Cuộc chiến chống dịch Covid-19 cho ta thấy nhiều điều

21:21, 17/02/2020

BHG - Không cần phải phân tích, ta cũng có thể thấy virus Covid-19 gây ra đã tác động xấu như thế nào đến đời sống KT – XH toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc. Tại Hà Giang, chúng ta rất dễ nhận thấy sự ảnh hưởng dù đến thời điểm này chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Covid-19; học sinh toàn tỉnh phải nghỉ học ít nhất trong 2 tuần; xuất nhập khẩu qua các cửa khẩu bị ảnh hưởng; các ngành Y tế, Quân đội, Công an, Quản lý thị trường, Giáo dục… rất vất vả trong công tác phòng, chống dịch. Tuy nhiên, virus Covid-19 cho ta thấy nhiều điều kể từ khi dịch được công bố.

Cán bộ xã Phương Tiến, Vị Xuyên phát tờ rơi tuyên truyền phòng dịch Covid-19 cho đồng bào các dân tộc. Ảnh Phan Hiển ( UBND xã Phương Tiến)
Cán bộ xã Phương Tiến, Vị Xuyên phát tờ rơi tuyên truyền phòng dịch Covid-19 cho đồng bào các dân tộc. Ảnh Phan Hiển ( UBND xã Phương Tiến)

Có thể thấy rõ, ý thức vệ sinh cá nhân và cộng đồng đã thay đổi nhanh chóng. Việc vệ sinh miệng, tay, chân và cơ thể chưa bao giờ được quan tâm như hiện nay. Ra đường, ta rất dễ bắt gặp người đeo khẩu trang. Chưa khi nào người dân lại quan tâm đến vệ sinh thực phẩm, bổ sung dinh dưỡng để tăng sức đề kháng của cơ thể như hiện nay. Nhiều người đã chú ý hơn tác phong sống lành mạnh, ít thức khuya, giảm rượu, thuốc lá… Việc ít tụ tập nhậu nhẹt giúp nhiều gia đình có đầy đủ thành viên hơn, ấm áp hơn.

 Lần đầu tiên, tâm lí “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” dường như không còn. Đất nước ta là nơi có hàng ngàn lễ hội trong năm, chủ yếu diễn ra vào mùa Xuân, có những lễ hội không thể không tổ chức. Ấy vậy mà giữa Xuân này, gần như tất cả các địa phương, trong đó có Hà Giang đã đồng lòng dừng tổ chức nhiều lễ hội, festival. Chưa năm nào, người dân lại “tiết kiệm” được một khoản tiền lớn từ hội hè, đặc biệt là chi phí đốt vàng mã như năm nay.

Cán bộ y tế thành phố Hà Giang phun thuộc khử khuẩn tại các trường Mầm non Hoa Mai (TPHG). ảnh: CTV
Cán bộ y tế thành phố Hà Giang chuẩn bị phun khử khuẩn tại trường Mầm non Hoa Mai (TPHG). ảnh: CTV

Đường phố tại thành phố Hà Giang và các thành phố trong cả nước trở nên thưa người hơn; các điểm vui chơi, các quán xá vắng khách hơn. Mật độ giao thông trở nên dễ thở hơn, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Hà Nội. Tất cả là do tâm lý đề phòng virus Covid-19.

Dịch xuất hiện, cũng là lúc làm lộ mặt nhiều đối tượng suốt ngày ngồi rỗi hơi, hóng hớt, bám vào dịch Covid-19 để than thở trên mạng xã hội. Chưa bao giờ ở nước ta có nhiều đối tượng bị xử lý vì tung tin đồn thất thiệt trên facebook, gây hoang mang dư luận như dịp này. Rất nhiều các trang facebook hóng hớt suốt ngày đăng các thông tin than vãn về dịch một cách thiếu định hướng khiến dư luận hoang mang; không ít đối tượng lợi dụng tình hình dịch để đăng đàn câu like, câu view dựa trên nỗi lo của người dân; hiểm độc hơn, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng dịch để nói xấu Chính phủ, Đảng và nỗ lực chung tay dập dịch của người dân. Không ít những luận điệu xấu độc, gây chia rẽ, kỳ thị với những vùng có dịch và người bệnh nhiễm virus Covid-19, gây sự hoang mang thái quá cho người dân.

Nhìn công tác chống dịch của Hà Giang và cả nước, có thể thấy công tác chống dịch đã trở thành nhiệm vụ của toàn dân chứ không phải chỉ của riêng Chính phủ, của cấp ủy, chính quyền địa phương, của ngành Y tế nữa. Thế thì lo gì dịch!? Chỉ cần mỗi chúng ta không chủ quan, tiếp cận các thông tin chính thống, chia sẻ thông tin về dịch trên mạng xã hội có trách nhiệm thì đã là góp phần chống dịch hiệu quả rồi.

