác chống dịch của tỉnh. Trước đó, phóng viên Hoàng Ngọc (Báo Hà Giang) tác nghiệp tại thị trấn Phố Bảng (Đồng Văn), có gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với đội ngũ y, bác sỹ Phòng khám Đa khoa khu vực Phố Bảng nơi bệnh nhân 268 đến khám về công tác phòng, chống dịch; trên đường trở về thành phố Hà Giang, đến địa phận giáp ranh huyện Yên Minh, nhận được thông tin từ Tòa soạn, Hoàng Ngọc đã chủ động khai báo y tế và được bố trí cách ly tại Trạm Y tế xã Hữu Vinh (Yên Minh). Với mục tiêu không để trống thông tin phòng, chống dịch tại các huyện vùng cao, phòng nghiệp vụ Báo Hà Giang đã điều những “chiến binh thiện chiến” bám sát lực lượng chức năng, kịp thời chuyển tải thông tin về Tòa soạn để tổ chức sản xuất, phát hành, cung cấp thông tin chính thống, kịp thời định hướng dư luận, tạo sự yên tâm trong nhân dân.

Phóng viên Văn Long (Báo Hà Giang) tại chốt kiểm dịch y tế biên giới Nà La, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên).                                             Ảnh: Thu Phương
Phóng viên Văn Long (Báo Hà Giang) tại chốt kiểm dịch y tế biên giới Nà La, xã Thanh Thủy (Vị Xuyên). Ảnh: Thu Phương

 Từ khi giặc Covid - 19 hoành hành ở nước ta, cả hệ thống chính trị chưa lúc nào được thảnh thơi, tất cả tập trung với mức cao nhất nhằm đảm bảo sức khỏe, tính mạng cho người dân trước sự tấn công của dịch bệnh. Và những người cầm bút trên mảnh đất địa đầu Tổ quốc cũng luôn có mặt ở những tuyến đầu chống dịch; đã có hàng trăm tin, bài, ảnh được tuyên truyền trên các loại hình báo chí, kịp thời cổ vũ, động viên tinh thần chống dịch của các lực lượng nơi tuyến đầu đầy gian nan. “Nếu nói ngành Y là một trong những lực lượng nòng cốt trên tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì đội ngũ phóng viên, nhà báo cũng vô cùng dũng cảm khi đồng hành với chúng tôi trong trận chiến” - Bác sĩ Lương Thị Hiền, Trưởng trạm Y tế xã Thanh Thủy (Vị Xuyên) chia sẻ.

Nhà báo Đình Anh (Đài PT-TH tỉnh) tại khu cách ly Trạm Y tế xã Thanh Thủy đầu tháng 3.2020.                                                            Ảnh: Thu Phương
Nhà báo Đình Anh (Đài PT-TH tỉnh) tại khu cách ly Trạm Y tế xã Thanh Thủy đầu tháng 3.2020. Ảnh: Thu Phương

Minh chứng cho câu chuyện trên, Bác sĩ Hiền kể: Để đón đồng bào đi lao động từ bên kia biên giới trở về quê hương, Trạm Y tế xã Thanh Thủy đã trở thành khu cách ly tạm thời của tỉnh, nhằm theo dõi y tế, chăm sóc sức khỏe hàng trăm lao động trong 14 ngày theo quy định. Mặc dù biết khu cách ly là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19; nhưng từ khi thành lập đến nay, đã có nhiều phóng viên, nhà báo của tỉnh đến thông tin hoạt động của đội ngũ trực tiếp làm việc nơi đây.

Nhiều phóng viên, nhà báo như: Đình Anh, Văn Bính, Văn Hương, Hải Hà, Nguyễn Tâm (Đài PT-TH tỉnh); Mộc Lan, Lê Hải, Duy Tuấn, Kim Tiến, Văn Long, Phạm Hoan (Báo Hà Giang); Minh Đức, Minh Chuyên (Mèo Vạc), Kỳ Duyên (Quang Bình), Thiện Ngay, Đức Chung (Đồng Văn)… được đồng nghiệp gắn biệt danh “Phóng viên chiến trường Covid-19”. Bởi đa phần các tác phẩm báo chí của họ thời gian này tập trung phản ánh sâu đậm công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong toàn hệ thống chính trị. Kịp thời thông tin khuyến cáo của ngành Y tế, chỉ đạo của các cấp, ngành trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Sẵn sàng dấn thân nơi “thâm sơn cùng cốc” để ghi nhận sự can trường, dũng cảm, đức hy sinh của lực lượng chức năng trên tuyến đầu chống dịch. Lăn lội mọi cung đường, đến những bản làng xa xôi, hẻo lánh để ghi nhận cuộc sống thường nhật của đồng bào; hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trước tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19. Hoặc dành nhiều tác phẩm ca ngợi, tôn vinh những tấm lòng vàng, hành động đẹp, nhân văn của các tổ chức, cá nhân ủng hộ vật chất, đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho công tác tuyên truyền phòng, chống đại dịch Covid-19.

Những chuyến ngược xuôi tác nghiệp thời dịch Covid-19 đã để lại cho người làm báo nhiều ký ức không thể quên. Với phóng viên Văn Long, anh có trải nghiệm thâu đêm ghi lại hoạt động tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng trên các đường mòn, lối mở ở độ cao gần 2.000 m trong tiết trời lạnh “cắt da, cắt thịt” nơi miền biên viễn Xín Mần. Còn nhà báo Đình Anh, Văn Bính từng ăn lương khô, uống nước lọc suốt 1 ngày trong chuyến tác nghiệp tại cơ sở, khi các nhà hàng, quán ăn đều đóng cửa. Hoặc có lần họ trở về nhà khi đồng hồ điểm gần 5 giờ sáng. Đêm trước, họ đã chứng kiến ngày làm việc đầu tiên đầy vất vả của các thành viên chốt kiểm dịch y tế liên ngành trên tuyến Quốc lộ 2, đoạn qua cầu Trì (thị trấn Vĩnh Tuy - Bắc Quang)…

Nhà báo Kim Tiến trải lòng: mặc dù biết, cứ băng ra đường tác nghiệp là đương đầu nguy cơ mắc dịch bệnh. Nhưng đặc thù nghề nghiệp thôi thúc người làm báo tự trang bị kiến thức, phương tiện phòng hộ để tác nghiệp an toàn. Bởi đằng sau mỗi chuyến công tác trở về nhà, chúng tôi còn cha mẹ già, con thơ mong ngóng… Nhà báo Văn Bính chia sẻ: để có tác phẩm báo chí đậm hơi thở cuộc sống, quá trình tác nghiệp của nhà báo đầy truân chuyên. Nhưng có đi cơ sở mới thấy lực lượng “giữ khung thành”, như: Y tế, Biên phòng, Quân sự... họ không chỉ có “tinh thần thép” mà còn sẵn sàng đánh đổi sự an toàn, thậm chí cả sinh mệnh để ngăn đại dịch xâm nhập vào địa bàn hoặc hạn chế thấp nhất nguy cơ lây nhiễm. Chung cảm xúc ấy, Nhà báo Đình Anh đã kết nối, kêu gọi các nhóm thiện nguyện ủng hộ 5 xã biên giới của huyện Vị Xuyên, khu cách ly xã Thanh Thủy và một số địa phương của huyện Bắc Quang trên 1.000 chai nước rửa tay sát khuẩn, hơn 25.000 khẩu trang y tế, bảo hộ y tế. Tương tự như vậy, phóng viên Mộc Lan, Văn Quân (Báo Hà Giang) cũng kết nối với doanh nghiệp, ủng hộ hàng nghìn khẩu trang y tế, nước sát khuẩn, đồ dùng cá nhân cho một số cơ sở y tế, chốt kiểm dịch để chung tay phòng, chống đại dịch.

Tác nghiệp thời đại dịch Covid-19 bùng phát tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cao, nhưng khi được hỏi, động lực nào thôi thúc người làm báo sẵn sàng dấn thân? Câu trả lời thật giản dị: Đó là trách nhiệm của người làm báo chân chính trước nhu cầu thông tin trung thực, khách quan, mang tính thời sự của công chúng. Và thông tin do Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chia sẻ: thế giới ghi nhận người dân tín nhiệm rất cao công tác phòng, chống dịch của Việt Nam. Bên cạnh sự chỉ đạo, điều hành đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, các bộ ngành thì có đóng góp lớn của những người làm công tác thông tin truyền thông. Đây là lực lượng trực tiếp cùng xung trận với y tế, công an, quân đội và chúng ta phải có cơ chế để các nhà báo, tòa soạn bảo đảm an toàn khi tác nghiệp... thực sự khiến chúng tôi thêm vững tâm.                          

THIÊN THANH - THU PHƯƠNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Các đơn vị chung tay ủng hộ chống dịch Covid-19

BHG - * Chiều 20.4, UBND tỉnh tổ chức tiếp nhận quà ủng hộ phòng, chống Covid-19 do đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó trưởng Ban Kinh tế T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang gửi tặng. Theo đó, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã tiếp nhận quà ủng hộ do đồng chí Triệu Tài Vinh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang gửi tặng, gồm 1.000 bộ kit test xét nghiệm nhanh SARS – CoV – 2...

21/04/2020
Những người "trực chiến" giữa vùng dịch

BHG - Kể từ khi phong tỏa thôn Pín Tủng, xã Phố Là và Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn; cách ly thị trấn Phố Bảng, xã Phố Là (Đồng Văn) nhằm ngăn chặn dịch Covid-19 lây lan, luôn có những cán bộ, chiến sỹ ăn lán, ngủ rừng, không sợ hiểm nguy, căng mình đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập"… Giữa vùng dịch, họ trở thành những người lính ngày đêm "trực chiến", giữ bình yên cuộc sống người dân.

 

20/04/2020
Anh Sình góp sức phòng, chống dịch ở Phố Bảng

BHG - Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ cũng như các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở: "chống dịch như chống giặc", "mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài chống dịch"... Anh Hoàng Hải Sình, Tổ trưởng Khu phố 1, thị trấn Phố Bảng đã tự nguyện đứng ra kêu gọi người thân trong gia đình, nhân dân trên địa bàn hỗ trợ kinh phí, công sức, cung cấp trên 500 suất ăn sáng trong 7 ngày cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch tại địa phương và những người bị cách ly do tiếp xúc gần với ca bệnh 268.

20/04/2020
122 mẫu liên quan đến BN268 có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19

BHG – Chiều 18.4, kết quả xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, Hà Giang có 135 mẫu xét nghiệm có kết quả âm tính với Covid-19. Trong đó, 122 mẫu liên quan đến BN 268. Như vậy liên quan đến BN268, đến nay có tổng 144 mẫu (22 mẫu ngày 15.4; 122 mẫu ngày 18.4) kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19.

18/04/2020