Sự xuất hiện không mong muốn của virus Covid-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến đất nước ta. Nhưng nó cũng cho chúng ta thấy sự quyết tâm, vững vàng và hiên ngang của một Việt Nam trong mắt bè bạn quốc tế. Chúng ta sẵn sàng đón nhận công dân từ vùng dịch về nước, tạo điều kiện về chỗ ăn, ở tạm thời trong quá trình cách ly theo quy định y tế cho nhân dân. Chính phủ đã cử một chuyên cơ sang vùng tâm dịch Vũ Hán để đón công dân về nước. Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhấn mạnh về việc sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.

Trong khó khăn mới thấy tinh thần tương thân, tương ái được nhân lên trong cộng đồng. Rất nhiều mạnh thường quân, cơ quan, đoàn thể chia sẻ khẩu trang, nước vệ sinh, tích cực tham gia vận động, tuyên truyền nhân dân phòng, chống dịch; cộng đồng người Việt ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân trong nước đã cùng nhau chia sẻ tiền bạc, vật tư y tế cho vùng khó khăn để chống dịch. Hình ảnh tận tâm của nhiều y bác sỹ ở các bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân nhiễm virus Covid-19 đã cho thấy hình ảnh của một ngành Y tế sẵn sàng đương đầu với dịch và có đủ khả năng ứng phó với dịch, như khẳng định của lãnh đạo Bộ Y tế.

Với tình hữu nghị quốc tế, dù đang phải tập trung chống dịch với nhiều khó khăn, nhưng Chính phủ Việt Nam đã có rất nhiều hoạt động tương trợ nước bạn Trung Quốc chống dịch. Có hẳn một chuyến bay chở hàng cứu trợ cho vùng tâm dịch Vũ Hán. Trên dọc tuyến biên giới Việt Nam với Trung Quốc, các tỉnh, các đồn Biên phòng và người dân Việt Nam đã chung tay trao tặng rất nhiều vật tư khẩu trang, nước sát khuẩn cho cán bộ, nhân dân nước bạn. Đó là những nghĩa cử đẹp, xuất phát từ một truyền thống văn hóa đầy tự hào của dân tộc Việt Nam “thương người như thể thương thân”. Và với truyền thống ấy, sẽ là sức mạnh để Việt Nam ta sẽ tự tin chống được dịch và chiến thắng dịch.

                                                                   ĐT


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Tiếp nhận 22 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về

BHG - Vừa qua, Tại Của khẩu Quốc tế Thanh Thủy, các đơn vị: Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh; Trạm Kiểm soát Biên phòng thuộc Đồn Biên phòng Thanh Thủy; Tổ tiếp nhận người từ vùng dịch về địa phương của tỉnh; Khoa Kiểm dịch y tế Quốc tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật) đã tổ chức tiếp nhận 22 công dân Việt Nam từ Trung Quốc trở về.

 

17/02/2020
Phòng Thanh tra Công an tỉnh hỗ trợ 3 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn

BHG - Vừa qua, Phòng Thanh tra Công an tỉnh đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền xã Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, nhận đỡ đầu 3 anh em trong một gia đình tại thôn Há Súa. Đó là các cháu Sùng Mí Tủa (13 tuổi), Sùng Mí Nu (10 tuổi) và Sùng Mí Say (7 tuổi), có hoàn cảnh bố không may bị ốm chết, mẹ bỏ đi mất tích; hiện các cháu đang sống cùng với bà nội già yếu, điều kiện cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

17/02/2020
Bộ Y tế: Khánh Hòa đủ điều kiện công bố hết dịch Covid-19

Sáng 17/2, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 (nCoV) đã thông báo diễn biến mới nhất tại các địa phương đã công bố dịch. Trong đó, Khánh Hòa đã qua 30 ngày không ghi nhận ca nhiễm Covid-19 mới và Thanh Hóa đã qua 23 ngày.

17/02/2020
"Vĩnh Phúc đã làm chủ tình hình, quyết không để lây lan Covid-19 cho Hà Nội"

"Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã làm chủ được tình hình và quyết tâm tiến hành các bước để bảo vệ chống lây lan cho Hà Nội". Đó là thông tin được ông Lê Duy Thành - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho biết tại cuộc họp báo để thông tin về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh được tổ chức vào chiều qua (14/2).

15/02/2020